Dòng sự kiện:
Hải Phòng: Đầu tư 431 tỷ đồng để bảo tồn bãi cọc liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng
28/02/2020 17:00:17
TP Hải Phòng đã quyết định lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng, tiến tới đề nghị công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Ngày 28/2, Kỳ họp thứ 12 (kỳ họp bất thường), HĐND TP Hải Phòng khóa XV đã thông qua chủ trương khoanh vùng để quản lý, lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan đến cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Theo nội dung đề án, dòng sông Bạch Đằng trên địa bàn Hải Phòng trải dài từ ngã ba sông Đá Bạc và sông Giá đến phà Rừng được biết đến là khu vực có nhiều địa danh, di tích lịch sử liên quan đến 3 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược của dân tộc. Gắn liền với dòng sông lịch sử và trên vùng đấy này hiện còn có nhiều đền, chùa, di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng như: đền thờ tướng quân Trần Quốc Bảo, di tích Bạch Đằng Giang ở thị trấn Minh Đức; chùa, động Hang Lương ở xã Gia Minh; cụm di tích đền, chùa Thụ Khê ở xã Liên Khê; đình Trúc Động, chùa Hạ Sơn ở xã Lưu Kiếm…Theo thống kê, có 142 đình, đền, miếu thờ ghi lại công lao các bậc tiền nhân trong các chiến trận Bạch Đằng, trong đó phần lớn nằm trên địa bàn huyện Thủy Nguyên.

Đặc biệt, vào cuối năm 2019, bãi cọc Cao Quỳ ở xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên đã được phát lộ. Theo kết quả khai quật và đánh giá của các nhà khoa học, nhà sử học thì đây là di tích lịch sử quan trọng liên quan đến chiến trận Bạch Đằng năm 1288. Phát hiện này làm thay đổi nhận thức về cuộc kháng chiến chống quân xâm lược trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử.

Quang cảnh Kỳ họp thứ 12 HĐND TP Hải Phòng khóa XV 

Qua những nghiên cứu cho thấy cụm di tích liên quan đến chiến thắng Bạch Đằng có ý nghĩa, giá trị đặc biệt xét cả trên phương diện lịch sử, văn hóa, khảo cổ và danh thắng. Trong tương lai không xa, cụm di tích này hoàn toàn có thể trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp Quốc gia, tiến tới có thể đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.

Để hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng đến cụm di tích, xây dựng tiền đề để triển khai các dự án khảo cổ, bảo tồn, phục dựng di tích trở thành khu di tích lịch sử - văn hóa - danh thắng cấp quốc gia, tiến tới di sản văn hóa thế giới, Hải Phòng đã quyết định lập quy hoạch bảo tồn các khu vực liên quan tới cuộc kháng chiến chống ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Trước mắt, trong năm 2020, Hải Phòng sẽ triển khai dự án bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ trên diện tích khoảng 150 ha và được chia làm 2 khu vực. Khu vực 1, lập dự án khu vực trung tâm bãi cọc Cao Quỳvới diện tích gần 15 ha, bao gồm: đường vào bãi cọc mặt cắt nền 18 đến 22 m, dài hơn 3,4 km. Bãi đỗ xe kết hợp rừng lim xanh diện tích khoảng 1 ha. Khu trưng bày hiện vật khảo cổ diện tích 3 ha, bao gồm khu bảo tồn tại chỗ bãi cọc, nhà đón tiếp, trưng bày, giới thiệu hiện vật, nhà vệ sinh, quảng trường, đường dạo, vườn cây xanh…

Khu vực 2 có diện tích khoảng 135ha, trước mắt giữ nguyên hiện trạng, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp, nghiêm cấm xây dựng mới các công trình…Thời gian thực hiện từ năm 2020-2022.

Bãi cọc Cao Quỳ sẽ được đầu tư để bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử

Về dự án đầu tư xây dựng tuyến đường và khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên. Quy mô dự án khu bảo tồn di tích bãi cọc Cao Quỳ có tổng diện tích 30 nghìn m2.

Tuyến đường vào Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài hơn 3,4km với bề rộng nền đường từ 18 đến 22 m. Đầu tuyến là nút giao Quốc lộ 10 (Km7+630 lý trình QL10), điểm cuối của tuyến là Khu bảo tồn di tích lịch sử bãi cọc Cao Quỳ.

Xây dựng bãi đỗ xe có quy mô 1 ha, sức chứa 75 ô tô các loại và 400 xe máy. Trồng cây xanh trên toàn bộ tuyến đường, mỗi bên lề dự kiến trồng 1 hàng, loại cây trồng là lim xanh, long não, xà cừ. Tổng diện tích sử dụng đất hơn 14,8ha. Tổng mức đầu tư dự án là hơn 431 tỷ đồng.

Vũ Đạt

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến