Tuần trước, Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề xuất dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Đó là một phần trong kế hoạch đầy tham vọng nhằm vực dậy nền kinh tế từ khủng hoảng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, không có khoản trợ cấp nào từ chính phủ có thể khôi phục nền kinh tế, cho đến khi nguồn cơn của vấn đề, đại dịch Covid-19, được giải quyết hoàn toàn.
Ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody's Analytics, tin rằng GDP Mỹ sẽ tăng vọt nếu chính quyền ông Biden được phép triển khai gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD. Tuy nhiên, tăng trưởng việc làm có thể bị hạn chế hơn nhiều.
Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden đề xuất dự luật kích thích kinh tế trị giá 1.900 tỷ USD. Ảnh: Reuters.
Phục hồi việc làm chậm chạp
Nền kinh tế Mỹ đã mất 22 triệu việc làm chỉ trong tháng 3 và tháng 4 năm ngoái. Cuối năm 2020, nước này có thêm 140.000 người lao động thất nghiệp. Ngay cả khi 12,5 triệu việc làm trở lại sau tháng 4/2020, đại dịch vẫn khiến 10 triệu người Mỹ không còn việc làm.
Moody's dự báo những công việc này sẽ không được phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2022, ngay cả với gói kích thích của chính quyền ông Biden. "Chúng ta sẽ chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của GDP, nhưng phải mất 18-24 tháng để khôi phục hoàn toàn các công việc đó", ông Zandi cảnh báo. "Rất nhiều người không thể đi làm trở lại cho đến khi đại dịch kết thúc", ông nói thêm.
Theo các chuyên gia y tế cộng đồng, diễn biến dịch bệnh sẽ tệ đi nhiều trước khi tốt hơn. Các trường hợp nhiễm mới, nhập viện và tử vong ở Mỹ đang gần hoặc chạm mức kỷ lục. Điều đó có thể dẫn tới những lệnh phong tỏa mới tại nhiều bang.
Loại vaccine Covid-19 đang được triển khai nhưng được dự báo không tiếp cận đủ để phần lớn người Mỹ trở lại cuộc sống bình thường, sớm nhất là tới mùa hè.
Mất việc làm, nhiều người Mỹ sống phụ thuộc vào các khoản trợ cấp. Ảnh: CNN.
Điều đó đồng nghĩa với việc các hoạt động kinh tế sẽ trở lại chậm hơn mong đợi, nhất là du lịch và nhà hàng. Giới quan sát cho rằng những biện pháp kích thích có thể giúp nhiều doanh nghiệp và cá nhân vượt qua khủng hoảng, nhưng không phải tất cả.
"Từ góc độ chính sách kinh tế, khó có thể làm được gì nhiều khi đại dịch tiếp tục hoành hành", ông Andrew Hunter, nhà kinh tế cao cấp tại Capital Economics, bình luận.
Ông Biden hứa sẽ tăng cường các nỗ lực tiêm chủng. Tuy nhiên, không ai chắc chắn được những nỗ lực đó có thể thành công tới mức nào.
"Chúng ta đang triển khai vaccine chậm hơn dự kiến. Điều đó đè nặng lên hy vọng về thời điểm có thể quay lại cuộc sống trước đại dịch", nhà phân tích thị trường cao cấp Edward Moya của hãng tư vấn Oanda (Mỹ) bình luận.
Khoản cứu trợ 1.900 tỷ USD có đủ?
Sự bất ổn đang gây khó cho các doanh nghiệp, từ những nhà bán lẻ, hãng hàng không cho đến nhà băng. "Nỗi bất an khiến các doanh nghiệp không thể đi ra ngoài, mở rộng và phát triển. Họ sẽ không thuê thêm người bởi họ không chắc chắn về những gì xảy ra trong tương lai", ông Zandi bình luận.
"Nó sẽ mất một quá trình. Tôi không cho rằng nó chỉ giống việc tắt bật công tắc", ông nói thêm.
Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp đã phải đóng vĩnh viễn vì ảnh hưởng của đại dịch. Dĩ nhiên, gói cứu trợ mà ông Biden đề xuất có thể giúp nhiều doanh nghiệp duy trì hoạt động. Tuy nhiên, nó không thể bù đắp những thiệt hại mà nền kinh tế gánh chịu trong khủng hoảng.
"Phá hủy công việc thì nhanh, nhưng tạo ra việc làm mới sẽ tốn thời gian hơn rất nhiều. Các nghiên cứu chỉ ra 1/3 số việc làm bị mất sẽ không bao giờ trở lại như trước đại dịch", chuyên gia Joel Prakken của IHS Markit bình luận.
Khoản tiền mà ông Biden đề xuất chỉ ít hơn một chút so với Đạo luật CARES được đưa ra hồi tháng 3. Tuy nhiên, vị tổng thống đắc cử khẳng định đây chỉ là bước đầu tiên. Như vậy, gói kích thích ban đầu này lớn gấp đôi so với 787 tỷ USD được cựu Tổng thống Barack Obama thông qua hồi năm 2009 - đáy sâu của cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008.
Khoảng 1/3 số việc làm bị mất có thể không bao giờ khôi phục như trước đại dịch. Ảnh: WSJ.
Khoản tiền trong Đạo luật CARES có tác động đáng kể đến nền kinh tế. Số hồ sơ phá sản cá nhân đã giảm 31% trong năm 2020 xuống mức thấp nhất kể từ năm 1998, theo Equip for the American Bankruptcy Institute.
Tuy nhiên, vấn đề là hàng loạt gói cứu trợ không giúp kết thúc cuộc khủng hoảng kinh tế. Ngay cả khi hàng triệu người lao động được trở lại làm việc, vẫn hơn 10 triệu người đang chật vật tìm việc làm. 6,2 triệu người chỉ tìm được việc bán thời gian, trong khi 2,2 triệu người từ bỏ tìm kiếm việc làm. Trong khi đó, phần lớn gói cứu trợ đã hoặc sắp hết hạn.
Không rõ bao nhiêu trong số 1.900 tỷ USD do ông Biden đề xuất sẽ được Quốc hội Mỹ thông qua. Ông Prakken của IHS Markit cho rằng con số cuối cùng có thể gần 1.000 tỷ USD, trong khi Moody's ước tính khoảng 750 tỷ USD.
Tuy nhiên, chìa khóa cho sự phục hồi của nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh hơn là gói kích thích. "Số ca tử vong có thể đạt đỉnh vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân. Có lẽ phải tới nửa cuối năm 2021, mọi người mới thoải mái hơn khi ra ngoài", ông Prakken nhận xét.
Tác giả: Thảo Cao
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy