Hạn chế bia rượu
09/08/2014 16:31:40
Năm 1979, tôi đến Moscow, thủ đô của Liên Xô, ấn tượng sâu đậm đi theo tôi tới tận bây giờ là nạn nghiện rượu.

Năm 1979, tôi đến Moscow, thủ đô của Liên Xô, ấn tượng sâu đậm đi theo tôi tới tận bây giờ là nạn nghiện rượu.
 
Nhiều lần tôi dừng lại trước một ô cửa tò vò trên một con phố quan sát nơi bán rượu. Một hàng dài cỡ bốn, năm chục người đứng xếp, đa số mua xong bước ra xếp hàng tiếp (vì mỗi lần chỉ bán một chai). Trong khi chờ đến lượt mới, họ khui chai đã mua ra và uống luôn. Ở một công viên cạnh khách sạn Bông Lúa Vàng, khoảng 8, 9h tối, người say rượu nằm la liệt. Cảnh sát đến “thu dọn” hiện trường, nắm hai chân, hai tay, quẳng lên xe như những bao gạo rồi chở đi.
 
Ở nước ta, bia rượu đã phá hoại hạnh phúc của không biết bao nhiêu gia đình, biến những người cha, người chồng thành những kẻ bạo hành, hãm hại cả con ruột của mình, biến những bác sĩ uy nghi đạo mạo thành kẻ bê tha, chuyên đi “gài độ” nhậu, biến những cảnh sát thành kẻ giết người…
 
Phòng cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy, nhất là vào dịp lễ Tết, vài trăm ca tai nạn giao thông, đâm chém nhau nhập viện một đêm, mà đại đa số có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhậu nhẹt, bia rượu. Những vụ tai nạn hay đâm chém nhau giết chết những người đang là trụ cột trong gia đình, làm cho không biết bao nhiêu đứa trẻ bỗng nhiên bơ vơ, không được nuôi nấng, học hành đàng hoàng; hoặc biến những trụ cột chính của gia đình thành gánh nặng cho những người còn lại.
 
Chủ trương hạn chế bia rượu của Nhà nước vào thời điểm này nhận được sự tán thưởng của nhiều tầng lớp nhân dân, tuy nhiên, cách thực hiện còn có nhiều điều gây tranh cãi.
 
Với một lượng lớn bia rượu được sản xuất và tiêu thụ trong nước mang lại một nguồn tiền không nhỏ cho ngân khố quốc gia, việc hạn chế sẽ có những ảnh hưởng nhất định đến nguồn thu ngân sách. Nhà nước đã tính đến và sẵn sàng cho tình huống này chưa? Khi nguồn thu bị giảm đã có phương án nào bù đắp nguồn thu hay chưa? Và khi đó Nhà nước có còn kiên quyết làm nữa hay không? Nếu vẫn kiên quyết làm thì có thêm thuế phí gì đè lên lưng người dân nữa hay không? Rồi đầu ra cho những sản phẩm mà các nhà máy, các cơ sở sản xuất bia rượu đang mọc lên như nấm ở trong nước ta, bài toán công ăn việc làm… Tất cả những điều đó đã được tính toán đến chưa? Hay lại như một phong trào như những câu chuyện hạn chế xe gắn máy, mũ bảo hiểm “dỏm”?
 
Ngoài việc xác định rõ được mất và phương án xử lý các hậu quả mang lại từ việc hạn chế bia rượu, việc tổ chức thực hiện cũng có vai trò quyết định sự thành bại. Việc giao cho Bộ Y tế đóng vai trò chủ chốt trong việc hạn chế bia rượu tiềm ẩn một nguy cơ to như quả núi rằng chương trình sẽ thất bại. Ngành y tế chỉ có thể khuyến cáo, phân tích cho người dân thấy tác hại của bia rượu. Ngành y tế không thể cấm mua, bán, uống, sản xuất; cũng như không định giá, kiểm soát được việc quảng bá sản phẩm bia rượu. Đấy là chưa kể đây là ngành không có quyền với ai cả, nhân viên y tế còn phải trân mình ra cho những kẻ say rượu luôn miệng chửi rủa, đe dọa, thậm chí hành hung, đâm chém, sát hại.
 
Trong khi những đồng tiền thuế thu từ bia rượu và những nguồn khác cứ đổ vào những con tàu ma, những ụ nổi chìm, những đường ống vừa xây xong đã vỡ, những con đường lún theo kiểu bậc thang “tuyệt đẹp”… chẳng có mấy đồng chi cho y tế để giải quyết hậu quả cho các ngành.
 
Theo tôi, ngành y tế hiện nay đang là nạn nhân lớn nhất của bia rượu, giải quyết tất cả hậu quả tệ hại nhất do bia rượu mang lại, bệnh tật, chấn thương, sang chấn tâm lý… Bây giờ đổ thêm công việc này lên đầu không biết ngành còn có thể đứng vững được nữa hay không?
 
Giống như tất cả những lần “ra quân” trước đây, chúng ta nặng về các biện pháp hành chính, có lẽ đó là cái dễ nhất mà chúng ta có thể nghĩ ra. Trên thực tế, các biện pháp hành chính đang ngày càng mất đi tác dụng, vừa do sự yếu kém của bộ máy công quyền, vừa là hậu quả của sự lạm dụng nó một cách thái quá trong một thời gian dài.
 
Một biện pháp đơn giản hơn, dễ áp dụng và khả thi hơn rất nhiều đó là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên mặt hàng bia rượu. Nếu thực lòng chúng ta muốn chống lại tệ nạn nhậu nhẹt, hạn chế bia rượu, hãy đừng sợ những nhà máy bia rượu phải hạn chế sản xuất và người dân không có khả năng mua bia rượu.
 
Mọi biện pháp hành chính, kể cả việc cấm bán bia rượu sau 22 giờ sẽ chẳng bao giờ khả thi, sẽ chỉ giúp tăng thêm thu nhập cho những nhóm lợi ích trong các lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tạo thêm nguồn sống cho nạn tham nhũng mà thôi.
 
Võ Xuân Sơn – vnexpress.net

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến