Dòng sự kiện:
Hai mặt của trái phiếu doanh nghiệp
11/04/2022 11:41:51
Sự “say sưa” trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp khiến nhiều nhà đầu tư bỏ qua các cảnh báo rủi ro, nay mới bừng tỉnh bởi “vụ nổ lớn”.

Các công cụ mạng xã hội và marketing điện tử đã được sử dụng triệt để trong việc mời gọi khách hàng tham gia bỏ vốn vào trái phiếu Tân Hoàng Minh.

Ngã đau, nhớ lâu

Khi tổng kết về thị trường chứng khoán cuối năm 2021, ông Nguyễn Lê Minh, Phó tổng giám đốc Dragon Capital cảnh báo, với sự say sưa của các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu thời gian qua, sẽ khó có lời cảnh tỉnh nào khiến họ e dè, mà bản thân nhà đầu tư phải trải qua những kinh nghiệm thương đau mới tự tỉnh ngộ.

Một trong những e ngại của vị chuyên gia trên khi bàn về thị trường trái phiếu doanh nghiệp là góc độ tiêu cực của nó nay đã được phơi bày khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa ra quyết định hủy 9 đợt phát hành có giá trị hơn 10.030 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ khách sạn Tân Hoàng Minh (Tân Hoàng Minh).

Theo cơ quan điều tra, Tân Hoàng Minh huy động tiền của nhà đầu tư nhưng không sử dụng vào các hoạt động kinh doanh như đã nêu trong hồ sơ phát hành trái phiếu. Vậy nay, tập đoàn này (nếu có thể) sẽ hoàn trả tiền cho nhà đầu tư như thế nào?

Trong thông cáo gửi khách hàng ngày 5/4/2022, Tân Hoàng Minh cho rằng, việc tư vấn phát hành, tư vấn định giá và quản lý tài sản đảm bảo đúng trình tự và quy định pháp luật, được thực hiện bởi các công ty chứng khoán, ngân hàng uy tín. Tân Hoàng Minh cam kết các thông tin về trái phiếu đã tư vấn cho khách hàng đúng với những gì doanh nghiệp phát hành trái phiếu.

Nếu phải hủy bỏ các đợt phát hành trái phiếu theo yêu cầu của cơ quan quản lý, Tân Hoàng Minh sẽ làm việc với doanh nghiệp phát hành, cơ quan quản lý và các bên liên quan để hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã huy động từ khách hàng.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI phân tích, theo quy định tại Điều 28, Luật Chứng khoán, Tân Hoàng Minh sẽ phải thu hồi trái phiếu đã phát hành, đồng thời hoàn trả tiền cho nhà đầu tư trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày đợt chào bán bị hủy bỏ. Quá thời hạn, doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại cho nhà đầu tư theo các điều khoản đã cam kết. Nếu Tân Hoàng Minh không thể mua lại lập tức cả 9 lô trái phiếu bị hủy do tiền đã được đẩy vào dự án thì sẽ rất khó xử lý, các bên nhiều khả năng phải ra tòa để giải quyết.

Điều đáng nói là với công nghệ phát triển như hiện nay, các công cụ mạng xã hội và marketing điện tử đã được sử dụng triệt để trong việc mời gọi khách hàng tham gia bỏ vốn vào trái phiếu Tân Hoàng Minh, trong đó có nhiều quảng cáo trên facebook. Bên cạnh đó, theo phản ánh của nhà đầu tư, họ được nhân viên một số ngân hàng và công ty chứng khoán tư vấn mua trái phiếu Tân Hoàng Minh, nhấn mạnh đến yếu tố lãi suất cao.

Nhân viên bộ phận kinh doanh trái phiếu của một công ty chứng khoán chia sẻ, họ được mời tham gia bán trái phiếu Tân Hoàng Minh với mức hoa hồng từ 2 - 2,5% giá trị hợp đồng.

Nhìn vào lãi suất 12%/năm các doanh nghiệp trong nhóm Tân Hoàng Minh chi trả, nhà đầu tư có kinh nghiệm sẽ nhận thấy rủi ro. Nếu cộng cả hoa hồng trả cho nhân viên bán trái phiếu, chi phí hoạt động doanh nghiệp khoảng 2,5%, thì trái phiếu phải cõng khoản chi phí xấp xỉ 17%/năm, mức lãi suất khó có doanh nghiệp nào kinh doanh đủ giỏi để hòa vốn, chứ chưa nói có lãi, theo như phân tích của những nhà đầu tư am hiểu về kênh đầu tư này.

Ma lực của lãi suất và nghệ thuật mời chào cũng như nhiều yếu tố khác khiến không chỉ các nhà đầu tư nhỏ lẻ, mà cả các bà nội trợ cũng sẵn sàng bỏ tiền vào kênh trái phiếu doanh nghiệp. Ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán cho thấy, một số nhà đầu tư cá nhân bỏ ra hàng chục tỷ đồng mua trái phiếu Tân Hoàng Minh đang lo lắng cho tình huống không thể thu hồi được vốn.

Một vấn đề mà các nhà đầu tư lâu nay cảm thấy an tâm khi bỏ vốn vào trái phiếu là sự xuất hiện của những cái tên công ty chứng khoán và ngân hàng, được coi như một bảo chứng cho sự an toàn.

Dù vậy, qua vụ việc của Tân Hoàng Minh, đây cũng là vấn đề phải lưu ý, bởi phạm vi và trách nhiệm mà những tổ chức tài chính này tham gia sẽ theo những nghiệp vụ chuyên môn mà nhà đầu tư thông thường khó có thể nắm rõ. Những tên tuổi như vậy xuất hiện trong các bản chào bán trái phiếu không đồng nghĩa với việc họ đảm bảo cho quyền lợi của nhà đầu tư.

Ví dụ, liên quan đến các lô trái phiếu của các doanh nghiệp thuộc Tân Hoàng Minh, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, Công ty đã thực hiện tư vấn hồ sơ chào bán trên cơ sở các thông tin, tài liệu do Công ty Ngôi Sao Việt cung cấp. Đây là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong năm 2021 của Ngôi sao Việt tổ chức phát hành và chịu trách nhiệm về những thông tin công bố trong hồ sơ chào bán. Kết quả thực hiện chào bán sơ cấp (lần đầu) toàn bộ số lượng trái phiếu phát hành tương đương 800 tỷ đồng cho một nhà đầu tư tổ chức là Tân Hoàng Minh.

Tương tự, Công ty Chứng khoán An Bình (ABS) đã tư vấn phát hành cho Soleil mã trái phiếu SOLCH2123001, với tổng trị giá 800 tỷ đồng, là trái phiếu có tài sản bảo đảm và bảo lãnh thanh toán. Tân Hoàng Minh tiếp tục là nhà đầu tư duy nhất mua toàn bộ số trái phiếu của đợt phát hành này.

Cả BVSC và ABS đều khẳng định, họ không tư vấn hay phân phối tài liệu chào bán hoặc tham gia bất kỳ khâu nào để bán thứ cấp đối với trái phiếu trên từ Tân Hoàng Minh, hay bất kỳ trái phiếu nào liên quan đến Tân Hoàng Minh hoặc các công ty liên quan cho các nhà đầu tư khác.

Để “con sâu không làm rầu nồi canh”

Dữ liệu của FinnGroup cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện chiếm tới 17% GDP và phát triển mạnh trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, trở thành kênh huy động vốn hữu hiệu cho nhiều doanh nghiệp.

Trong quá trình phát triển nóng của mình, thị trường đã bộc lộ nhiều “hạt sạn” mà cả cơ quan quản lý và nhiều tổ chức tài chính trung gian đã lên tiếng. Khi những hành vi sai trái ở quy mô nhỏ không được xử lý nghiêm và sớm, đã trở thành các tiền lệ xấu và nhân rộng hơn.

Xử lý các vụ việc như Tân Hoàng Minh cần được tính toán “nhiều bề” để hệ thống tài chính không bị ảnh hưởng và xóa đi tâm lý lo sợ kênh trái phiếu, dẫn đến các phản ứng thái quá...

Dù vậy, tính tích cực và thông lệ phát triển của thị trường vẫn không thể phủ nhận. Theo ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng đầu tư Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam, năm 2021, nhiều tổ chức tài chính chuyên nghiệp đã bỏ vốn tham gia các đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp, giúp cho trái phiếu trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho doanh nghiệp, bên cạnh tín dụng ngân hàng và huy động vốn qua phát hành cổ phiếu.

Ông Tuấn Anh cho rằng, thị trường trái phiếu cần được chấn chỉnh, nhất là kênh phát hành riêng lẻ, khi kênh phát hành này chặt chẽ hơn sẽ khuyến khích các doanh nghiệp phát hành ra công chúng, với những chuẩn mực minh bạch và đáp ứng điều kiện được quy định chặt chẽ, được phê duyệt, cấp phép phát hành, qua nhiều phòng ban thẩm định, trái phiếu được niêm yết trên thị trường tập trung có nhiều nhà đầu tư mua bán.

Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm và quy mô đã lớn hơn rất nhiều của thị trường trái phiếu, giám đốc nhiều công ty chứng khoán cho rằng, việc xử lý các vụ việc như Tân Hoàng Minh cần được tính toán “nhiều bề” để hệ thống tài chính không bị ảnh hưởng và xóa đi tâm lý lo sợ kênh trái phiếu, dẫn đến các phản ứng thái quá bằng cách tất toán hợp đồng trước kỳ hạn, chấp nhận phạt vi phạm hợp đồng ở các nhà đầu tư cá nhân, gây ra hệ quả lớn cho các doanh nghiệp khi dòng tiền bị đứt gãy đột ngột.

Tác giả: Thành Nam

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến