Dòng sự kiện:
Hà Nội cần kiểm soát không để ca mắc Covid-19 tăng cao hơn nữa
15/12/2021 14:22:47
Dù là hệ quả tất yếu sau khi nới lỏng, chuyên gia cho rằng thành phố cần kiểm soát tốt hơn, không để dịch bùng phát thêm, tránh gây áp lực cho hệ thống y tế.

Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội trong tuần qua, số trường hợp nhiễm nCoV được phát hiện trên địa bàn thành phố luôn ở ngưỡng trên 700 ca. Riêng trong ngày 14/12, số ca nhiễm mới của Hà Nội đã vượt kỷ lục của chính mình từ thời điểm dịch bùng phát khi có 900 người dương tính với SARS-CoV-2.

Tính từ ngày 11/10 đến nay, giai đoạn Hà Nội nới lỏng các chính sách giãn cách xã hội, thích ứng với dịch, thành phố đã ghi nhận tổng cộng hơn 16.000 ca nhiễm nCoV (trung bình 251 ca/ngày).

Hà Nội ghi nhận số ca nhiễm nCoV cao nhất từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Ảnh: Sở Y tế Hà Nội.

Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng tình trạng này là dễ hiểu sau khi thành phố thực hiện nới lỏng, sống chung an toàn với nCoV. Tuy nhiên, Hà Nội cần đảm bảo kiểm soát tốt hơn nếu không muốn tình trạng quá tải hệ thống y tế xảy ra.

Số F0 có thể tăng

Theo PGS Phu, khi Hà Nội bắt đầu cho phép người dân hoạt động, đi lại, việc tiếp xúc giữa người với người, đặc biệt là người lành và người mang virus chắc chắn sẽ xảy ra. Khi đó, virus cũng có điều kiện để lây lan rộng rãi hơn.

“Với Covid-19, nhiều người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng. Do đó, trong quá trình tiếp xúc, giao tiếp, chúng ta cũng rất khó nắm bắt được liệu người đối diện hay bản thân mình có đang mang mầm bệnh hay không”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, việc người dân tiếp xúc với đám đông, tham dự liên hoan, các sự kiện như đám tang, đám cưới,... hay những nơi không đảm bảo tốt biện pháp phòng bệnh sẽ là môi trường rất tốt để SARS-CoV-2 lây lan.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế. Ảnh: Hoàng Hà.

PGS Phu dự báo: “Với những nguyên nhân trên, tôi cho rằng tình hình dịch và số ca nhiễm tại Hà Nội có thể tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đây là điều chúng ta buộc phải chấp nhận. Tuy nhiên, thành phố cũng cần sớm kiểm soát tình hình, không để số ca tăng cao hơn nữa”.

Ông cho rằng khi số ca mắc tăng quá cao, sức chịu đựng của ngành y tế sẽ không đủ. Lúc này, nhiều trường hợp mắc bệnh, diễn biến nặng sẽ không được tiếp cận với y tế cũng như tư vấn và điều trị kịp thời. Từ đó, tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong sẽ tăng cao.

“Tất nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cao, đa số người nhiễm nCoV tại Hà Nội sẽ chỉ diễn biến nhẹ hoặc không có triệu chứng. Dẫu vậy, khi các cơ sở y tế quá tải, việc số trường hợp diễn biến nặng, tử vong tăng cao là hệ quả tất yếu”, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nói thêm.

Chủ động giảm tỷ lệ tử vong do Covid-19

Theo ông Phu, biện pháp quan trọng và cũng là hiệu quả nhất để giảm nguy cơ tử vong chính là phòng bệnh.

“Tôi luôn khuyến cáo người dân cần đảm bảo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế trong bất cứ thời điểm nào. Dù hiện nay, tỷ lệ tiêm chủng của Hà Nội đạt mức khá cao. Nhiều người chủ quan, cho rằng tiêm vaccine rồi sẽ không mắc bệnh hoặc chỉ ở thể nhẹ, từ đó buông lỏng việc bảo vệ bản thân là rất nguy hiểm”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chủ một số hộ kinh doanh tại Hà Nội ngồi bên ngoài khu vực chợ bị rào chắn. Ảnh: Thạch Thảo.

Theo ông, ngoài nguy cơ chính bản thân người dân nhiễm virus, việc không thực hiện tốt 5K còn tạo điều kiện để chúng ta lây lan nCoV cho người khác. Điều này trở nên đặc biệt nguy hiểm với người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine.

PGS Trần Đắc Phu nói thêm: “Không phải 100% người dân tiêm đủ liều vaccine sẽ diễn biến nhẹ khi mắc Covid-19. Vẫn có trường hợp diễn biến nặng, tử vong dù đã tiêm vaccine dù số lượng không lớn. Do đó, việc tự ý thức, bảo vệ bản thân là rất quan trọng. Chúng ta luôn phải đề phòng trường hợp người bên cạnh, thậm chí bản thân, đang là F0”.

Từ đây, người dân nên hạn chế tiếp xúc khi không thực sự cần thiết, tránh những hoạt động, địa điểm có nguy cơ lây lan cao như chợ búa không an toàn, hội họp không an toàn...

Với ngành y tế, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng khuyến cáo Hà Nội cần tiếp tục kiện toàn các cơ sở tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19.

“Thành phố cần tập huấn cho cán bộ, nhân viên y tế để làm sao tất cả người dân không may nhiễm SARS-CoV-2 đều được tư vấn, theo dõi và điều trị kịp thời”, PGS Phu nói.

Bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng được điều trị tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Thạch Thảo.

Bên cạnh đó, các cơ sở y tế tại Hà Nội cũng cần nhanh chóng chuẩn bị thêm giường bệnh để phòng trường hợp có F0 diễn biến nặng sẽ được can thiệp ngay.

Thực tế, Hà Nội cũng đã lên kế hoạch và yêu cầu các cơ sở y tế trên địa bàn chuẩn bị tổng cộng 12.000 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong khi đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cơ sở y tế tuyến đầu tiếp nhận các trường hợp diễn biến nặng, nguy kịch ở khu vực miền Bắc, cũng đã được Bộ Y tế giao nhiệm vụ triển khai 500 giường hồi sức tích cực.

Cùng quan điểm với PGS Phu, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho rằng việc tăng số giường hồi sức tích cực sẽ giúp các địa phương nâng cao khả năng chịu đựng của ngành y tế với các phạm vi dịch.

“Với Covid-19, dù độ bao phủ vaccine trong cộng đồng cao, chúng ta vẫn phải đối diện với tỷ lệ diễn biến nặng nhất định. Khi chưa tiêm vaccine, tỷ lệ này là khoảng 20%. Sau khi bao phủ vaccine, con số này có thể giảm xuống dưới 10%. Chúng ta mở rộng năng lực hồi sức đồng nghĩa với việc mở rộng khả năng đáp ứng với tổng số bệnh nhân nhiễm virus”, bác sĩ Cấp giải thích.

Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng đã giao Ban Cán sự Đảng UBND thành phố xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày. Người đứng đầu cấp quận, huyện cần xác định cấp độ dịch và biện pháp tương ứng; Nâng cao năng lực hệ thống y tế, thành lập các trạm y tế lưu động; Đẩy mạnh điều trị F0 nhẹ, cách ly F1 tại nhà đối với tất cả phường, xã, thị trấn.

Cuối cùng, PGS Trần Đắc Phu khẳng định việc tiêm chủng vaccine Covid-19 vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tỷ lệ tử vong. Theo đó, tất cả người dân chưa tiêm đủ 2 mũi cần nhanh chóng được bao phủ trong thời gian tới.

Tác giả: Quốc Toàn

Theo: Zing.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến