Dòng sự kiện:
Gom cổ phiếu để 'ôm' đất
23/12/2021 10:28:14
Khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp và các quy định liên quan đến đấu giá, đấu thầu dự án chặt chẽ hơn, những doanh nghiệp có quyền phát triển dự án, có quỹ đất được săn mua.

Các dự án bất động sản được coi là mục tiêu thâu tóm và tái cơ cấu ở nhiều doanh nghiệp.

Petroland: Biến động cơ cấu cổ đông lớn

Tuần qua, cổ phiếu PTL của Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng và Đô thị Dầu khí (Petroland) biến động mạnh. Sau khi leo lên đỉnh 52 tuần với giá gần 16.000 đồng/cổ phiếu ngày 13/12, mã chứng khoán này bị “đạp” về giá sàn trong phiên sau đó, giảm nhẹ trong phiên tiếp theo và bật tăng trần trong 2 phiên giao dịch cuối tuần.

Đáng lưu ý, trong 2 phiên giảm giá, thanh khoản gia tăng khi có 7,4 triệu cổ phiếu PTL được chuyển nhượng. Năm tháng trước, cổ phiếu PTL có đợt tăng từ hơn 4.000 đồng/cổ phiếu lên 10.000 đồng/cổ phiếu, rồi điều chỉnh và đi ngang quanh 7.000 đồng/cổ phiếu.

Đi cùng với biến động giá của cổ phiếu là sự thay đổi trong cơ cấu cổ đông Petroland. Dữ liệu cho thấy, phiên giao dịch 7/12, hơn 36 triệu cổ phiếu PTL (tỷ lệ 36%) của Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) đã được bán cho các nhà đầu tư thông qua phương thức thỏa thuận trên sàn, với giá 14.000 đồng/cổ phiếu.

Một số nguồn tin cho biết, có nhóm nhà đầu tư lớn gom cổ phiếu PLT từ trước, cộng thêm lô cổ phiếu do PVX thoái vốn, nên gần như nắm quyền chi phối Petroland.

Trước 2 phiên “đạp hàng”, Petroland xuất hiện tin xấu khi doanh nghiệp công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường dự kiến tổ chức vào tháng 1/2022 có nội dung xin hủy niêm yết, nhưng vài ngày sau lại bỏ nội dung này và đưa ra chiến lược, mô hình phát triển mới, với mục tiêu nâng giá trị vốn hoá lên 10.000 tỷ đồng.

Nhiều năm liền, cổ phiếu PTL liên tục nằm trong diện bị kiểm soát đặc biệt do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là con số âm. Đến thời điểm hiện tại, Petroland chỉ mới hoàn thiện được 4 dự án lớn là Chung cư Petroland Quận 2, Chung cư Mỹ Phú, Trung tâm Thương mại Tài chính Dầu khí Phú Mỹ Hưng (Petroland Tower) và Khu phức hợp 30/4.

Dù vậy, Petroland có quyền phát triển nhiều dự án quy mô lớn như Khu đô thị mới Dầu khí Vũng Tàu, Khu chung cư Quận 7, Khu nghỉ dưỡng sân gôn Cam Ranh (Khánh Hòa). Các dự án bất động sản được coi là mục tiêu thâu tóm và tái cơ cấu doanh nghiệp ở Petroland.

Các doanh nghiệp có quỹ đất lọt vào tầm ngắm M&A

Trong danh sách các doanh nghiệp thoái vốn mà Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đang triển khai, những doanh nghiệp có quyền thuê đất, quyền sử dụng đất diện tích lớn như Tổng công ty cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (VEC), Tổng công ty Licogi - CTCP… được nhìn nhận sẽ thoái vốn thành công. Hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp này bết bát, nhưng có các nhà đầu tư quan tâm đến kế hoạch thoái vốn của SCIC nhằm nắm quyền khai thác quỹ đất.

Chẳng hạn, VEC (Nhà nước nắm giữ hơn 80% cổ phần) hiện hoạt động lay lắt, nhưng có quyền thuê đất nhiều vị trí đẹp. Vì thế, giá bán cho đợt thoái vốn sắp tới được nhận định sẽ không dưới 2x (giá cổ phiếu VEC trên sàn chứng khoán gần đây dao động trong khoảng 16.000 - 17.000 đồng/cổ phiếu).

Tại Diễn đàn Mua bán - sáp nhập (M&A) doanh nghiệp Việt Nam do Báo Đầu tư tổ chức mới đây, các diễn giả đều chia sẻ quan điểm, môi trường M&A đang rất sôi động, Việt Nam đang là trọng điểm khiến môi trường cạnh tranh cao.

Ông Angus Liew, Tổng giám đốc Gamuda Land cho hay, giờ đây tìm một khu vực rộng rãi để phát triển dự án không dễ dàng nên Tập đoàn nhắm đến phát triển cả dự án bất động sản 1 ha. Trong đó, M&A được dùng như một chiến lược kinh doanh quan trọng. Gamuda Land từng thành công khi chuyển đổi đất dự án nhà máy xử lý nước thải ở TP.HCM thành một khu phức hợp đẹp.

Đối với Fraser, tập đoàn nắm giữ 40 tỷ USD tài sản bất động sản trên khắp thế giới, cũng đặt mục tiêu thông qua M&A sẽ phát triển các dự án mới tại Việt Nam. Thời gian qua, Fraser phát triển được một dự án nhà ở, 2 tòa nhà văn phòng, một khu thương mại nhỏ, hiện đang triển khai thương vụ mua một dự án khu công nghiệp

“Từ năm 2019 đến nay, giá cả trên thị trường tăng nhanh, thị trường nóng và có nhiều nhà đầu tư tham gia. Chúng tôi có thể chốt được thương vụ là dựa vào khả năng tài chính. Tập đoàn luôn dự trữ một khoản để M&A khi có cơ hội”, ông Trương Anh Dương, Giám đốc Khối bất động sản nhà ở Frasers Việt Nam cho biết.

Tác giả: Thủy Vy

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến