Góc nhìn: Khi USD/VND không vô cảm với thế giới
21/11/2016 16:00:51
Cuối chiều 17/11, Ngân hàng Nhà nước ra thông cáo về diễn biến tăng của tỷ giá USD/VND những ngày gần đây với đánh giá: bình thường.

Tin liên quan

Bên lề, người viết trao đổi với lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng Nhà nước rằng, không nhất thiết phải ra thông cáo trước một diễn biến có tính khách quan của thị trường.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này nhìn nhận, đặc điểm của thị trường Việt Nam, yếu tố tâm lý vẫn có ảnh hưởng lớn và nhà điều hành cần có thông tin định hướng kịp thời.

Không chỉ Trung Quốc với đồng Nhân dân tệ, nhiều đồng tiền khác trong khu vực cũng xuống giá mạnh tuần qua. Nếu VND quá “cứng”, càng thiệt về lợi thế cạnh tranh xuất khẩu - Ảnh: TBKTSG.

Chính sách đã tiên lượng

Yếu tố lý hiện nay có phần khác trước, nghiêng về yếu tố cung nhiều hơn. Tỷ giá liên tiếp tăng, người nắm giữ ngoại tệ thường có phản ứng tạm găm giữ, nghe ngóng và chờ đợi với kỳ vọng đạt đỉnh. Điều này, nếu không được định hướng và xử lý sớm có thể tạo khan hiếm giả tạo trên thị trường, sẽ gây thêm áp lực đối với tỷ giá.

Về phía cầu, tác động của tâm lý hiện nay đã khác nhiều so với trước. Cùng đó, Ngân hàng Nhà nước đã từng có cơ chế be bờ từ trong năm 2015.

Cầu trong dân cư có thể đuổi theo con sóng này, mua vào trên thị trường tự do. Nhưng cầu từ các tổ chức lớn là doanh nghiệp, muốn tăng lên lúc này vì tâm lý phòng thân, đầu cơ… là không dễ. Bởi vì đã có cơ chế ngăn chặn.

Tháng 10/2015, trước biểu hiện cầu ảo ngoại tệ tăng lên, đúng ra là doanh nghiệp dồn mua vì e ngại có biến vào cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã ra văn bản quan trọng, Thông tư số 15, đầy lượng cầu dồn lại đó về đúng với thời điểm cần ngoại tệ thực sự, tránh dồn lại vào một thời điểm mà đè lên vai tỷ giá.

Cụ thể, khi mua ngoại tệ tại ngân hàng, doanh nghiệp phải có chứng từ, hồ sơ… chứng minh nhu cầu ngoại tệ cần ngay và thực. Nếu nhu cầu đó để thanh toán sau 3 ngày làm việc trở lên, doanh nghiệp chỉ được mua ngoại tệ kỳ hạn mà thôi.

Theo đó, trong đợt biến động tỷ giá lần này, cầu ngoại tệ không còn dồn lên như trước đây, mà có trật tự rải trong tương lai theo cơ chế của Thông tư 15 nói trên. Thông cáo ngày 17/11 của Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định: không có cầu ngoại tệ đột biến.

Ngoài ra, như một bài viết VnEconomy đề cập mới đây, không phải ngẫu nhiên mà Ngân hàng Nhà nước sớm đưa dự thảo cho vay ngoại tệ tiếp tục trong năm 2017. Và ngay ngày 15/11 vừa qua, thông tư này nhanh chóng được ban hành.

Đó là sự tiên lượng của nhà điều hành. Vì các doanh nghiệp xuất khẩu vay ngoại tệ được trấn an ngay nguồn cung không đóng lại vào 31/12/2016, mà tiếp tục được thông sang 2017. Ở khía cạnh này, chính sách đã tạo điều kiện sớm định hướng để doanh nghiệp chủ động kế hoạch tài chính của mình, thay vì phải chờ đợi sát nút hoặc có phần thụ động trước đây.

Cần thiết cho cạnh tranh

Trở lại với thông cáo của Ngân hàng Nhà nước, vì sao tỷ giá tăng lại được xem là bình thường?

Trước hết vẫn là yếu tố tâm lý, với lịch hẹn khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất vào tháng 12 tới. Dù tình huống điểm hẹn này đã phản ánh vào thị trường suốt thời gian qua, nhưng kỳ vọng đang còn.

Thứ nữa và chính yếu, cơ chế tỷ giá trung tâm hiện nay đã lỏng hơn rất nhiều so với “cơ chế neo” trước đây. Lỏng hơn thì phản ánh linh hoạt, sát thực hơn.

Thời điểm cơ chế tỷ giá trung tâm ra đời, nó được xem như một chiếc chuông gió. Nếu rung lên trong môi trường nhiều xáo động, thì… đương nhiên.

Gió trong môi trường đó đang xáo động mạnh. Nhiều đồng tiền chủ chốt trên thế giới tăng/giảm trong biên độ lớn. Đồng USD lên giá tới khoảng 2% chỉ trong một tuần “hậu bầu cử” Tổng thống Mỹ; tương tự đồng Nhân dân tệ mất giá tới khoảng 1,5% và tính từ đầu năm tới khoảng 6%, xuống thấp nhất kể từ thời khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009…

Nhớ lại, tháng 8/2015, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ. Việt Nam đã buộc phải có biện pháp tự vệ, cũng phá giá VND với mức độ mạnh ngoài dự kiến và nới rộng biên độ.

Nay, trước một thế giới đầy biến động đó, như diễn biến mạnh của đồng USD và Nhân dân tệ nói trên, có thể xem đà tăng của tỷ giá USD/VND (hay VND giảm giá) những ngày qua cũng là một phản ứng tự vệ.

Xét rộng ra, không chỉ Trung Quốc với đồng Nhân dân tệ, nhiều đồng tiền khác trong khu vực cũng xuống giá mạnh tuần qua. Nếu VND quá “cứng”, càng thiệt về lợi thế cạnh tranh xuất khẩu.

Xét theo cơ chế tỷ giá trung tâm, khi luật chơi đã định, tỷ giá USD/VND tăng phản ánh những tác động bên ngoài cũng là bình thường. Trong rổ 8 đồng tiền tham chiếu tính tỷ giá trung tâm, USD và Nhân dân tệ có tỷ trọng lớn. Thực tế tỷ giá trung tâm cũng đã tăng liên tiếp gần 90 VND trong một tuần qua.

Xét theo mức độ biến động, diễn biến của tỷ giá USD/VND hiện nay cũng là bình thường vì giá USD bán ra của các ngân hàng thương mại vẫn còn chưa với tới mức cuối 2015 đầu 2016; tỷ giá trung tâm cho đến nay cũng mới chỉ tăng khoảng 0,93% kể từ đầu năm.

Nếu đặt trong phản ứng tự vệ cạnh tranh với các đối tác trong khu vực, mức độ trên là còn khiêm tốn khi nhiều đồng tiền đã mất giá trên 1% đến 3%, cá biệt như đồng Nhân dân tệ tới khoảng 6%.

Theo Vneconomy

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến