UBND Hà Nội cho rằng buýt nhanh BRT đã giúp giảm ùn tắc giao thông trong nội đô. Ảnh: Ngọc Tân.
Tại báo cáo trả lời kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp thứ 7 của HĐND thành phố (tháng 7/2022), UBND Hà Nội giải trình trước ý kiến của cử tri về dự án tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa.
Theo đó, cử tri quận Cầu Giấy cho rằng, sau 5 năm triển khai, dự án này không đạt được kỳ vọng về giảm tải ùn tắc giao thông tại các tuyến đường.
"Đề nghị thành phố đánh giá lại hiệu quả dự án để có giải pháp khắc phục”, cử tri kiến nghị.
Trả lời, UBND Hà Nội cho biết đã giao cho Viện Kinh tế xã hội Hà Nội khảo sát, đánh giá tuyến buýt nhanh BRT sau khi đi vào khai thác.
Theo đánh giá về kết quả hoạt động tuyến BRT sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, thành phố cho rằng loại hình này đã mang lại kết quả tích cực, được người dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt.
“Chất lượng phục vụ duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng, doanh thu luôn được duy trì ở mức cao trên toàn mạng lưới”, báo cáo nêu.
Hà Nội thiết kế hệ thống làn đường riêng dành cho BRT nhưng trên thực tế, các phương tiện khác vẫn thường xuyên di chuyển vào khu vực này. Ảnh: Ngọc Tân.
UBND Hà Nội dẫn số liệu cho thấy trước giai đoạn ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (2017-2019), tổng hành khách BRT vận chuyển dao động 4,9-5,5 triệu lượt/năm và tăng qua từng năm. Doanh thu thực hiện của tuyến giai đoạn này cũng ở mức cao trong toàn mạng, dao động 24,8-27,5 tỷ đồng.
Khi chịu tác động của dịch Covid-19 (2020-2022), sản lượng và doanh thu thực hiện trên tuyến BRT sụt giảm so với trước đó. Tổng lượng hành khách giảm từ 5,35 triệu lượt vào năm 2020 xuống còn 1,82 triệu lượt vào năm 2021.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, số liệu khả quan hơn với 2,44 triệu lượt khách.
Trong phần dẫn số liệu, thành phố không đưa ra so sánh giữa sản lượng hành khách, doanh thu thực tế đối với mục tiêu ban đầu.
Dù vậy, so sánh tỷ lệ trợ giá qua các năm, có thể thấy BRT càng chạy càng lỗ khi tỷ lệ trợ giá vào năm 2018 là 26,6% nhưng đã tăng lên tới 65,2% vào năm 2021.
Đánh giá chung, UBND Hà Nội nhìn nhận ưu điểm của loại hình này là giảm ùn tắc giao thông cá nhân ra vào nội đô, giảm chi phí đi lại cho hành khách, chất lượng phục vụ tốt và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đối với các khu vực có tuyến đi qua.
Về nhược điểm, thành phố cho rằng còn tình trạng lấn làn BRT trên tuyến. Một số đoạn chạy chung với các phương tiện nên ảnh hưởng tốc độ chuyến đi. Một số nhà chờ chưa được tiếp cận bằng cầu đi bộ, chưa có hệ thống vé điện tử.
Đối với câu hỏi của cử tri về giải pháp khắc phục để cải thiện hiệu quả dự án, thành phố chưa đưa ra câu trả lời.
Tuyến buýt nhanh BRT có tổng mức đầu tư là 53,6 triệu USD (hơn 1.000 tỷ đồng) từ nguồn vay ODA của Ngân hàng Thế giới. Từ 1/1/2017, thành phố đã bàn giao cho Tổng công ty vận tải Hà Nội tiếp nhận quản lý, vận hành khai thác. Toàn tuyến thiết kế làn xe cho BRT dài 14,77 km, có lộ trình từ bến xe Yên Nghĩa đến Kim Mã và qua các đoạn: Ba La - Quang Trung - Lê Trọng Tấn - đường trục bắc Hà Đông - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ. |
Tác giả: Mỹ Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy