Dòng sự kiện:
Hải Phát Invest và đối tác kín tiếng trong liên danh trúng thầu dự án 2.900 tỷ tại Lạng Sơn
03/04/2020 11:42:34
Tính đến ngày 31/12/2019, nợ phải trả của Hải Phát Invest là 3.837 tỷ đồng, gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu. Với tiềm lực tài chính như vậy, doanh nghiệp này liệu có thực sự cáng đáng được dự án 2.900 tỷ ở Lạng Sơn?

Lộ diện liên danh trúng thầu dự án KĐT gần 2.900 tỷ đồng tại Lạng Sơn

Vừa qua, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Quyết định số 140/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả lựa chọn Nhà đầu tư thực hiện dự án Khu đô thị mới Mai Pha, TP Lạng Sơn.

Dự án sẽ xây dựng khu đô thị với hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ theo quy hoạch; quy mô dân số là 9.621 người với diện tích đất sử dụng là 91,73ha. Trong đó, nhà ở liền kề là 2.457 hộ, nhà ở biệt thự là 264 hộ, nhà tái định cư là 119 hộ, nhà ở xã hội là 152 hộ thấp tầng theo kiểu chia lô và 2.100 căn hộ nhà ở xã hội cao tầng.

Tổng chi phí thực hiện dự án (không bao gồm chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng) là gần 2.894,3 tỷ đồng. Trong đó, giá trị nộp ngân sách nhà nước là 20 tỷ đồng.

Mục tiêu của dự án là tạo quỹ đất phục vụ nhu cầu nhà ở, tái định cư cho các dự án trên địa bàn thành phố, hình thành khu đô thị mới hiện đại, độc đáo trong thiết kế kiến trúc và không gian cảnh quan đô thị.

Thời gian khởi công, hoàn thành dự án là 6 năm tại địa điểm thôn Khòn Khuyên và thôn Pò Đứa, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn. Phạm vi ranh giới thực hiện dự án: phía Bắc giáp sông Kỳ Cùng; phía Nam giáp dự án Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố và khu dân cư hiện tại; phía Đông giáp sông Kỳ Cùng và khu dân cư hiện tại; phía Tây giáp sông Kỳ Cùng và dự án Khu tái định cư và dân cư Nam thành phố.

UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu liên danh Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát (Hải Phát Invest, Mã: HPX) và Công ty TNHH Hà Sơn triển khai thực hiện dự án theo quy định tại hợp đồng, tuân thủ pháp luật về đầu tư, xây dựng, nhà ở và pháp luật khác có liên quan.

Dự án khu đô thị mới Mai Pha (Lạng Sơn) có tổng diện tích đất sử dụng 91,73ha, quy mô dân số 9.621 người. Tổng chi phí thực hiện dự án dự kiến là gần 2.900 tỷ đồng. Ảnh minh họa.

Nợ phải trả của Hải Phát Invest gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu

Trong liên danh hai công ty trúng thầu dự án gần 2.900 tỷ trên, Hải Phát Invest là cái tên đã quá quen thuộc với giới đầu tư, kinh doanh bất động sản cả nước.

Hải Phát Invest cũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2019 với việc ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 1.800 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.

Hết quý IV/2019, lợi nhuận sau thuế Hải Phát Invest ghi nhận hơn 324 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và tăng hơn 800% so với quý III/2019. Đây cũng là quý lãi đột biến của Hải Phát Invest trong năm qua (lãi ròng các quý I,II,III ghi nhận lần lượt là 18 tỷ đồng, 49 tỷ đồng và hơn 33 tỷ đồng).

Lũy kế cả năm 2019, doanh thu thuần của HPX đạt hơn 3.442 tỷ đồng, tăng 70% so với năm 2018 và lợi nhuận sau thuế đạt hơn 451 tỷ đồng, xấp xỉ năm 2018.

Năm 2019, HPX đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.294,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 720 tỷđồng, tăng trưởng 59,3% so với năm 2018, tương đương con số tuyệt đối tăng là 267,7 tỷ đồng.

Với kết quả này, doanh nghiệp mới thực hiện được 80% kế hoạch doanh thu và 62% kế hoạch lợi nhuận.

Tính đến cuối kỳ kế toán, lượng hàng tồn kho của HPX còn hơn 2.160 tỷ đồng, giảm 41% so với đầu năm.

Riêng một số tài sản là hàng tồn kho của Dự án Hải Phát Plaza, Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội Phú Lãm đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản vay của công ty tại Ngân hàng Bản Việt (chi nhánh Thăng Long và Ngân hàngTMCP Công thương Việt Nam (chi nhánh Đô Thành).

Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận hơn 45 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại dự án Tân Tây Đô và hơn 13 tỷ đồng tại các dự án khác.

Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của Hải Phát Invest giảm hơn 9% so với đầu năm, ghi nhận 6.827 tỷ đồng.

Nợ phải trả của Hải Phát Invest gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu. (Nguồn: BCTC năm 2019)

Đáng chú ý, khoản nợ phải trả của Hải Phát Invest ghi nhận là 3.836 tỷ đồng; gấp 1,3 lần vốn chủ sở hữu (2.992 tỷ đồng). Trong đó, vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 869 tỷ đồng (tăng 197 tỷ đồng), vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 1.142 tỷ đồng (giảm 425 tỷ đồng).

Hải Phát Invest lùm xùm với nhiều tai tiếng

Thời gian trước đó, Hải Phát Invest cũng là cái tên dính nhiều "tai tiếng". Như vụ lùm xùm quanh sự việc khách hàng từ chối nhận nhà tại dự án nhà ở xã hội The Vesta (Phú Lãm – Hà Đông) do căn hộ không đúng như mô tả, tư vấn và cả hợp đồng trước đó.

Dự án có quy mô 4,51 ha, tổng vốn đầu tư 1.756 tỷ đồng, khởi công xây dựng vào tháng 5/2015 và dự kiến bàn giao vào quý II/2019. Thậm chí dự án này còn được vinh danh tại Giải thưởng quốc gia Bất động sản Việt Nam 2018 cho dự án tốt nhất.

Tiếp đó, cư dân chung cư The Pride do Hải Phát làm chủ đầu tư tại phường La Khê (Hà Đông, Hà Nội) đã lên tiếng "tố" chủ đầu tư về hàng loạt vi phạm cũng như sự cố xảy ra nhưng kéo dài không được khắc phục, ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân.

Các sự cố như: Thang máy rơi tự do và hỏng liên tục quanh năm; Bể phốt vỡ thường xuyên làm mùi hôi thối nồng nặc theo thang máy lên các tầng; Tiền phí bảo trì của gần 2.000 hộ dân sống ở đây bị chủ đầu tư khất lần hơn 3, 4 năm; Tự ý cắt xén các hạng mục tiện ích của căn hộ dù đã ghi rõ trong hợp đồng… gây bức xúc cho các cư dân sinh sống tại dự án.

Dù Hải Phát Invest được giải thưởng Top 10 thương hiệu, nhãn hiệu tin dùng năm 2018 song tháng  7/2018, cư dân các tòa chung cư HHB và CT2A-B thuộc khu đô thị mới Tân Tây Đô của Hải Phát Invest đã căng băng rôn "đòi" nước sạch.

Cư dân ở đây đã phản ánh, viết đơn thư gửi đi nhiều cơ quan chức năng nhưng chưa được xử lý. 5 năm cho tới thời điểm đó, cư dân phải sử dụng nước nhiễm nồng độ Asen vượt quá tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế.

Công ty TNHH Hà Sơn là ai?

Riêng đối với Công ty TNHH Hà Sơn, đây là một doanh nghiệp khá lạ lẫm đối với thị trường bất động sản. Tuy nhiên, năm 2016, công ty này đã từng có lần dính lùm xùm do tự ý san ủi số lượng lớn đất đồi tại đồi Rọ Phải, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn.

UBND tỉnh Lạng Sơn cũng đã có văn bản yêu cầu công ty khẩn trương cải tạo phục hồi môi trường và chỉnh trang khu vực khai thác để tạo cảnh quan đô thị; hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan đến triển khai thực hiện dự án trong năm 2016; thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài chính (thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản) sau khi có kết luận thanh tra của Cục thuế.

Tuy nhiên, sau 2 năm, Hà Sơn vẫn không cải tạo, phục hồi môi trường khu vực này. UBND tỉnh Lạng Sơn đã phát đi văn bản yêu cầu Công ty TNHH Hà Sơn cải tạo, phục hồi môi trường tại đồi Rọ Phải.

Tỉnh Lạng Sơn yêu cầu công ty dừng mọi hoạt động khai thác, san lấp đất đá, khẩn trương cải tạo, phục hồi môi trường tại đồi Rọ Phải, xã Mai Pha, TP Lạng Sơn và giao Sở TN&MT hướng dẫn thực hiện.

Khánh Linh

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến