Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mức độ đạt được thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn kịch bản cơ sở (7,5%).
Sáng 22/9, tại kỳ họp thứ 2, HĐND TP Hà Nội khóa XVI, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã báo báo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 của Thành phố.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải báo cáo tại Kỳ họp
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, 8 tháng đầu năm 2021, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành phố đã đặt nhiệm vụ chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên số một, thực hiện tốt, khẩn trương các chỉ thị của Chính phủ với tinh thần "Chống dịch như chống giặc" với mục tiêu hàng đầu là chăm lo, bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người dân; duy trì ổn định sản xuất kinh doanh, thị trường cung cầu hàng hóa, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng; tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho sản xuất kinh doanh; đảm bảo an sinh xã hội.
Về phát triển kinh tế xã hội, GRDP 6 tháng đầu năm 2021 của TP đạt mức tăng trưởng 5,91%, cao hơn mức tăng chung của cả nước (5,64%), kết quả đạt được chủ yếu từ các ngành công nghiệp tăng 6,3%, năng lượng điện tăng 7,1% và khai khoáng tăng 5,5%. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp vẫn duy trì được hoạt động ổn định và tiếp tục tăng trưởng, đóng góp vào kết quả chung của tăng trưởng kinh tế Thành phố những tháng đầu năm. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 65,4% dự toán năm mà HĐND Thành phố quyết nghị và bằng 69,8% dự toán Trung ương giao và bằng 110,3% so với cùng kỳ. Thành phố đã thực hiện điều hành ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách; chỉ đạo kịp thời các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, cắt giảm và tiết kiệm theo Nghị quyết số 581 của Chính phủ là 1.167,7 tỷ đồng để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm chi thường xuyên năm 2021, thu hồi các khoản chi ngân sách thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải, tăng trưởng GRDP 6 tháng được duy trì và cao hơn cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên mức độ đạt được thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn kịch bản cơ sở (7,5%) đưa ra đầu năm. Tiêu thụ nội địa sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn do sức mua thấp; giá đầu vào (thức ăn chăn nuôi) tăng ảnh hưởng đến tâm lý mở rộng sản xuất và tái đàn. Các khoản thu về nhà, đất đạt thấp: thu đấu giá đất đạt 15,8% kế hoạch; thu tiền sử dụng đất đạt 40,4%; thu tiền thuê đất đạt 42,2%. Tiến độ giải quyết cấp đất dịch vụ tiến triển chậm; chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, chính sách. Giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19 và giá sắt, thép và nguyên vật liệu phục vụ ngành xây dựng tăng cao...
Những tháng cuối năm, căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước và tình hình sản xuất, kinh doanh 8 tháng đầu năm, Thành phố hiện đang giao các ngành tập trung phân tích và tham mưu kế hoạch phục hồi và xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế căn cứ theo lộ trình chuyển trạng thái trong tình hình mới. Với mục tiêu phấn đấu đạt mục tiêu cao nhất chỉ tiêu Kế hoạch năm 2021, UBND TP sẽ thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo gắn với đẩy mạnh ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan hành chính các cấp. Tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, chung sức đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân Thủ đô trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 với phương châm “5K + vaccine + thuốc điều trị + công nghệ”; thiết lập trạng thái bình thường mới để ổn định đời sống nhân dân và thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
UBND TP sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế Thủ đô dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tiếp tục phát huy các thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, phát triển bền vững. Đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các ngành trong giải quyết khiếu nại, tố cáo; phát huy vai trò của các cơ quan giám sát trong phòng chống tham nhũng, lãng phí. Giữ vững an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống. Tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế./.