Dòng sự kiện:
Hadico và những miếng bánh ngon ‘khó nuốt’
21/05/2018 11:21:22
Sở hữu những khu đất vàng nhưng dưới thời lãnh đạo tiền nhiệm, Hadico lại mắc hàng loạt sai phạm về sử dụng, quản lý đất khiến các nhà đầu tư tiềm năng muốn “nhòm ngó” phải dè chừng.

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) là doanh nghiệp nhà nước trực thuộc UBND TP. Hà Nội. Năm 2010, Công ty chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, gồm 23 đơn vị thành viên hoạt động phụ thuộc, 2 công ty con, 2 công ty liên kết. Hiện tại, Hadico có 12 chi nhánh, đơn vị trực thuộc, 7 công ty con và 6 công ty liên kết. Trụ sở chính đóng tại số 202 Hồ Tùng Mậu, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Hàng loạt nguyên lãnh đạo của Hadico dính vòng lao lý.

Được sáp nhập từ nhiều đơn vị của ngành nông nghiệp Hà Nội, từ khi mới thành lập, Hadico nắm giữ nhiều quỹ đất lớn trong nội đô và tham gia triển khai hàng loạt dự án. Năm 2010 - 2011, Hadico được giao thực hiện các dự án như Dự án đầu tư xây dựng cơ sở ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bảo quản hoa phục vụ phát triển vùng hoa Tây Tựu, Dự án làm hàng rào tại Xí nghiệm Vườn quả du lịch Từ Liêm; Dự án xây dựng Trung tâm thương mại chợ đầu mối Minh Khai; Dự án giết mổ gia súc, gia cầm ở Thường Tín và Phúc Thọ…

Song các dự án này đều gặp phải vướng mắc, chậm tiến độ và UBND TP. Hà Nội đã có Công văn số 3881/UBND-KHĐT/2015 xác định, trường hợp Công ty không huy động được vốn, không có khả năng tiếp tục thực hiện, chậm triển khai thực hiện, UBND Thành phố sẽ xem xét các phương án như: dừng dự án, chuyển chủ đầu tư, thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và kêu gọi xã hội hóa hoặc các hình thức đầu tư khác theo quy định của pháp luật.

Với quy mô và tính chất công ty, Hadico được xác định là doanh nghiệp có tiềm năng rất lớn có thể thu hút các nhà đầu tư trên thị trường tham gia hợp tác, liên kết. Tuy nhiên, Công ty đã bộc lộ năng lực quản lý, tài chính yếu kém với hàng loạt sai phạm được chỉ ra trong bản án hình sự tuyên đối với nhóm lãnh đạo tiền nhiệm.

Chẳng hạn, Hadico từng muốn “khoác áo mới” cho trụ sở doanh nghiệp với kỳ vọng biến khu đất 10.000 m2 tại 202 Hồ Tùng Mậu thành trung tâm giới thiệu sản phẩm kết hợp văn phòng cho thuê. Năm 2012, Công ty cổ phần Phát triển đô thị Từ Liêm (NTL) nhắm đến dự án này và dự kiến góp 65% vốn. Tuy nhiên, năm 2015, khi chủ đầu tư dự án là ông Phan Minh Nguyệt bị bắt, NTL đã nhanh chân rút khỏi dự án.

Dưới thời lãnh đạo tiền nhiệm, Hadico còn có “ý tưởng” chuyển đổi mục đích sử dụng đất để biến đất nông nghiệp thành đất ở. Theo đó, Xí nghiệp Vườn quả du lịch Từ Liêm, một đơn vị thành viên của Hadico, được Thành phố giao 403.940,5 m2 đất ở phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Trong quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sở dụng đất xác định có 371.022 m2 là đất vườn quả thanh niên và vườn thực vật Hà Nội và 32.918,5m2 đất đường, mương nội bộ.

Mặc dù là đất nông nghiệp, nhưng thời kỳ năm 2012, khi Thành phố rậm rịch thông tin điều chỉnh địa giới hành chính huyện Từ Liêm để thành lập quận Bắc Từ Liêm và Nam Từ Liêm, cựu lãnh đạo của Hadico thời đó là ông Phan Minh Nguyệt (Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc) nghĩ ra “ý tưởng” xây và cho thuê nhà trái phép.

Theo chỉ đạo, Xí nghiệp vườn quả phá dỡ công trình cũ gồm trạm biến thế, nhà để máy, nhà 5 gian, hàng rào sắt trên diện tích đất 8.400 m2 để xây dựng 14 gian ki ốt và 114 gian nhà cho cán bộ nhân viên thuê. Mỗi gian được định giá 500 triệu đồng. Đến năm 2014, Xí nghiệp vườn quả đã thu tổng số tiền 47 tỷ đồng. Hadico cũng không kê khai cơ quan thuế để nộp bổ sung tiền thuê đất trên diện tích 8.400 m2.

Việc xây dựng và cho thuê trái phép cơ quan chức năng biết rất rõ. Năm 2012, Chánh Thanh tra xây dựng huyện Từ Liêm đã có quyết định số 32A/QĐ-TTXD ngày 27/3/2012 về việc đình chỉ thi công công trình xây dựng vi phạm trật tư xây dựng và Quyết định số 4945/QĐ-UBND về việc cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Vụ việc kéo dài đến năm 2017 khi UBND TP. Hà Nội giữ quan điểm kiên quyết cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm xây dựng.

Sai phạm rất rõ và đã có chỉ đạo quyết liệt, nhưng công trình trên đến nay vẫn tồn tại ngang nhiên, thậm chí những người thuê nhà còn “vô tư” chuyển nhượng nhộn nhịp. Ông Nguyễn Văn Tú cho biết, ông thuê nhà với giá 500 triệu đồng/gian, sau đó nhận chuyển nhượng một căn khác với giá 1,1 tỷ đồng. Một thời gian sau, ông Tú tiếp tục bán gian nhà trên cho người khác với giá 1,2 tỷ đồng.

Nhiều trường hợp khác cũng “chớp thời cơ” viết giấy mua bán dễ dàng. Những người này đều có chung nguyện vọng là các cấp có thẩm quyền cho phép họ được thuê nhà dài hạn hoặc được cấp đất tái định cư trong trường hợp phải thu hồi.  Tuy nhiên, theo bản án tuyên trưa ngày 16/5/2018, Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đã buộc Hadico hoàn trả tiền cho những người thuê nhà số tiền 47 tỷ đồng. Cơ quan tố tụng cũng đã kiến nghị UBND Thành phố thu hồi diện tích 8.400m2 đất Hadico cho các hộ thuê trái thẩm quyền.

Theo Tin nhanh chứng khoán

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến