Dòng sự kiện:
Hải Phòng: Khái toán chi phí giải phóng mặt bằng 'nhầm' gần 280 tỷ đồng
27/06/2019 06:06:10
Khi thực hiện Dự án Khu di tích Bạch Đằng Giang giai đoạn 2, UBND huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) đã khái toán nhầm 279,705 tỷ đồng tiền bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Ngày 5/4/2018, UBND huyện Thủy Nguyên có Tờ trình gửi Thường trực HĐND TP Hải Phòng thực hiện Dự án Khu văn hóa truyền thống, nghệ thuật, tượng đài và đền thờ Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn (Khu di tích Bạch Đằng Giang) giai đoạn 2, tại Tràng Kênh - Bạch Đằng, thị trấn Minh Đức với diện tích 82,63ha, với tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khái toán là 9,5 tỷ đồng.

Nhưng đến ngày 29/5/2018, UBND huyện Thủy Nguyên lại có Tờ trình về việc này và nâng mức khái toán bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng lên 289,205 tỷ đồng, tức là chênh 279,705 tỷ đồng so với ban đầu.

Sau đó, khi phát hiện sự việc, UBND TP Hải Phòng đã yêu cầu cơ quan chức năng của thành phố cùng với UBND huyện Thủy Nguyên xác minh, làm rõ. Kết quả là UBND huyện Thủy Nguyên có văn bản giải trình với lý do lỗi của cơ quan tham mưu.

Tượng vua Lê Đại Hành, vua Ngô Quyền và Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn tại Khu di tích Bạch Đằng Giang

Trước đó, tháng 7/2014, Khu di tích Bạch Đằng Giang được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng.

Theo đó, UBND TP Hải Phòng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt dự án theo đúng thẩm quyền và quy định hiện hành về di sản văn hóa và đầu tư xây dựng; tự chịu trách nhiệm về quyết định của mình; sử dụng nguồn vốn xã hội hóa để triển khai thực hiện dự án.

Thực hiện chủ trương, TP Hải Phòng đã cho triển khai “Dự án Khu văn hóa truyền thống, nghệ thuật, tượng đài và đền thờ Ngô Quyền, Lê Đại Hành, Trần Quốc Tuấn” và giao cho Công ty TNHH Du lịch Đức Khánh làm chủ đầu tư.

Dự án Khu di tích Bạch Đằng Giang được biết đến là địa danh đặc biệt. Nơi đây, từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII diễn ra 3 trận thủy chiến nổi tiếng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm; gắn liền với tên tuổi của những anh hùng dân tộc: Ngô Quyền, Lê Hoàn, Trần Quốc Tuấn và là biểu tượng cho tinh thần anh dũng, bất khuất trong sự nghiệp dựng nước, giữ nước của dân tộc.

Dự án còn được sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo TP Hải Phòng và du khách. Hàng năm, theo thông lệ, Khu di tích tổ chức Khai hội vào ngày mùng 6 tháng Giêng, ngày 14 và 15 tháng Giêng là Lễ khai ấn Đức Thánh Trần.

Khu di tích Bạch Đằng Giang đang được TP Hải Phòng đề nghị Nhà nước công nhận là Khu di tích Quốc gia đặc biệt.

Đạt Vũ

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến