(Ảnh minh họa)
Cơ quan CSĐT Bộ Công an (C03) ngày 22/9 cho biết đang tiến hành điều tra vụ án: Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Công ty TNHH MTV xuất nhập khẩu và đầu tư Hà Nội (Unimex Hà Nội), Trung tâm Xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng và thủ công mỹ nghệ Hà Nội (Trung tâm Artex Hà Nội) – đơn vị hạch toán phụ thuộc Unimex Hà Nội, và một số đơn vị liên quan.
Căn cứ tài liệu thu thập được, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh khám xét đối với 5 bị can về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015, gồm: Phạm Văn Thắng, nguyên Giám đốc Trung tâm Artex Hà Nội; Trần Thị Lan Hương, nguyên Kế toán trưởng Trung tâm Artex Hà Nội; Nguyễn Văn Quân, nguyên Trưởng phòng kinh doanh Trung tâm Artex Hà Nội; Nguyễn Thị Ngọc Uyên, Giám đốc CTCP thương mại dịch vụ sản xuất An Ninh; Nguyễn Đắc Phước, Giám đốc Công ty TNHH thương mại Đắc Nguyên.
Bên cạnh đó, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét đối với 3 bị can về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015, gồm: Trần Quốc Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Unimex Hà Nội; Đặng Thị Minh Chi, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Unimex Hà Nội; Nguyễn Thị Phương Liên, nguyên Trưởng phòng Kế toán trưởng Công ty Unimex Hà Nội.
Unimex Hà Nội tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, được tiến hành cổ phần hoá cuối năm 2015 với 50% cổ phần được bán cho cổ đông chiến lược T&T Group, Nhà nước giữ lại 20% thông qua Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), người lao động mua ưu đãi 2,03% và bán đấu giá ra công chúng (IPO) 27,97%.
Tới cuối năm 2016, nhà đầu tư sở hữu 27,97% phần vốn bán ra bên ngoài của Unimex Hà Nội được hé lộ là bà Đào Thu Hoà. Cập nhật đến cuối năm 2019, vai trò này được thay thế bởi ông Ngô Văn Sơn, tỷ lệ sở hữu của T&T Group và Hapro vẫn giữ nguyên.
Unimex hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản, nhiều năm nay được giới thiệu là thành viên của T&T Group. Tập đoàn của "bầu" Hiển đang có cơ hội nâng tỷ lệ sở hữu lên mức tuyệt đối khi Hapro, sau khi về tay BRG Group của "Madame" Nguyễn Thị Nga, tháng 2/2020 có Nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Unimex Hà Nội với giá dự kiến 11.000 đồng/CP.
T&T Group đầu tư vào Unimex Hà Nội, sẽ không bất ngờ nếu nhắm vào quỹ đất vàng rất lớn mà cựu thành viên Hapro sở hữu, tương tự như các thương vụ Vinafor, Vinafood II, Thương mại dịch vụ Tràng Thi, Bệnh viện Giao thông Vận tải, Vegetexco, Vigecam, Sách và Thiết bị trường học...
Unimex Hà Nội sở hữu khoảng 15 lô đất quy mô 6ha đất có vị trí đẹp trên cả nước, đặc biệt ở Hà Nội, như 41 Ngô Quyền (Hoàn Kiếm) rộng 416m2, 172 Ngọc Khánh (Ba Đình) rộng 3.752m2, 102 Thái Thịnh (Đống Đa) rộng 6.077m2, 98 Hoàng Cầu (Đống Đa) 1.096,1m2, 201 Khâm Thiên (Đống Đa) rộng 958,1m2, 93 Cầu Giấy (Cầu Giấy) 2.448m2, 26 Chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm) rộng 14.432m2, thôn Hoàng Xá, Kiêu Kỵ (Gia Lâm) 23.586,8m2...
Phần lớn các lô đất trên đã được định hướng chuyển đổi sang mục đích đầu tư. Cùng với đó là nhiều khu đất khác ở Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, An Giang.
Sau cổ phần hoá, Unimex Hà Nội ngay lập tức thua lỗ, với khoản lỗ sau thuế 17,7 tỷ đồng năm 2016. Dù vậy, kinh doanh thua lỗ không phải điều khiến các cổ đông tư nhân lo ngại. Năm 2018, Unimex Hà Nội thực hiện trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi cho năm 2017 với giá trị lên tới 387,6 tỷ đồng, dẫn tới khoản lỗ sau thuế 398 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu tới cuối năm 2017 âm 204,5 tỷ đồng, lên mức âm 228 tỷ đồng cuối năm 2019.
Các khoản trích lập kể trên được tiến hành với 73 khoản nợ xấu có tổng giá trị trích lập 385,3 tỷ đồng tới cuối năm 2019, trong đó có nhiều khoản nợ liên quan tới các cá nhân bị Cơ quan điều tra khởi tố vừa qua.
Liên quan tới Artex Hà Nội, trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Trung tâm Artex (theo phía Unimex Hà Nội là “vụ án hàng sắn lát 11,4 tỷ đồng), Phiên toà tháng 11/2019 đã tuyên bị cáo Phạm Văn Thắng 12 năm tù giam và bị cáo Trần Thị Lan Hương 8 năm tù giam. Unimex Hà Nội cũng yêu cầu hai bị cáo bồi thường số tiền 11,4 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh của Unimex Hà Nội qua 4 năm gần nhất (Ảnh: Huy Ngọc)
Agribank Tây Hà Nội vào năm 2015 đã yêu cầu Unimex Hà Nội thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho 2 giấy ủy quyền bảo lãnh vay vốn số 38/UQ-CT ngày 20/5/2011 với mức dư nợ tối đa 35 tỷ đồng và giấy ủy quyền vay vốn số 07/UQ-CT ngày 5/1/2012 phục vụ xuất khẩu với mức dư nợ tối đa 40 tỷ đồng. Agribank đã yêu cầu Trung tâm Artex Hà Nội trả gốc và lãi vay liên quan đến các hợp đồng. Tùy nhiên, Unimex nhận định, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự của chi nhánh Artex Hà Nội và Ngân hàng nên chỉ đồng ý chịu trách nhiệm thực hiện một phần bảo lãnh. Tính đến ngày 31/12/2019, chưa có phán quyết cuối cùng của Tòa án.
Đáng chú ý, bà Trần Thị Lan Hương, nguyên Kế toán trưởng Trung tâm Artex Hà Nội (dù đang thi hành án 8 năm tù, như đã đề cập) còn chịu trách nhiệm tới 8 khoản nợ xấu khác của Unimex Hà Nội với tổng giá trị gần 51,7 tỷ đồng.
Ngoài ra, những CTCP thương mại dịch vụ sản xuất An Ninh, Công ty TNHH Thương mại Đắc Nguyên đều được Unimex xác định đã ngừng hoạt động. Một điểm chung khác, đây đều là 2 khoản nợ xấu của Unimex Hà Nội, và cùng được phát sinh từ năm 2012. Cụ thể, công ty An Ninh vào cuối năm 2019 nợ hơn 103,2 tỷ đồng, trong khi đó công ty Đắc Nguyên nợ hơn 61,7 tỷ đồng.
Một khoản nợ xấu khác cũng đang bị C03 điều tra là Công ty TNHH MTV Thương mại Dịch vụ sản xuất Long Vân (nợ gần 3 tỷ đồng). Giống Đắc Nguyên, An Ninh, Long Vân cũng được Unimex Hà Nội xác định không còn hoạt động và đang bị C03 điều tra.
Vốn chủ sở hữu âm lớn, nợ nhóm 5 với các ngân hàng thương mại khiến Unimex gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, các dự án bất động sản bị chậm do thiếu vốn. Năm 2020, Unimex có kế hoạch tăng vốn thêm 300 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Nguồn vốn thu về sẽ được dùng để trả nợ các khoản vay (107,6 tỷ đồng), và thực hiện dự án (183 tỷ đồng). Bộ đôi dự án trọng điểm của Unimex là 98 Hoàng Cầu và 201 Khâm Thiên với tổng doanh thu dự kiến lần lượt là 3.338 tỷ đồng và 4.771 tỷ đồng. |
Tác giả: Tả Phù
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy