Dòng sự kiện:
Hà Nội có vội khi cấm xe máy đường Lê Văn Lương - Nguyễn Trãi?
14/03/2019 09:58:10
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng Hà Nội không nên vội vã trong việc cấm các xe máy trên tuyến đường huyết mạch như Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi...

Sau khi Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, để thực hiện lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, TP đang nghiên cứu thí điểm trước tại một số khu vực, tuyến đường có đủ điều kiện cơ sở hạ tầng và dự kiến trước hết cấm xe máy trên tuyến đường Lê Văn Lương hoặc Nguyễn Trãi.

Tuyến đường Nguyễn Trãi của TP Hà Nội luôn trong tình trạng quá tải các phương tiện tham gia giao thông

Trước thông tin trên, rất nhiều người Hà Nội “đứng ngồi” không yên và còn đang hỏi nhau, liệu khi nào sẽ cấm, có cấm thật không...thì nhiều chuyên gia lên tiếng và lo ngại việc cấm xe máy thí điểm trên đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi sẽ ảnh hưởng giờ học, giờ làm của người dân...Một số cho rằng Hà Nội không nên vội vã trong việc cấm các xe máy trên tuyến đường huyết mạch như Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi...

Cả triệu người bị ảnh hưởng nếu cấm xe máy trên 2 tuyến đường này

Theo ghi nhận, tại 2 tuyến đường mà Hà Nội đang nghiên cứu để thí điểm cấm xe máy là Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi, mật độ tham gia giao thông rất lớn và thường ùn tắc vào giờ cao điểm. Kể cả không phải cao điểm thì 2 tuyến đường này lúc nào cũng khá đông đúc phương tiện và người tham gia giao thông.

Tuyến đường Lê Văn Lương lúc nào cũng đông đúc các phương tiện.

Là người thường xuyên ngày đi về nhiều lượt trên tuyến đường Nguyễn Trãi, anh Lê Văn Mạnh ở Tế Tiêu, Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, vợ chồng anh làm nghề buôn bán thịt lợn ở chợ Mai Động, hằng ngày chúng tôi cùng rất nhiều người dân trên địa bàn đưa hàng đến các chợ đầu mối ở trung tâm TP để bán hàng, giao hàng. Nay bảo cấm xe máy đi lại thì những người buôn bán bằng xe máy như anh chưa nghĩ ra sinh kế gì cho hợp lý.

“Đường Nguyễn Trãi là con đường ngắn nhất, huyết mạch để di chuyển hằng ngày. Chúng tôi không biết nếu cấm đường này thì việc làm ăn của bao nhiêu người dân buôn bán sẽ ra sao", anh Mạnh nói.

Cùng nỗi lo, anh Nguyễn Văn Bằng (54 tuổi, trú Hà Đông), chủ một đại lý phân phối khăn mặt, khẩu trang cho biết, hàng ngày anh phải đi phân phối hàng trên nhiều địa bàn của Hà Nội. Đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi là cầu nối có thể di chuyển vào các vùng xa như Hà Đông, Ứng Hòa…nếu cấm xe máy sẽ rất khó khăn. Chưa kể dọc trên 2 tuyến phố này có những con ngõ rất nhỏ, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy.

Nhiều người băn khoăn, khi cấm xe máy trên 2 tuyến đường Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi, người dân chưa biết đi bằng phương tiện gì?

“Xe ô tô tải ban ngày không được vào Hà Nội, dùng xe máy chở đến các đại lý bỏ hàng. Giờ bảo cấm xe máy đi trên 2 tuyến này chúng tôi chưa biết sẽ đưa hàng bằng phương tiện gì. Kế sinh nhai của cả gia đình và của rất nhiều hộ gia đình sản xuất thủ công ở trong khu vực sẽ bị ảnh hưởng...”, anh Bằng cho hay.

Vẫn còn nhiều tranh cãi, bàn luận

Trước lộ trình dừng hoạt động xe máy tại các quận vào năm 2030, TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Giao thông Vận tải cho rằng: “Cấm xe máy là việc không khả thi. Tại sao không quy hoạch, quản lý được lại “cấm”?

Chuyên gia phân tích, số người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy chiếm khoảng 70-80%, nếu cấm đi bằng phương tiện này, người dân di chuyển bằng gì? Với đặc thù giao thông nội đô, xe máy là phương tiện cơ động và khả năng gây ùn tắc chỉ bằng một phần nhỏ của ô tô.

“Hai phương tiện cá nhân đi cùng nhau, tại sao cấm xe máy mà lại không cấm ô tô? Dù thời nào, vẫn có tỉ lệ nhất định người dân dùng xe máy, vì vậy, chúng ta nên tuyên truyền cho người dân dùng phương tiện nào cho phù hợp”, ông Thủy nói.

Một số cho rằng Hà Nội không nên vội vã trong việc cấm các xe máy trên tuyến đường huyết mạch như Lê Văn Lương và Nguyễn Trãi...

Về việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố lớn, người dân đi qua tuyến đường đó chứ không phải đi hết đường đó rồi vào nhà. Nếu cấm 2 tuyến đường đồng nghĩa việc cấm hàng trăm tuyến đường khác. Từ đó, tạo ra luồng giao thông không liên thông, ùn tắc kéo dài.

Góp ý giải pháp phát triển giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng: Cần phát triển phương tiện giao thông công cộng. Hiện nay, phương tiện giao thông công cộng chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đi lại của người dân. Mặt khác, phương tiện này di chuyển không đúng giờ và hợp lý nên người dân chưa lựa chọn.

Còn theo ông Bùi Danh Liên- nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định về việc nghiên cứu thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến phố, trước hết, chúng ta phải áp dụng những giải pháp mềm. Vào giờ cao điểm, các phương tiện giao thông như ô tô đi hàng 3, hàng 4 và xe này “nhảy” lên đầu xe kia, xe máy đi lên vỉa hè gây ùn tắc. Vì vậy, cần tuyên truyền người dân nghiêm túc chấp hành luật giao thông.

Theo các chuyên gia, hiện không phải bất kỳ thành phố nào trên thế giới cũng cấm được hết xe máy.

Theo ông Liên, đường sắt trên cao đang hoàn thành và sắp đưa vào sử dụng được người dân đón chờ. Tuy nhiên, nếu người dân đi xe đạp, xe máy đến điểm đầu và điểm cuối để đi đường sắt trên cao thì phương tiện của họ sẽ để ở chỗ nào?

“Cơ quan chức năng nên đưa ra giải pháp cụ thể. Nếu chỉ làm chung chung, khi đi vào thực tiễn phát sinh vấn đề lại không giải quyết được”, chuyên gia này bày tỏ.

Khi phương tiện giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu đi lại và tiện lợi, người dân tự từ bỏ phương tiện giao thông cá nhân để lựa chọn loại hình giao thông này.

Các chuyên gia đưa ra lời khuyên, nên chọn giải pháp hạn chế xe cá nhân ở một số tuyến, một số điểm quan trọng. 2 tuyến đường như Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương dài mười mấy km mà hạn chế phương tiện xe máy thì khó có thể chấp nhận.

Một số chuyên gia hiến kế, Hà Nội nên cấm các đường ngang trước. Hà Nội cần phải có một bài toán tổng thể sau đó, sẽ cấm lần lượt từng tuyến một mới lan rộng ra, theo kiểu vết dầu loang.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, hiện không phải bất kỳ thành phố nào trên thế giới cũng cấm được hết xe máy.

Do đó, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu kỹ, thận trọng chứ không phải như Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói là đã nghiên cứu kỹ mô hình ở Bắc Kinh (Trung Quốc) mà có thể áp dụng được ở Việt Nam, áp dụng được ở Hà Nội.

Theo VOV

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến