Doanh nghiệp xếp hàng chờ vốn
“Chủ trương là thế, nhưng triển khai có những cái khó, các DN cần chấp nhận thực tế, tự lực trong thời điểm này” - đây là nội dung trả lời của đại diện một ngân hàng lớn tại TP.HCM với ông Nguyễn Ngọc Luận - CEO Meet More Coffee khi đề cập tới chương trình hỗ trợ lãi suất 2%.
Ông Luận thông tin, khi trao đổi với các ngân hàng thì được biết, lượng DN xếp hàng chờ tiếp cận vốn đang tồn rất nhiều. Nhu cầu tín dụng bị dồn lại nên rất khó cho những DN muốn tiếp cận vốn sau này, đặc biệt là đối với các DN vừa và nhỏ (SMEs). Phần tín dụng được NHNN bổ sung thêm cho hệ thống ngân hàng dường như không "xi nhê". Khi tín dụng được cấp dè chừng thì đa phần các “ông lớn” có thể tiếp cận, chứ khó tới tay SMEs. Bởi, SMEs không thể có tài sản đảm bảo như DN lớn; hệ số giao dịch với ngân hàng còn thấp và những năm dịch Covid-19 vừa qua không đạt doanh thu ổn định. Chưa kể, thủ tục tiếp cận dòng vốn vay cũng rườm rà.
Nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khi tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất 2% (ảnh: Hoàng Hà)
Ở chiều ngược lại, bản thân các ngân hàng phải bám theo chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận và không muốn chia sẻ rủi ro cho SMEs. Tổ chức tín dụng sẽ triệt để sử dụng vốn tín dụng dồn vào nhóm khách hàng an toàn, sinh lời tốt nhất.
“Đây là thực tế. Nhiều DN vừa và nhỏ tôi biết nếu không phá sản thì hoạt động cầm chừng. Có đơn vị phải cắt giảm 50% nhân sự để tiết giảm chi phí hoặc chấp nhận vay ngoài lãi suất cao để nuôi doanh nghiệp”, CEO Meet More Coffee nói.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (Huba), việc tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất 2% khó khăn. Ngân hàng phải ưu tiên, sắp xếp dòng tiền bởi quá nhiều DN đang xếp hàng dài chờ vốn. Chính vì vậy, giải ngân tín dụng vẫn hết sức khó khăn.
Chủ tịch một tập đoàn xây dựng lớn cho hay, dù động thái nới room tín dụng đã có nhưng DN rất khó khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng. Trong bối cảnh đó, lãi suất tăng cũng gây thêm những áp lực nhất định tới hoạt động kinh doanh. Với những DN làm ăn tốt, ổn định trước đây cần có chính sách tín dụng phù hợp, giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất thời.
“Nếu không có sự điều tiết dòng tiền, định lượng hợp lý từ cơ quan quản lý nhà nước thì nhiều DN sẽ mất cân đối tài chính, mất thanh khoản, nguy cơ phá sản lớn”, vị này nói thêm.
Thế khó cho ngân hàng
Ông Võ Tân Thành - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - lý giải, dù thực tế thiếu vốn nhưng DN vẫn khó tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%. Các ngân hàng được cấp thêm tín dụng vừa rồi không nhiều, trong khi ưu tiên của Chính phủ hiện nay là kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Sẽ khó đi theo hướng bơm quá nhiều tín dụng ra thị trường.
Ông Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì bình luận rằng, các ngân hàng cũng không tha thiết lắm với chương trình hỗ trợ lãi suất 2% bởi e ngại thủ tục phiền hà, sợ dính vào hoạt động thanh, kiểm tra do liên quan tới sử dụng nguồn vốn từ NSNN.
Kiến nghị về mặt chính sách, ông Nguyễn Ngọc Luận cho rằng, chương trình hỗ trợ lãi suất 2% cần quy định rõ tỷ lệ, chỉ tiêu giải ngân cho các SMEs, đặc biệt là giới DN sản xuất vì họ là các đối tượng rất cần được hỗ trợ lúc này. NHNN cần nêu nhóm đối tượng DN được cấp tín dụng cụ thể hơn.
Còn theo Phó Chủ tịch Huba, nếu ngân hàng không thể giải ngân tiền đồng nghĩa DN không được hưởng hỗ trợ lãi suất, khó vẫn hoàn khó. Thời điểm này là tháng 10, gần hết năm 2022. Nếu được sắp xếp giải ngân trong năm 2023 thì gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng không còn nhiều thời gian thực thi (hiệu lực hỗ trợ từ 1/1/2022 đến 31/12/2023).
“Khi giải ngân xong, thời hạn chỉ còn khoảng 1 năm, như vậy hiệu quả của chương trình hỗ trợ sẽ đi tới đâu?”, đại diện Huba đặt câu hỏi.
Ngân hàng Nhà nước thừa nhận gặp khó khi xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất Chia sẻ với PV. VietNamNet chiều tối 5/10, đại diện truyền thông của NHNN cho hay, mặc dù kết quả chương trình hỗ trợ lãi suất có xu hướng tăng khi đến cuối tháng 8/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt hơn 10.700 tỷ đối với 580 khách hàng, dư nợ đạt khoảng 9.820 tỷ đồng song, vẫn chưa như kỳ vọng do một số khó khăn, vướng mắc. ”Ngân hàng gặp khó trong xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất trong một số trường hợp khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành. Hiện nhiều hộ sản xuất kinh doanh vay vốn tại các NHTM nhưng không có đăng ký hộ kinh doanh nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý e ngại của các NHTM khi triển khai thực hiện do một số chương trình hỗ trợ lãi suất vẫn chưa được quyết toán số tiền đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng”, phía NHNN thông tin. Ngoài ra, NHNN cho rằng, một số chi nhánh NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng song bản thân khách hàng, nhất là các DN cũng có tâm lý e ngại trong trường hợp sơ suất khi tham gia chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước, phải tuân thủ các thủ tục hậu kiểm, thanh tra, kiểm toán, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. |
Tác giả: Trần Chung
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy