Tại Hội thảo “Kinh nghiệm thanh tra trên cơ sở rủi ro và triển khai Trụ cột 2 Basel II” do NHNN phối hợp với Cơ quan Giám sát tài chính Hàn Quốc (FSS) và Ngân hàng Shinhan Việt Nam tổ chức ngày 8/11/2018, cán bộ thanh tra, giám sát NHNN và NHTM đã có những chia sẻ thẳng thắn về vấn đề làm sao hài hòa được mục tiêu lợi nhuận và kiểm soát rủi ro trong bối cảnh môi trường hoạt động kinh doanh của ngân hàng ngày càng có nhiều biến động.
Hội thảo là cơ sở thực tiễn quý báu cho quá trình triển khai Basel II tại hệ thống ngân hàng Việt Nam thời gian tới
Việc triển khai thực hiện Basel II trong hệ thống ngân hàng Việt Nam đến nay đã đi được chặng đường 5 năm đầu tiên và đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Phát biểu tại hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn cho biết, trong thời gian vừa qua, NHNN đã triển khai được các nhiệm vụ quan trọng tạo nền tảng, tiền đề cho việc triển khai Basel II theo kế hoạch đề ra.
Theo đó, NHNN đã hoàn thành việc đánh giá khoảng cách chênh lệch giữa thực trạng của 10 ngân hàng được lựa chọn thí điểm triển khai Basel II với các yêu cầu của chuẩn mực Basel II; đánh giá tác động định lượng QIS của 10 NHTM thí điểm so với Chuẩn mực Basel II. Đặc biệt NHNN Việt Nam đã ban hành hai văn bản quan trọng: Thông tư 41/2016/TT-NHNN quy định tỷ lệ an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn Basel II; Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định hệ thống kiểm soát nội bộ, trong đó có đánh giá nội bộ mức đủ vốn ICAAP thực hiện Trụ cột 2 Basel II. Trong đó, Thông tư 13/2018/TT-NHNN quy định về hệ thống kiểm soát nội bộ là văn bản quan trọng trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, nâng cao tính hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ, hoàn thiện mô hình ba tuyến bảo vệ độc lập trong hoạt động ngân hàng, thay đổi về văn hóa kiểm soát, quản lý rủi ro và đánh giá nội bộ mức đủ vốn ICAAP theo Trụ cột 2 Basel II, để đưa ra quyết định kinh doanh hàng ngày của NHTM, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nhắc tới ba tuyến bảo vệ, ông Jang Rei Kwan - Giám đốc bộ phận Quản lý rủi ro của Shinhan Hàn Quốc khẳng định, đơn vị kinh doanh, đơn vị quản lý rủi ro và kiểm toán nội bộ có trách nhiệm thực hiện quản lý rủi ro một cách độc lập, đồng thời thực hiện rà soát lẫn nhau trong cấu trúc kiểm soát nội bộ. Ở tuyến bảo vệ thứ nhất, đơn vị kinh doanh chịu trách nhiệm chính yếu trong việc quản lý rủi ro phát sinh từ hoạt động của mình và thực hiện kinh doanh trong hạn mức rủi ro đã thiết lập. Với tuyến bảo vệ thứ hai, đơn vị quản lý rủi ro phải hoạt động độc lập với đơn vị kinh doanh. Và cuối cùng, ở tuyến bảo vệ thứ ba, hàng năm, tính thích hợp của hoạt động quản lý rủi ro phải được đánh giá bởi đơn vị kiểm soát thứ ba - kiểm toán.
Hiện Shinhan đang dự kiến áp dụng quy trình phê duyệt tín dụng tự động đối với các khoản tín dụng DN thông qua hệ thống “Đánh giá DN”, tương tự như mô hình bán lẻ. “Hệ thống xếp hạng tín dụng DN bao gồm mô hình sàng lọc để đánh giá khách hàng cũng như khả năng thanh toán của khách hàng và mô hình đánh giá khả năng vỡ nợ của khách hàng. Mô hình thể hiện kết quả đánh giá thông qua việc thu thập toàn bộ thông tin phản ánh đặc điểm của khách hàng cũng như khoản vay”, ông chia sẻ.
Khó khăn trước mắt, lợi ích lâu dài
Trao đổi tại hội thảo, ông Lee Seon Jin - đại diện FSS thừa nhận việc tuân thủ Trụ cột 2 Basel II sẽ gặp nhiều thách thức về cả chi phí phát triển hệ thống cũng như thách thức về yêu cầu vốn. Tuy nhiên lợi ích và cơ hội lâu dài lớn hơn thách thức ngắn hạn. Bởi đây cũng là cơ hội mở ra khả năng sinh lời của NHTM khi họ ưu tiên giảm tài sản có rủi ro cao, giảm chi phí tín dụng, chi phí rủi ro hoạt động. Không những thế, việc này sẽ giúp giảm trừ đi các chi phí xã hội qua việc ngăn chặn rủi ro hệ thống và khủng hoảng tài chính, tăng độ tin cậy của ngân hàng trong nước bằng cách thực hiện trung thực quy định toàn cầu, hay nâng cao sự hài lòng của khách hàng.
Nhấn mạnh quá trình đánh giá an toàn vốn nội bộ ICAAP gồm 5 cấu phần chính: Giám sát của hội đồng quản trị (HĐQT) và lãnh đạo; Quy trình đánh giá vốn; Đánh giá rủi ro một cách toàn diện; Kiểm soát và báo cáo; Rà soát độc lập, tuy nhiên theo ông Il Dong Kwon - Giám đốc Oliver Wyman Việt Nam (Tập đoàn tư vấn Oliver Wyman), hiện các ngân hàng mới chỉ tập trung vào tính toán, đánh giá vốn. Nói tới việc giám sát của HĐQT và lãnh đạo cấp cao - cũng là nội dung được nhấn mạnh tại Thông tư 13 - đại diện Oliver Wyman cho rằng, không phải chỉ cần đưa ra một chính sách mà cần phải có một quy trình cụ thể. Theo đó, lãnh đạo cấp cao cần phải được cung cấp các thông tin như thế nào, cân nhắc những rủi ro ra sao khi đưa ra các quyết định quan trọng.
Đặc biệt, ông Il Dong Kwon nhấn mạnh việc ICAAP nên được tích hợp vào các quy trình quản trị quan trọng chứ không chỉ là một yếu tố tuân thủ được bổ sung thêm, và “ICAAP phải được nhìn nhận là hành trình kéo dài trong nhiều năm với các mức độ phức tạp khác nhau, phải được thúc đẩy từ bên trên để thay đổi hành vi và cách thức quản trị ngân hàng”. Trên tinh thần đó, ông đề xuất, cần rà soát cải thiện cách thức quản trị vốn, rủi ro kinh doanh một cách tích hợp; thảo luận về tài chính, rủi ro và xác định trách nhiệm. Song song với đó xác định rõ các năng lực mục tiêu và những giai đoạn cần trải qua, đảm bảo phổ biến kiến thức và truyền đạt ý thức trách nhiệm đến đội ngũ nội bộ; giúp các lãnh đạo nắm bắt đúng tình hình bằng cách sớm đề xuất sự tham dự của họ.
Theo Thời báo ngân hàng
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy