Dòng sự kiện:
Gửi tiền ngân hàng nên chọn kỳ hạn ngắn hay dài?
20/11/2018 07:01:10
Lãi suất tiết kiệm tăng khá nhiều trong vài tháng gần đây, tuy nhiên lãi suất tại các kỳ hạn lại thay đổi khác nhau, khách hàng cân nhắc thời gian gửi để hưởng mức lãi cao nhất.


Dải lãi suất tiết kiệm các ngân hàng đưa ra với mỗi kỳ hạn đều được tính toán và cân bằng lợi ích giữa khoản tiền gửi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, việc gửi tiền theo kỳ hạn dài hay chia nhỏ thành các kỳ hạn ngắn có thể ảnh hưởng tới mức lãi suất khách hàng có thể được hưởng.

Nhiều ngân hàng đang tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn trên 12 tháng.

Lãi suất tăng, nên gửi kỳ hạn ngắn hay dài?

Trước đây, các chuyên gia ngân hàng thường cho rằng khi thị trường có xu hướng tăng và tăng trong thời gian dài thì người dân nên lựa chọn gửi tiền theo kỳ hạn ngắn, sẽ thu lợi tốt hơn.

Nguyên nhân do gửi các kỳ hạn ngắn, người dân có thể chủ động trong việc gửi và tất toán số tiền của mình. Khách hàng có thể tất toán tiền gửi nhanh, sau đó gửi mới và hưởng mức lãi suất cao hơn theo xu hướng của thị trường.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang áp dụng nhiều chính sách nhằm ổn định lãi suất sẽ khó xảy ra trường hợp lãi tăng đột biến khiến các khoản tiền gửi dài hạn chịu thiệt. Cùng với đó, chính sách kiểm soát lạm phát của NHNN hiện cũng được duy trì ổn định dưới 5% giúp giá trị của tiền Đồng được giữ vững.

Vì vậy, thời điểm này, nếu không có dự định kinh doanh, làm ăn lớn, người dân nên chọn thời hạn dài với hình thức lĩnh lãi cuối kỳ để gửi tiền.
Lãi suất các ngân hàng hiện nay chủ yếu ở dạng đường cong khi lãi ngắn hạn dưới 6 tháng bị áp trần 5,5%, còn kỳ hạn trên 6 tháng trở lên không bị áp trần, có thể lên tới trên 8% tại một số ngân hàng, nên việc gửi tiền sẽ có lợi hơn khi chọn kỳ hạn dài.

Như với khoảng 300 triệu đồng, nếu chỉ gửi kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất tối đa được hưởng cũng chỉ khoảng 5,5%/năm. Mức tiền lời mỗi tháng sẽ chỉ khoảng 1,38 triệu đồng.

Cũng số tiền này, khi gửi kỳ hạn 12 tháng lĩnh lãi cuối kỳ lãi suất sẽ dao động trên 7%. Khi đó, số tiền lời thu về mỗi tháng sẽ trên 1,75 triệu đồng, cao hơn 370.000 đồng mỗi tháng so với gửi ngắn hạn.

Khi nào nên chia nhiều kỳ hạn ngắn thay vì dài hạn?

Các khoản tiền gửi ngắn hạn (dưới 12 tháng) được xem là hình thức tiết kiệm linh hoạt cho người gửi với như cầu sử dụng vốn nhiều. Đi kèm sự linh hoạt này thì mức lãi suất cũng thấp hơn khá nhiều so với các khoản dài hạn (trên 12 tháng).

Các ngân hàng hiện đưa ra nhiều gói kỳ hạn tiền gửi cho khách hàng lựa chọn, từ 1 tuần cho tới 60 tháng với mức lãi suất khác nhau. Hiện mức lãi suất cao nhất đang được một số ngân hàng áp dụng với kỳ hạn dài cũng đã lên tới 8,4%/năm.

Đối với các kỳ hạn dưới 12 tháng, việc mang tiền gửi thành một kỳ hạn dài có lợi hơn so với chia thành nhiều kỳ hạn nhỏ. Nhưng ở kỳ hạn trên 12 tháng, do một số ngân hàng có chiến lược kinh doanh và nhu cầu vốn khác nhau nên dải lãi suất cũng thay đổi.
Cụ thể, nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất kỳ hạn 24 và 36 tháng chỉ tương đương hoặc cao hơn 0,1-0,2% so với kỳ hạn 12 tháng.

Trong trường hợp này, việc chia khoản tiền gửi thành nhiều kỳ hạn 12 tháng mang lại lợi tích tốt hơn cho người gửi tiền.

Như một ngân hàng lớn tại TP.HCM đưa ra mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng là 7,5%, trong khi lãi suất kỳ hạn 24 và 36 tháng là 7,75%.

Nếu lãi suất trong kỳ không thay đổi, người gửi 300 triệu đồng với kỳ hạn 24 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, sau khi tất toán sẽ nhận được 45 triệu đồng tiền lãi.

Nếu chia khoản tiền gửi đó thành 2 kỳ hạn 12 tháng, tuy chỉ được hưởng mức lãi suất 7,5% nhưng lại được hưởng lãi mẹ kỳ trước đẻ lãi con kỳ sau. Tổng cộng, sau 24 tháng, số tiền lãi nhận về sẽ là 46,7 triệu đồng. Với số tiền càng lớn mức tiền lãi chênh lệch sẽ càng nhiều.

Tương tự tại một ngân hàng quốc doanh lớn hiện nay, các kỳ hạn trên 12 tháng đều được niêm yết lãi suất ở mức 6,6%. Như vậy, nếu lựa chọn gửi kỳ hạn dài 24-36-48 tháng người gửi sẽ không thu được mức tiền lãi như việc gửi thành nhiều kỳ hạn 12 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ.

Theo tính toán, nếu mức lãi suất kỳ hạn dài không cao hơn 0,2% so với kỳ hạn ngắn thì không nên lựa chọn gửi tiền dài hạn.

Theo Zing

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến