Tại sao phải tìm sự đồng thuận?
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo một ngân hàng thương mại có trụ sở tại TP.HCM cho biết, Ngân hàng Nhà nước không trực tiếp ra văn bản hành chính, hay gián tiếp là hạ lãi suất điều hành, mà thông qua Hiệp hội Ngân hàng kêu gọi các ngân hàng đồng thuận hạ lãi suất. Động thái của cơ quan quản lý là điều dễ hiểu, bởi trong nền kinh tế thị trường, ngân hàng cũng là doanh nghiệp, một loại hình doanh nghiệp đặc thù nên không thể lúc nào cũng ban hành các mệnh lệnh hành chính, hay định hướng ngân hàng san sẻ tiền trong túi của mình cho các doanh nghiệp.
“Chúng tôi tự mình cũng biết “chung nồi cơm” với doanh nghiệp nên cần chia sẻ khó khăn, nhưng việc chung tay với nhóm doanh nghiệp nào ở thời điểm này thì chúng tôi biết rõ hơn bất kỳ ai”, vị lãnh đạo ngân hàng trên nói.
Lãnh đạo một ngân hàng khác đặt vấn đề: “Các sự kiện an sinh xã hội lớn hay nhỏ đều có sự hiện diện của hệ thống ngân hàng. Không “tuần chay nào là không có nước mắt”, vậy nhưng, liệu các ngân hàng có đang bị đối xử bất bình đẳng? Hệ thống ngân hàng đạt lợi nhuận cao thì nộp thuế cao, nhưng khi gặp khó khăn, doanh nghiệp nào sẽ là bờ vai để ngân hàng dựa?”.
Nếu giảm lãi suất 1%/năm thì lợi nhuận năm 2021 của các ngân hàng dự kiến giảm mạnh, ước tính LienVietPostBank giảm khoảng 600 tỷ đồng, Sacombank giảm hơn 1.000 tỷ đồng, BIDV giảm hàng nghìn tỷ đồng… |
Về vấn đề này, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nêu quan điểm: “Ngân hàng Nhà nước cũng chịu sức ép từ xã hội khi tình hình dịch Covid-19 dự kiến còn kéo dài, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, áp lực lạm phát chưa cao dù giá một số mặt hàng đã tăng. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước chắc hẳn cũng muốn tạo ra một xung lực nào đó để góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp, duy trì mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay trong bối cảnh lợi nhuận hệ thống ngân hàng còn khá cao, mà nguyên do chính là bởi tỷ lệ trích lập dự phòng rủi ro thấp”.
Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Ngân hàng Nhà nước với vai trò là cơ quan chủ quản không thể làm ngơ trước bối cảnh kinh tế khó khăn, doanh nghiệp chật vật để tồn tại mà lợi nhuận ngân hàng vẫn cao, nên kêu gọi sự đồng thuận hạ lãi suất cho vay là điều có thể lý giải được.
Mặc dù chưa có số liệu đầy đủ về kết quả kinh doanh quý II/2021, nhưng điểm qua các ngân hàng đã công bố cho thấy lợi nhuận đều khả quan. Trước đó, quý I đã chứng kiến lợi nhuận của ngành ngân hàng tăng trưởng vượt bậc (23 ngân hàng niêm yết đạt khoảng 41.000 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 78% so với cùng kỳ).
TS. Nghĩa nhận định, yếu tố hỗ trợ lợi nhuận quý II/2021 của các ngân hàng là Thông tư 03/2021/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành đầu tháng 4. Thông tư này cho phép các ngân hàng thực hiện trích lập dự phòng cho các khoản nợ tái cơ cấu vì chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong vòng 3 năm. Điều này sẽ phần giúp các ngân hàng giảm bớt áp lực trong việc trích lập dự phòng, từ đó cải thiện lợi nhuận.
Dẫu vậy, TS. Nghĩa cảnh báo: “Trong phần còn lại của năm 2021, lợi nhuận các ngân hàng sẽ phụ thuộc vào khả năng thu hồi nợ từ những khoản vay tái cơ cấu. Nếu những khoản vay này trở thành nợ xấu, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng có tỷ lệ trích lập dự phòng trên nợ xấu thấp, sẽ phải bổ sung chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và giảm lợi nhuận”.
Lãi suất giảm, liệu có bền vững?
Tại cuộc họp của Hiệp hội Ngân hàng, các thành viên cho biết, giảm lãi suất sẽ ảnh hưởng lớn đến kế hoạch lợi nhuận trong năm nay. Chẳng hạn, theo đại diện LienVietPostBank, với tổng dư nợ của Ngân hàng khoảng 191.000 tỷ đồng, nếu ngân hàng này giảm lãi suất bình quân 1%/năm thì lợi nhuận giảm khoảng 600 tỷ đồng.
Với Sacombank, tổng dư nợ hiện khoảng 350.000 tỷ đồng, nếu lãi suất giảm 1% trong vòng 5 - 6 tháng thì lợi nhuận của Ngân hàng có thể giảm hơn 1.000 tỷ đồng, tương đương 40% lợi nhuận theo kế hoạch năm 2021.
Tương tự, đại diện BIDV cho hay, giảm lãi suất ở mức 1%, lợi nhuận của Ngân hàng trong năm 2021 sẽ giảm hàng nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó tổng giám đốc TPBank nêu quan điểm, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay, quốc gia rất cần “một người khỏe” và đó là ngân hàng, nếu ngân hàng yếu thì nền kinh tế sẽ yếu.
Trong khi đó, TS. Nghĩa cho rằng, lợi nhuận từ khu vực ngân hàng khá lớn giúp cho ngân sách nhà nước vẫn thu tốt, nhưng nên chăng, các ngân hàng tính toán hạ lãi suất, giảm bớt lợi nhuận để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, dù cổ đông chắc chắn sẽ “kêu”.
“Cổ đông cũng phải lựa chọn hạ lãi suất, giảm bớt lợi nhuận, chia sẻ khó khăn với “ông bạn chung nồi cơm”, thay vì trích lập dự phòng rủi ro thấp, lợi nhuận cao chỉ để nộp thuế nhà nước. Quan trọng hơn, sau này, khi nợ xấu lộ diện thật thì chính các cổ đông là người “hứng cả”, TS. Nghĩa nói.
Còn TS. Hiếu cho rằng, quan trọng không phải là các ngân hàng nhiệt tình cam kết hạ lãi suất cho vay, mà phải có nền tảng để các ngân hàng giảm lãi suất cho vay bền vững. Trong bối cảnh hiện tại, đây là bài toán khó giải của hệ thống ngân hàng.
Thực tế, huy động vốn đang gặp khó khăn, trong khi nhu cầu tín dụng cao hơn trước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 21/6/2021, huy động vốn tăng 3,13% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,35%), trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 5,47% (cùng kỳ năm 2020 tăng 2,45%).
Tại cuộc họp với Hiệp hội Ngân hàng, có sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng đề nghị ngân hàng trung ương cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng (room) trong những tháng cuối năm để ngân hàng có dư địa tín dụng hỗ trợ khách hàng tốt hơn.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Vietcombank cho biết: “Đầu năm, Ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng là 10%, nhưng đến nay tín dụng đã tăng 9%”.
“Ngân hàng được nới room, nhu cầu huy động vốn tăng lên, dẫn đến lãi suất đầu vào và đầu ra sẽ tăng. Việc tuân thủ chỉ đạo hạ lãi suất cho vay chỉ mang tính chất tình thế, chứ môi trường kinh doanh tài chính không cho các ngân hàng cơ hội giảm lãi suất, đó là chưa kể đến câu chuyện lạm phát và nợ xấu vẫn luôn song hành”, TS. Hiếu phân tích.
Tại cuộc họp đồng thuận hạ lãi suất cho vay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam lưu ý các thành viên, hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nhưng phải đảm bảo an toàn hệ thống một cách cao nhất. Bởi lẽ, các tác động tiêu cực từ đại dịch đến ngành ngân hàng có độ trễ.
Một nghiên cứu của Ban Kinh doanh vốn và tiền tệ BIDV cho biết, trong quý II/2021, lãi suất chịu áp lực bởi xu hướng giảm của thanh khoản VND dưới tác động của hai yếu tố chính. Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước duy trì chính sách mua ngoại tệ kỳ hạn kể từ đầu năm, khiến lượng tiền VND được bơm ra hệ thống ngân hàng qua kênh mua bán ngoại tệ bị trì hoãn. Thứ hai, huy động vốn tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm so với tín dụng, cũng như so với cùng kỳ một vài năm trước. |
Tác giả: Nhuệ Mẫn
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy