Dòng sự kiện:
Gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ: Kiểm soát để dòng tiền không 'lệch hướng'
07/01/2022 06:24:29
Theo đại biểu, nếu không có biện pháp kiểm soát tốt thì các gói hỗ trợ sẽ lệch hướng, hiệu quả hạn chế, thậm chí có thể gây ra đảo lộn kinh tế vĩ mô.

Trong dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đề xuất để Quốc hội xem xét gói phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng và thực hiện trong 2 năm (2022-2023). Các chính sách tài khóa, tiền tệ được Quốc hội quyết định tại Kỳ họp bất thường được kỳ vọng là các giải pháp được thiết kế và thực thi nhanh, kịp thời, hấp thụ tối đa nguồn lực, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (đoàn ĐBQH TP Hà Nội), gói phục hồi, phát triển kinh tế gần 350.000 tỷ đồng đủ lớn để duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, tuy nhiên định hướng dòng tiền vào đâu chính là thách thức lớn nhất và phải tổ chức thực hiện thật minh bạch, tăng cường sự kiểm soát, chống tiêu cực.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc

"Ở đây có vấn đề rất quan trọng là làm sao đảm bảo dòng tiền có thể nhằm vào chính lĩnh vực sản xuất kinh doanh hay doanh nghiệp đang gặp khó khăn tạm thời phải có năng lực phục hồi nhanh, có năng lực cạnh tranh xét về mặt dài hạn. Chúng ta không thể cứu tất cả các doanh nghiệp. Mỗi cuộc khủng hoảng là cuộc sàng lọc rất khắc nghiệt. Nền kinh tế chỉ có thể giữ lại những doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh. Cho nên, việc hỗ trợ cho doanh nghiệp phải nhằm vào lĩnh vực có tiềm năng cạnh tranh nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Đó chính là nghệ thuật trong điều hành chính sách” - đại biểu Vũ Tiến Lộc cho biết.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài Chính- Ngân sách của Quốc hội, tổng quy mô hỗ trợ đến hơn 350.000 tỷ, nhưng thực tế phần lớn đều nằm trong các chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn thuế. Phần tiền mặt tức nguồn lực mới chỉ khoảng chừng 176.000 tỷ đồng. Với khoản tiền không quá lớn này trong 2 năm, bên cạnh việc đầu tư phục hồi những lĩnh vực bị tác động của đại dịch như: du lịch, vận tải, logistic, nhà ở công nhân…thì cần hạn chế nguồn tiền đầu tư cho những dự án chưa thực sự cần thiết ở thời điểm này.

"Có những dự án chưa thể kết thúc trong vòng 2 năm, có thể kéo dài, thì rõ ràng trong bối cảnh nguồn lực ít mà đầu tư dự án như vậy sẽ bị phân tán nguồn lực cho phục hồi. Trong 176.000 tỷ, giao thông đã sử dụng đến 103.000 tỷ, tức là chiếm đa số. Giao thông là quan trong nhưng những khâu nào mang tính chất điểm thắt, điểm nút để mở ra chứ không phải tất cả các dự án giao thông đều được đưa vào chương trình phục hồi" - đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến.

Đại biểu Hoàng Văn Cường

Bà Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn ĐBQH Hòa Bình) cho rằng, quy mô gói hỗ trợ lớn hay nhỏ không phải quan trọng nhất, mà quan trọng là làm sao cho trúng đối tượng. Có thể giảm thuế thời gian này, ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhưng trong tương lai nhờ giảm thuế nên kích thích tiêu dùng, kích thích sản xuất kinh doanh, từ đó quay lại nguồn thu bền vững hơn.

"Quan trọng nhất là lựa chọn đối tượng, tiêu chí để làm sao phục hồi kinh tế bền vững nhất" - bà Hà cho biết.

Điều mà nhiều đại biểu băn khoăn khi gói hỗ trợ 350.000 tỷ được Quốc hội bấm nút thông qua, đó là nguồn tiền sẽ bị đầu cơ, dễ dẫn đến lạm phát, nợ xấu. Nếu không có biện pháp kiểm soát tốt thì các gói hỗ trợ sẽ lệch hướng, hiệu quả hạn chế, thậm chí có thể gây ra đảo lộn kinh tế vĩ mô.

Đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH Đồng Nai) cho rằng: "Vì chúng ta đang bơm tiền ra để kích thích kinh tế thì lĩnh vực nào hưởng lợi sẽ tác động lớn đến thị trường, đồng thời cũng có tính 2 mặt. Do đó phải kiểm soát để tránh tình trạng bong bóng thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán. Cái quan trọng nhất là phải công khai, minh bạch trong việc hỗ trợ chính sách; phải kiểm soát tốt thị trường, tránh hiện tượng đầu cơ. Về phía cơ quan nhà nước, sát sao trong quá trình điều hành, tránh bị lợi dụng, tránh việc nguồn tiền không đi đúng vào các lĩnh vực đang cần”.

Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết ở Mỹ hay châu Âu, đặc biệt là Anh đã xảy ra lạm phát khi gói hỗ trợ đưa ra. Theo đó, cần phải hỗ trợ đúng đối tượng, nghĩa là dòng vốn không vào đầu cơ mà đi thực chất vào trong sản xuất kinh doanh. Nhiều cuộc hội thảo của các chuyên gia đã tập trung mạnh vào đẩy mạnh đầu tư công, tháo gỡ các nút thắt về cải cách hành chính và thể chế, đặc biệt xuyên suốt là vẫn phải tránh hai rủi ro: lạm phát và nợ xấu./.

Tác giả: Thu Huyền-Lại Hoa

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến