Dòng sự kiện:
Hải quan: Nỗ lực tạo thuận lợi thương mại đi đôi chống gian lận hiệu quả
16/01/2020 18:24:53
Chính phủ đã giao nhiệm vụ, năm 2020, Việt Nam phải cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu.

Là lực lượng trực tiếp liên quan đến việc kiểm soát đầu ra, đầu vào, ngành hải quan phải hết sức nỗ lực phấn đấu phối hợp thật tốt để hoàn thành mục tiêu này.

Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng cục Hải quan vừa diễn ra.

Sớm giải quyết điểm nghẽn kiểm tra chuyên ngành

Năm 2019 nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên nhiều lĩnh vực. 12/12 chỉ tiêu đạt và vượt mức. GDP 7,2%, lạm phát kiểm soát mức thấp, CPI trung bình cả năm mức 2,59% đạt mục tiêu dưới 4% đề ra, xuất nhập khẩu đạt mốc 517 tỷ USD. 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng phát biểu. Ảnh:VGP.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả của ngành hải quan trong năm 2019 như: Thu ngân sách nhà nước (NSNN) 348.700 tỷ đồng, vượt 16% dự toán Quốc hội giao, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2018. “Kết quả này đóng góp quan trọng vào thu ngân sách Nhà nước, đảm bảo thu ngân sách”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan đã tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cơ chế Một cửa quốc gia, Cơ chế Một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, công tác kiểm tra chuyên ngành.

Đặc biệt, Tổng cục Hải quan tăng cường kiểm tra, giám sát kiểm soát chặt chẽ về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, chống chuyển tải bất hợp pháp đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Xây dựng và triển khai các kế hoạch đấu tranh trọng điểm: Kế hoạch số 773/KH-ĐTCBL ngày 29/7/2019; 441/KH-TCHQ ngày 18/10/2019… Tập trung điều tra xác minh một số doanh nghiệp có dấu hiệu lợi dụng xuất xứ, lừa dối người tiêu dùng, buôn lậu trốn thuế.

Với quy mô, số lượng doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã thay đổi so với nhiều năm trước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, nhờ những bước chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tăng cường ứng dụng công nghệ… công tác thu thuế của ngành hải quan vẫn đảm bảo hiệu lực hiệu quả trong quá trình tinh gọn bộ máy.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng thẳng thắn chỉ ra việc vẫn còn dư luận phản ánh về việc có nơi cán bộ vẫn gây phiền hà, sách nhiễu, khi thừa hành công vụ. Phối hợp thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa đạt hiệu quả thực chất, ảnh hưởng tới hoạt động xuất nhập khẩu.

“Tôi đã từng kiến nghị xây dựng một Luật sửa các Luật liên quan công tác thông quan hàng hoá, để giúp gỡ các nút thắt. Chúng ta là nền kinh tế xuất nhập khẩu, do đó hoạt động xuất nhập khẩu “phập phồng” sẽ ảnh hưởng tới tăng trưởng GDP”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh. Đồng thời khẳng định phải cải cách mạnh mẽ hơn nữa các hệ thống của ngành.

Mục tiêu thu ngân sách vượt 5%, cải tiến phối hợp kiểm tra chuyên ngành 

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao, với kim ngạch xuất nhập khẩu khoảng 2 lần GDP, nếu vướng mắc sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nền kinh tế.

Kinh tế XNK đạt kim ngạch khoảng 2 lần GDP, để hoạt động XNK “phập phù” là ảnh hưởng đến cả nền kinh tế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng nhắc cơ quan hải quan cần phải cải cách mạnh mẽ hệ thống hải quan điện tử. Các hệ thống hải quan điện tử đạt kết quả bước đầu tuy nhiên có địa phương, như TPHCM, hệ thống vẫn chưa trơn tru.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhắc lại nhiệm vụ Thủ tướng đã giao cho Bộ Công Thương “tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu, chống nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn. Mục tiêu là năm 2020 phấn đấu cán mốc xuất khẩu 300 tỷ USD và là năm thứ 5 liên tiếp Việt Nam xuất siêu”.

“Là lực lượng trực tiếp liên quan đến việc kiểm soát đầu ra, đầu vào, ngành hải quan phải hết sức nỗ lực phấn đấu phối hợp thật tốt để hoàn thành mục tiêu này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Hải quan khắc phục trong năm 2020 - năm cuối thực hiện kế hoạch 2016-2020, chuẩn bị cho kế hoạch phát triển 10 năm 2020-2030. Bộ trưởng đề nghị ngành hải quan tập trung đạt mục tiêu vượt thu ngân sách trên 5% mục tiêu được giao, bắt đầu ngay từ những ngày đầu của năm mới, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2020.

Tập trung thanh kiểm tra sau thông quan, cắt giảm thủ tục hành chính, trong đó tập trung kiểm tra theo rủi ro và dấu hiệu vi phạm. Nhấn mạnh tình hình gian lận xuất xứ, trốn thuế vẫn diễn biến phức tạp, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dẫn chứng về vụ Asanzo không phải là hiếm. Hiện có hàng chục doanh nghiệp có dấu hiệu sai phạm như doanh nghiệp này. Do đó, ngành hải quan sẽ phải làm quyết liệt và đưa ra công khai.

Lãnh đạo ngành tài chính khẳng định: Đây là uy tín của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế trong vấn đề chống gian lận thương mại, để minh bạch thị trường và đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch.

“Ra đường hàng giả, hàng gian lận sở hữu trí tuệ nhan nhản thị trường, bán đầy thị trường, chưa nói gì đưa ra ngoài. Chính vì vậy, ngành hải quan cần phải phối hợp cơ quan công an, thị trường, biên phòng… ngăn chặn tình trạng này”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Ngoài ra, để tạo thuận lợi thương mại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng lưu ý trong năm nay, ngành hải quan cần quyết liệt làm việc với các bộ ngành để cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành.

Ngoài ra, trong năm 2020, Tổng cục Hải quan đề ra mục tiêu tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa hải quan góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan; nâng mức độ hài lòng của doanh nghiệp đối với thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan ít nhất đạt 70% trở lên tại các chỉ số chính thuộc các chỉ tiêu theo Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành hải quan giai đoạn 2016-2020…

Toàn cảnh Hội nghị ngành Hải quan. Ảnh:VGP.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng và phát biểu kết luận hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn bày tỏ quyết tâm sẽ đoàn kết cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục Hải quan lãnh đạo, chỉ đạo toàn ngành hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong năm 2020

Đặc biệt, ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, người đứng đầu ngành hải quan khẳng định: “Chúng tôi dự kiến sẽ tái cấu trúc thành hệ thống công nghệ thông tin, thực hiện phân quyền và quản lý  hiệu quả hơn”.

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến