Ngày 30/1, Chính phủ ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội. Với quy mô 350 nghìn tỷ đồng, đây là gói hỗ trợ phục hồi kinh tế lớn nhất từ trước đến nay.
Nghị quyết đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó có vấn đề đảm bảo an sinh xã hội, việc làm.
Theo đó, trong sáu tháng đầu năm 2022, gói hỗ trợ đưa ra chính sách hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà cho người lao động đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất... Mức hỗ trợ với lao động quay trở lại làm việc là 1 triệu đồng một tháng và lao động đang làm tại các doanh nghiệp là 500.000 đồng một tháng.
Ở nhóm giải pháp này, Chính phủ cũng đưa ra chính sách cho vay hỗ trợ duy trì, mở rộng việc làm, với tổng vốn cho vay tối đa 10.000 tỷ đồng. Các cá nhân, hộ gia đình cũng sẽ được vay để mua, thuê mua nhà ở nhà xã hội, nhà ở cho công nhân, hoặc vay để cải tạo, sửa chữa nhà... với tổng vốn 15.000 tỷ đồng.
Công nhân, người lao động khó khăn được vay tiền mua, thuê nhà ở xã hội
Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết, để phục hồi thị trường lao động, ngân sách nhà nước dự kiến trích 6.600 tỷ đồng hỗ trợ thuê nhà trọ cho người lao động, gồm: Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà, tiền thuê trọ với người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu vực kinh tế trọng điểm.
Hỗ trợ 3 tháng tiền thuê nhà trọ với mức gấp đôi nhóm trên với người lao động quay lại thị trường (để thu hút trở lại người lao động đã về quê).
Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn không lãi suất để trả lương cho người lao động đến hết 31/3/2022.
Bên cạnh đó, người lao động được vay vốn với lãi suất ưu đãi để phát triển sản xuất, với mức vay có thể tới hàng trăm triệu đồng.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để công nhân ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh tối thiểu về nhà ở, Ngân hàng Chính sách xã hội sẽ triển khai gói tín dụng lớn nhất từ trước tới nay với lãi suất rất thấp để hỗ trợ doanh nghiệp vay xây dựng ký túc xá, nhà ở cho công nhân mua hoặc thuê; một phần cho công nhân vay lãi suất thấp mua nhà giá rẻ.
Năm nay cũng tiếp tục hỗ trợ cho doanh nghiệp đào tạo nghề cho người lao động theo gói hỗ trợ trị giá 7.500 tỷ đồng đã được cung cấp.
Dự kiến Bộ LĐ-TB&XH sẽ trình Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua gói 6.600 tỷ đồng hỗ trợ người lao động cũng như chính sách cho vay phục hồi sản xuất.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sau khi Chính phủ giao nhiệm vụ, bộ sẽ triển khai ngay các công việc liên quan để hoàn thiện nhanh nhất chính sách hỗ trợ tới người lao động.
Việc triển khai hỗ trợ này đã có kinh nghiệm khi triển khai gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 trong năm 2021.
Việc triển khai hỗ trợ lần này có thể sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, dữ liệu bảo hiểm xã hội để xác định nơi đăng thường trú, tạm trú, nơi thuê trọ, công việc của họ làm căn cứ xác định người lao động được hỗ trợ. Dù vậy, để triển khai hiệu quả vẫn cần cán bộ cơ sở, địa phương nêu cao tinh thần trách nhiệm.
Phát triển hạ tầng
Ngoài 3 nhóm giải pháp trên, thì việc đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng vào các dự án quan trọng, cấp thiết, có tính lan toả lớn và giải ngân nhanh, hấp thụ ngay vào nền kinh tế.
Các dự án hạ tầng quan trọng được Chính phủ chú trọng đầu tư giai đoạn này là hoàn thành tuyến đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các tuyến kết nối vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên với Miền Trung, các tuyến cao tốc vùng Đông Nam Bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long; hạ tầng giao thông kết nối các vùng, cảng biển, cửa khẩu, khu và cụm công nghiệp; hạ tầng số, chuyển đổi số...
Ngoài ra các cơ chế, chính sách cản trở sản xuất, kinh doanh sẽ được cắt giảm, cải cách thể chế, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Thủ tục hành chính sẽ được tăng xử lý trực tuyến; nghiên cứu các giải pháp đột phá, thúc đẩy chuyển đổi số, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với phát triển bền vững...
Chính sách hỗ trợ giảm thuế VAT ngay lập tức đi vào cuộc sống
Chính phủ sẽ cấp bù lãi suất và phí quản lý tối đa 2.000 tỷ đồng để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai cho vay ưu đãi. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất 2% một năm với các khoản có lãi suất cho vay trên 6% một năm và được Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân trong trong 2022-2023. Tổng vốn hỗ trợ lãi suất là 3.000 tỷ đồng.
Việc mở cửa nền kinh tế gắn với đầu tư nâng cao năng lực y tế, phòng chống dịch. Mở cửa lại du lịch, vận tải hàng không, dịch vụ giải trí... sẽ được cấp có thẩm quyền hướng dẫn triển khai trên cơ sở đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Chính phủ sẽ điều chỉnh, thống nhất các quy định về đi lại, di chuyển của người lao động, lưu thông hàng hóa, dịch vụ và sản xuất an toàn, duy trì hoạt động liên tục, ổn định.
Cùng với đó là chính sách cũng hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Loạt chính sách miễn giảm thuế phí, lệ phí trong năm 2022 được Chính phủ đưa ra. Chẳng hạn, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về 8% với cơ sở kinh doanh tính theo khấu trừ và giảm 20% tỷ lệ phần trăm khi xuất hoá đơn với hộ, cá nhân kinh doanh tính thuế theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu.
Việc giảm thuế VAT không áp dụng với lĩnh vực viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản...
Thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay giảm 50%; giảm 50% phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân phải ngừng kinh doanh, sản xuất do ảnh hưởng của Covid-19 sẽ được giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022.
Các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ lãi suất 2% một năm trong hai năm (2022 - 2023) với các khoản vay của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã có khả năng trả nợ, phục hồi, thuộc lĩnh vực như hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; xuất bản phần mềm...
Ngành ngân hàng phấn đấu giảm lãi suất cho vay 0,5-1% trong 2 năm tới, nhất là với lĩnh vực ưu tiên. Các ngân hàng cũng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19...
Chính phủ cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu xem xét giảm tiền điện, tiền nước cho doanh nghiệp, người dân.
Kết quả thực hiện gói hỗ trợ sẽ được Bộ KH&ĐT tổng hợp, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2022, 2023 và 2024.
Tác giả: Gia Văn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy