Hỗ trợ doanh nghiệp về thuế, phí
Ngày 21/10, Bộ Tài chính cho biết, đang hoàn thiện dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 406 để trình Chính phủ ban hành sớm nhất. Bộ Tài chính khẳng định: Nghị định được xây dựng theo nguyên tắc minh bạch, dễ thực hiện, hạn chế tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế nhận hỗ trợ; Tổng số tiền thuế được miễn, giảm theo Nghị quyết 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự kiến khoảng 20.000 tỷ đồng. Như vậy, tổng số tiền các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất hỗ trợ DN và người dân trong năm 2021 khoảng 138.000 tỷ đồng. Ngoài miễn giảm thuế cho DN theo Nghị quyết 406, các chính sách đã ban hành gồm gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất khoảng 115.000 tỷ đồng; miễn, giảm thuế, phí trên 3.000 tỷ đồng.
Ngoài ra, DN cũng được hỗ trợ từ Quỹ Bảo hiểm xã hội, vay ưu đãi để trả lương theo Nghị quyết 68 và 116 của Chính phủ. Với Nghị quyết 68, DN được vay lãi suất 0% để trả lương; hộ kinh doanh phải dừng hoạt động do dịch COVID-19 được hỗ trợ bằng tiền khoảng 600 tỷ đồng…Theo Nghị quyết 116, DN được giảm đóng Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với tổng số tiền trên 7.594 tỷ đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam cho biết, hai năm qua, Chính phủ và Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ DN, giúp DN phần nào vượt qua được những khó khăn. “Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 406 trong đó giảm 30% thuế thu nhập DN năm 2021, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng (VAT)…là hết sức cần thiết. Miễn VAT sẽ tạo được dòng tiền cho DN và phủ rộng khắp được các loại DN”, ông Nam nói.
Không phát sinh thêm thủ tục
Trao đổi với PV Tiền Phong, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng cho rằng, thời điểm này được hỗ trợ một đồng cũng quý. Tuy nhiên, theo ông Hùng, đa số DN khó khăn kỳ vọng được giảm VAT ở mức cao hơn. Trong khi đó, giảm thuế thu nhập DN thì chỉ đơn vị có lãi để đóng thuế mới được hưởng, đa số DN khó khăn, đặc biệt là DN thuộc lĩnh vực vận tải hành khách. Họ đã lỗ 2 năm nay và gần như không được hưởng lợi từ chính sách này. “Khó khăn nhất với DN hiện là thiếu lao động, taxi đã được phép hoạt động, nhưng chỉ có 40% số tài xế trở lại làm việc, nhiều xe phải nằm bãi vì thiếu tài xế”, ông Hùng nói thêm.
Hỗ trợ lãi suất Ngày 21/10, tại phiên thảo luận tổ của Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá XV, đại biểu Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM, cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 bởi mặt bằng lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại hiện nay từ 6-8%/năm, thậm chí 9%/năm. Với lãi suất này, doanh nghiệp rất khó hồi phục. Ông đề xuất Chính phủ xem xét, có gói khoảng 20.000 - 40.000 tỷ đồng để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp. Với nguồn lực trên, Chính phủ có thể hỗ trợ lãi suất cho khoản vốn vay chừng 1 triệu tỷ đồng (chiếm 10% tổng số dư nợ cho vay của các ngân hàng) và ưu tiên cho cho những lĩnh vực thiệt hại nặng nề nhất, như du lịch, hàng không… ÐB Trần Thị Diệu Thuý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, cho biết, TPHCM có khoảng 4 triệu lao động, trong đó khoảng 50% lao động không giao kết hợp đồng lao động. Chính phủ nên có các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt là doanh nghiệp thâm dụng lao động; hỗ trợ người lao động. Huy Thịnh |
Theo ông Tô Hoài Nam, mỗi loại hình DN gặp khó khăn khác nhau. Do đó, việc hỗ trợ đòi hỏi phải đồng đều, toàn diện. Tuy nhiên, chung quy lại, DN mong muốn hỗ trợ nhiều nhất là về thuế, bảo hiểm, tín dụng. Sau những lần rút kinh nghiệm, hiện tại các chính sách ngày càng tốt hơn và phù hợp với DN.
“Các chính sách trên đều ý nghĩa với DN nhưng quan trọng nhất là khâu tổ chức thực hiện. Có nhiều chính sách khi các đơn vị triển khai đã làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, “tô hươu vẽ vượn” khiến DN khó tiếp cận, hoặc tiếp cận được cũng đã đứt hơi”, ông Nam đánh giá.
Cũng theo ông Nam, nhiều DN vừa và nhỏ đã đuối sức, kiệt quệ. DN được tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp sẽ giúp giảm được chi phí, tái đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc hỗ trợ lãi suất cần được thông qua một cơ chế và điều kiện vay dễ dàng hơn…Ngoài ra, các ngân hàng cũng cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận nguồn vốn dưới hình thức tín chấp. Bởi về mặt pháp lý đã có quy định nhưng trên thực tế, ngân hàng chưa mạnh dạn cho vay; tỷ lệ DN được vay tín chấp rất thấp.
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, theo kết quả khảo sát nhanh của các hiệp hội mới đây đối với 360 DN tại Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Định cho thấy, bình quân mỗi ngành có trên 50% DN dừng sản xuất. Những DN còn hoạt động cũng chỉ duy trì được khoảng 50-60% số lao động và công suất giảm 30-50% so với điều kiện bình thường. Theo ông Lập, khó khăn nhất đối với các DN hiện nay là vấn đề tín dụng. Dù các ngân hàng đã công bố mức giảm lãi suất cho vay 0,3 - 1,5%/năm, cùng các gói tín dụng ưu đãi khác song mức giảm này là không thấm vào đâu so với khó khăn thiệt hại của DN. Trên thực tế, DN cũng chưa được hưởng bất cứ ưu đãi nào khác từ phía ngân hàng.
Tác giả: Lê Việt - Dương Hưng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy