UBND TP Hà Nội vừa ban hành dự thảo về việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Theo UBND TP Hà Nội, những năm gần đây, diện mạo Thủ đô đã có những bước phát triển mạnh mẽ; kinh tế - xã hội của thành phố ngày một phát triển. Đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, có công sức không nhỏ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng tại các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố. Trong khi bối cảnh̉ dân số ngày càng tăng, mức độ, tính chất công việc phức tạp gia tăng, công tác cải cách hành chính ngày càng yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết, tính chất phục vụ hành chính ngày càng cao, khối lượng công việc nhiều, dẫn đến một số vị trí việc làm quá tải.
Cán bộ bộ phận "một cửa" tại quận Ba Đình.
UBND TP Hà Nội nhận định, mức lương bình quân của cán bộ, công chức, viên chức Hà Nội hiện nay còn thấp, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ bản hằng năm chủ yếu chỉ để bù trượt giá, không đủ trang trải cho chi phí cuộc sống khá cao tại Thủ đô.
Do đó, căn cứ khoản 3 Điều 15 và điểm a khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô, thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức căn cứ năng lực và hiệu quả. Tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.
Mức trích để tạo nguồn kinh phí thực hiện chi thu nhập tăng thêm bằng 0,8 lần quỹ lương cơ bản.
Về nguyên tắc, mức chi thu nhập tăng thêm căn cứ kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng tháng của cơ quan, đơn vị theo quy định và được chi trả cùng kỳ lương vào tháng liền kề sau khi có kết quả đánh giá, xếp loại.
Về phương án thực hiện, căn cứ kinh phí được phân bổ để chi thu nhập tăng thêm; các cơ quan, đơn vị thực hiện chi 50% kinh phí được cấp để chi bình quân cho tất cả cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị thuộc đối tượng được hưởng có kết quả đánh giá, xếp loại trong tháng đạt từ hoàn thành nhiệm vụ trở lên.
50% kinh phí được cấp còn lại để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong đó, mức chi cho cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ gấp 1,5 lần so với cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Mức chi thu nhập tăng thêm được tính bằng số tiền cụ thể cho các đối tượng được hưởng theo phương án nêu trên, không phụ thuộc hệ số lương theo ngạch bậc, chức vụ của đối tượng.
Về nguồn kinh phí, Hà Nội dự kiến chi hơn 9.930 tỷ đồng/năm để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Theo tính toán, nguồn kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư để chi thu nhập tăng thêm theo mức trích 0,8 lần quỹ lương cơ bản có thể thực hiện dự kiến từ năm 2025 đến hết năm 2028.
Tác giả: Trần Hoàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy