Dòng sự kiện:
Gồng lỗ do đầu tư chứng khoán
29/07/2022 16:12:27
Nhiều doanh nghiệp đã dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư chứng khoán và thu được lợi nhuận đáng kể. Song diễn biến khó lường của thị trường nửa đầu năm nay đã khiến không ít doanh nghiệp nhận trái đắng.

Ảnh minh họa.

Với nền tảng hoạt động sản xuất, kinh doanh chắc chắn, thanh khoản cổ phiếu tốt, mã HPG của Tập đoàn Hòa Phát được nhiều nhà đầu tư từ cá nhân đến các tổ chức lựa chọn để nắm giữ.

Đáng kể nhất trong số các cổ đông của Hòa Phát là nhóm Trí Việt. Cụ thể, báo cáo tài chính quý II/2022 của CTCP Chứng khoán Trí Việt (mã TVB) cho thấy, khoản đầu tư vào cổ phiếu HPG được Chứng khoán Trí Việt ghi nhận dưới dạng chứng khoán sẵn sàng bán (AFS) có giá gốc gần 197 tỷ đồng, nhưng giá trị hợp lý chỉ còn chưa đến 112 tỷ đồng, tương ứng tạm lỗ 85 tỷ đồng.

Ngoài Hòa Phát, khoản mục AFS của Chứng khoán Trí Việt còn có cổ phiếu đáng chú ý như FPT (198 tỷ đồng), PVT (72 tỷ đồng). Danh mục tự doanh của Chứng khoán Trí Việt còn có các cổ phiếu như MWG (198 tỷ đồng), TCB (13,6 tỷ đồng), MBB (6,6 tỷ đồng)... nằm dưới dạng các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL). Tại thời điểm 30/6/2022, chỉ có 2 mã cổ phiếu là FPT và MWG được ghi nhận giá trị hợp lý ở trạng thái lãi, còn lại là lỗ.

Tự doanh không hiệu quả, trong khi hoạt động môi giới và cho vay cũng gặp khó khiến doanh thu hoạt động của Chứng khoán Trí Việt giảm mạnh gần 81% so với cùng kỳ, xuống mức 26,7 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, Chứng khoán Trí Việt lãi vỏn vẹn chưa đến 600 triệu đồng, giảm hơn 99% so với cùng kỳ năm ngoái.

So với giá trị ghi nhận cuối năm 2021, khoản đầu tư của Chứng khoán Trí Việt vào cổ phiếu HPG đã tăng từ 180 tỷ đồng lên 197 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty mẹ của Chứng khoán Trí Việt là Tập đoàn Trí Việt (mã TVC) thời điểm cuối năm 2021 ghi nhận trên báo cáo hợp nhất (ghi nhận của cả Chứng khoán Trí Việt) khoản đầu tư có giá trị 555 tỷ đồng vào cổ phiếu HPG.

Tính đến ngày 25/7, Tập đoàn Trí Việt vẫn chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2022, nhưng với dữ liệu trên, dự báo khoản “tạm lỗ” của Tập đoàn Trí Việt tại Hòa Phát sẽ còn lớn hơn Chứng khoán Trí Việt.

Một cái tên cũng đang gồng lỗ khi trở thành cổ đông của Hòa Phát là CTCP Hóa An (mã DHA) - một doanh nghiệp hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. So với đầu năm, doanh nghiệp này đã mua thêm 2,2 triệu cổ phiếu HPG trong nửa đầu năm, qua đó nâng sở hữu lên 2,54 triệu đơn vị. Tại ngày 30/6/2022, Hóa An trích lập dự phòng hơn 24 tỷ đồng cho khoản đầu tư này. Điều này khiến chi phí tài chính tăng mạnh, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Kết thúc quý II, lãi ròng của Hóa An đạt 1,7 tỷ đồng, giảm tới 92% so với cùng kỳ.

Ngoài “cổ phiếu quốc dân” HPG, con sóng đầu tư chứng khoán thời gian qua cũng không thể không nhắc đến nhóm cổ phiếu bất động sản, với câu chuyện xoay quanh CTCP Licogi 14 (mã L14) với 2 mã dòng bất động sản là DIG và CEO.

Quý II vừa qua, Licogi 14 ghi nhận những điểm sáng tích cực trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 87,8 tỷ đồng, lãi gộp 42 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng gấp 6 lần, dẫn đến Licogi 14 phải báo lỗ 367 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, riêng khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn là 375 tỷ đồng. Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2021, danh mục đầu tư của Licogi 14 gồm gần 7,8 triệu cổ phiếu CEO của Tập đoàn C.E.O và 2,9 triệu cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp).

Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Licogi 14 vẫn tin tưởng khi đưa ra nhận định trong báo cáo giải trình rằng, hiện nay tất cả các mã chứng khoán công ty đầu tư vào đều có tiềm lực mạnh về các dự án bất động sản, tài chính vững mạnh, thương hiệu, uy tín trên thị trường. Công ty xác định đầu tư ổn định lâu dài, khi thị trường phát triển tốt sẽ linh hoạt điều hành để hiệu quả hơn.

Tương tự, CTCP Đầu tư Phát triển Nhà Đà Nẵng (mã NDN) từng lãi hàng trăm tỷ đồng từ đầu tư chứng khoán vào năm 2021, thì đến quý II/2022, doanh nghiệp này bất ngờ báo lỗ 119 tỷ đồng. Nguyên nhân là vì Nhà Đà Nẵng phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 90 tỷ đồng tại thời điểm 30/6/2022.

Trong danh mục đầu tư của Nhà Đà Nẵng, khoản “gồng lỗ” lớn nhất là 46,5 tỷ đồng trích lập cho khoản đầu tư vào mã SHB. Khoản đầu tư vào cổ phiếu một doanh nghiệp bất động sản lớn là VHM cũng khiến Nhà Đà Nẵng phải trích lập dự phòng 18 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Ngọc Quang, chuyên gia cao cấp thuộc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư - CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), nếu VN-Index có những hồi phục nhất định, cổ phiếu bất động sản cũng có những nhịp hồi ngắn hạn mang tính kỹ thuật. Tuy nhiên, để kỳ vọng tăng trưởng 50 - 60% hay tăng bằng lần để giúp nhà đầu tư lấy lại những gì đã mất là rất khó.

Tác giả: Kỳ Thành

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến