Thông tin với báo chí tại họp báo chuyên đề về “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước” chiều 19/11, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 thì năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa ít nhất 85 doanh nghiệp (trong đó có 21 doanh nghiệp thuộc danh mục năm 2017).
Tuy nhiên, đến ngày 10/9/2018 mới cổ phần hóa được 11 doanh nghiệp (trong đó chỉ có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách theo công văn số 991/TTg-ĐMDN).
Lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp cho hay, tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
“Tiến độ triển khai cổ phần hóa trong 9 tháng đầu năm 2018 còn chậm, có khả năng không đạt được theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt”, ông Tiến cho hay.
Cụ thể, ông Tiến cho biết, TP Hồ Chí Minh theo kế hoạch phải thực hiện cổ phần hóa 39 doanh nghiệp, chiếm 44% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018 nhưng đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.
TP Hà Nội phải thực hiện cổ phần hóa 14 doanh nghiệp (kế hoạch năm 2018 là 11 doanh nghiệp và 3 doanh nghiệp thuộc kế hoạch năm 2017 chuyển sang), chiếm 16% tổng số doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa năm 2018 và đến nay chưa triển khai được đơn vị nào.
Cũng theo Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được văn bản xin hoãn hoặc điều chỉnh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp đã được giao của Hà Nội và TP.HCM. Hai thành phố này phải có báo cáo giải trình cụ thể về việc chưa cổ phần hóa được doanh nghiệp nào. Bởi lẽ, tiến độ cổ phần hóa, số lượng doanh nghiệp phải cổ phần hóa đều do Hà Nội và TP.HCM tự xây dựng, đăng ký và công bố công khai.
“Nếu 2 địa phương này xin điều chỉnh tiến độ, phải nêu rõ lý do chậm, ai là người chịu trách nhiệm. Lý do này phải được Thủ tướng chấp thuận, cho ý kiến” - ông Tiến cho hay.
Cũng theo Quyết định số 1232/QĐ-TTg ngày 17/8/2017 thì năm 2017 có 135 doanh nghiệp, năm 2018 có 181 doanh nghiệp phải thực hiện thoái vốn, tuy nhiên lũy kế đến nay mới chỉ có 31 đơn vị thực hiện thoái vốn theo kế hoạch (năm 2017 có 13 đơn vị; 9 tháng đầu năm 2018 có 18 đơn vị). Như vậy, việc triển khai thoái vốn nhà nước còn chậm, có khả năng không đạt kế hoạch đề ra.
Các đơn vị chưa hoàn thành kế hoạch thoái vốn năm 2017 với số lượng doanh nghiệp và giá trị lớn như: Bộ Công Thương phải thoái vốn tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam với tổng giá trị thoái khoảng 7.000 tỷ đồng.
Bộ Y tế phải thoái vốn tại Tổng công ty Dược Việt Nam với giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 829 tỷ đồng.
Bộ Xây dựng phải thoái vốn tại 8 doanh nghiệp với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là khoảng 2.400 tỷ đồng.
TP Hà Nội phải thoái vốn tại 17 doanh nghiệp với tổng giá trị phải thoái trong năm 2017 là 682 tỷ đồng, đã thoái 156 tỷ đồng, còn 526 tỷ đồng theo kế hoạch năm 2017.
Cùng với đó, chậm bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (còn 35 doanh nghiệp chưa bàn giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về SCIC).
Chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần của các doanh nghiệp cổ phần hóa đã chuyển sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần, làm ảnh hưởng đến công tác bàn giao và thu nộp các khoản về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp như: Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng; đặc biệt là Tổng công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim) được cổ phần hóa từ năm 2007 đến nay vẫn chưa thực hiện quyết toán công tác cổ phần hóa.
Nguyên nhân của sự chậm trễ cổ phần hóa được ông Tiến đưa ra 4 nguyên nhân.
Theo đó, một số Bộ, ngành, địa phương, Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo. Vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước.
Một số DNNN chậm sửa đổi bổ sung các định mức kinh tế kỹ thuật, tiêu hao vật tư, nguyên nhiên vật liệu để phù hợp với điều kiện kinh doanh thực tế, từ đó chậm đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Quá trình cổ phần hóa DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do Ủy ban nhân dân địa phương thực hiện chậm, kéo dài thời gian hơn so với quy định dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chính tiến độ cổ phần hóa.
Cùng với đó, tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần, ảnh hưởng đến thành công của việc cổ phần hóa.
Theo Infornet
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy