Năm nay đã có những tín hiệu tái cấu trúc tích cực với các nhà băng có vốn nhà nước chi phối, như chuyện BIDV cuối cùng cũng bán 15% cổ phần cho Keb Hana Bank (Hàn Quốc), hay trước đó là Vietcombank cũng gọi thêm được vốn từ GIC (Singapore) và đối tác chiến lược Mizuho (Nhật Bản). Thêm nữa, mới đây có ngân hàng Vietbank được áp dụng chuẩn Basel II sớm hơn thời hạn quy định, nâng tổng số ngân hàng lên con số 13 ngân hàng nội và 1 ngân hàng ngoại đủ tiêu chuẩn an toàn vốn để hoạt động trong giai đoạn tiếp theo.
Thêm nhiều ngân hàng đạt chuẩn Basel II
Ngay cả những “mặt hàng xấu” như 3 ngân hàng "0 đồng" cũng có tín hiệu tích cực. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã trình phương án cơ cấu Ngân hàng Đại Dương lên Thủ tướng Chính phủ, trong khi phương án cho Ngân hàng Xây dựng đang được dự thảo.
Trong nhiều năm qua Agribank vẫn chưa tăng được vốn.
Cơ quan quản lý nhà nước cho biết đã có nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia tái cơ cấu các nhà băng “0 đồng”. Có thể kể đến như Tập đoàn J. Trust hay Maruhan (Nhật Bản, Srisawad Corporation (Thái Lan) hay Clermont (Singapore).
Thực tế, năm 2020 là thời điểm cuối cùng của lộ trình Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, với mục tiêu quan trọng là xử lý triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém. Dù vậy, tốc độ xử lý đến nay được nhiều chuyên gia đánh giá là khá chậm.
Bên cạnh những tín hiệu tích cực, những nhân tố “bí ẩn” vẫn còn đó. Chẳng hạn như trường hợp của Ngân hàng Đông Á hiện đang ở trong tình trạng kiểm soát đặc biệt.
Cổ đông DongA Bank không thông qua phương án bán cổ phần tăng vốn
Theo đó, tại Đại hội cổ đông bất thường trong tháng 10 qua, các cổ đông không thông qua phương án chào bán cổ phần để bổ sung vốn điều lệ đảm bảo đủ vốn pháp định của ngân hàng (3.000 tỉ đồng). Ngân hàng hiện đang âm vốn chủ sở hữu sẽ phải báo cáo lại cho Ngân hàng Nhà nước và chờ phương án xử lý mới. Được biết phương án mới cũng không loại trừ việc chuyển giao bắt buộc cho các nhà đầu tư khác, nhưng các nhà đầu tư này sẽ phải rót tiền "thực" và "sạch" vào thì mới có thể sở hữu thương hiệu Đông Á.
Một trường hợp khác là Agribank, ngân hàng có tỷ trọng cho vay lĩnh vực nông nghiệp lên đến 70% sẽ phải tiến hành cổ phần hóa với hạn chót là trong năm 2020. Theo đó, tỷ lệ nắm giữ của nhà nước có thể giảm đến về còn 65%.
Tình trạng mà Agribank hiện đối mặt là vốn điều lệ thấp, nên việc mở rộng tín dụng bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, tương tự như Vietinbank, theo một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, vốn điều lệ của Agribank là gần 30.500 tỉ đồng, thậm chí thấp hơn nhiều so với các ngân hàng tư nhân khác trong khi quy mô tín dụng thì lại “khủng” hơn nhiều lần (hơn 1.039 triệu tỉ đồng, theo báo cáo tài chính bán niên riêng lẻ 2019).
Trong đề án ngân hàng trình lên thì cần cấp khoảng 20.200 tỉ đồng, tương đương khoảng 880 triệu đô la, bổ sung vốn điều lệ trong giai đoạn 2016-2020, nhưng cho đến nay vẫn chưa thực hiện được. Bản thân ngân hàng Agribank cho rằng đã sẵn sàng cho câu chuyện cổ phần hóa.
Theo báo cáo thường niên năm 2018, ngân hàng này tự đánh giá những ưu điểm của mình, bao gồm quy mô tổng tài sản lớn, số lượng tài sản cố định lớn, hình thức sử dụng và lịch sử hình thành của tài sản đa dạng nhất, riêng đất đai thuộc quyền quản lý sử dụng của Agribank đã tới gần 3 triệu m2, số lượng khách hàng đông nhất với hàng chục triệu khách hàng có quan hệ giao dịch tiền gửi, tiền vay.
Nhưng vấn đề của Agribank còn nằm ở câu chuyện kinh doanh khi phải “gánh” thêm trách nhiệm xã hội. Lãnh đạo ngân hàng cũng nhiều lần chia sẻ sự khó khăn của mình như hoạt động cho vay nông nghiệp là rất rủi ro, trong khi chi phí hoạt động cao, lãi suất cho vay thấp và phải cạnh tranh huy động vốn trên thị trường với các ngân hàng thương mại cổ phần.
Tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo thường niên của Agribank
Trong báo cáo với Quốc hội hồi tháng 10, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết cơ quan này đang đẩy mạnh tháo gỡ các vướng mắc, đặc biệt là quy định pháp lý để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa Agribank. Đặc biệt hơn, Ngân hàng Nhà nước đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ, đề xuất việc xử lý tài chính đặc thù liên quan đến cổ phần hóa Agribank.
Có nhiều yếu tố cản trở quá trình tăng vốn của các ngân hàng mà Nhà nước chi phối, không chỉ câu chuyện về giá cổ phiếu mà còn là tiêu chí về nhà đầu tư, điển hình như câu chuyện Vietcombank bán cổ phần cho GIC cũng phải mất một khoảng thời gian dài mới thực hiện được (nhưng chỉ 3% trong khi kế hoạch phát hành thêm 10%). Thêm nữa, thách thức từ trước đến nay được nhắc đến nhiều nhưng vẫn chưa giải quyết được là giới hạn tỷ lệ sở hữu của khối ngoại tại các nhà băng.
Thông tin mới đây cho thấy lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm 2019 của Agribank đạt 9.700 tỉ đồng, hoàn thành 88% kế hoạch. Tính đến hết ngày 30-9-2019, tổng tài sản đạt gần 1,4 triệu tỉ đồng. Agribank cũng có kế hoạch tất toán khoản nợ xấu đã bán cho VAMC trong năm nay. Trước đó, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho biết trung bình trong khoảng thời gian từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9.600 tỉ đồng nợ xấu, cao hơn 4.700 tỉ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017, là thời gian trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. |
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy