Báo cáo tài chính quý IV/2023 của Công ty cổ phần Bột giặt NET ghi nhận doanh thu thuần xấp xỉ 542 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này. Trước đây, ở giai đoạn 2015-2018, doanh thu mỗi quý dao động trong khoảng 250-300 tỷ đồng. Từ năm 2019 trở đi, doanh thu mỗi quý tăng lên trên 350 tỷ đồng, trừ quý III/2021 rớt mạnh xuống khoảng 270 tỷ đồng do giãn cách vì Covid-19.
Theo báo cáo mới công bố, lợi nhuận gộp quý IV/2023 của Bột giặt NET tăng gấp đôi so với cùng kỳ, lên 164 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 30,2%, nhảy vọt so với mức 19,6% của cùng kỳ. Chi phí tài chính, bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh trong những tháng cuối năm. Lợi nhuận sau thuế còn xấp xỉ 52 tỷ đồng, tăng 113% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo lý giải của ban lãnh đạo công ty, lợi nhuận quý cuối năm tăng mạnh chủ yếu vì doanh số của sản phẩm nước giặt, bột giặt và nước rửa chén tăng cộng hưởng với việc kiểm soát tốt chi phí nguyên vật liệu đầu vào.
Lũy kế cả năm, công ty thu gần 1.810 tỷ đồng, tăng hơn 18% so với năm trước. Nguồn thu chủ yếu đến từ bán hàng thành phẩm, chỉ một phần nhỏ khoảng 5 tỷ đồng đến từ gia công. Lợi nhuận sau thuế đạt 178 tỷ đồng, gấp đôi năm trước. Cả hai chỉ tiêu này đều xác lập kỷ lục từ trước đến nay.
Năm 2023, công ty đặt mục tiêu theo 2 kịch bản. Kịch bản đầu tiên là doanh thu thuần đạt 1.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng. Kịch bản thứ hai tham vọng hơn khi doanh thu dự kiến đạt 2.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 100 tỷ đồng. Căn cứ theo kết quả vừa công bố, công ty đã vượt xa kế hoạch theo kịch bản đầu tiên và vượt mục tiê lợi nhuận ở kịch bản thứ hai.
Tính đến cuối năm, công ty có tổng tài sản hơn 893 tỷ đồng, tăng khoảng 134 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Tiền mặt và các khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong cơ cấu tài sản với 382 tỷ đồng, tương ứng 42,7%. Giá trị hàng tồn kho là 175 tỷ đồng, giảm khoảng 30 tỷ đồng so với đầu năm.
Công ty hiện có gần 460 tỷ đồng nợ phải trả, chủ yếu là các khoản nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu tại thời điểm cuối năm là 434 tỷ đồng, trong đó có 181 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Bột giặt NET được thành lập vào năm 1968, là một trong các doanh nghiệp nội địa hàng đầu về sản phẩm chăm sóc gia đình tại Việt Nam với hai thương hiệu được ưa chuộng là Net và Netsoft.
Hoạt động kinh doanh của công ty có sự chuyển mình mạnh mẽ từ khi Masan HPC, thành viên của Tập đoàn Masan, hoàn tất thường vụ mua 52% cổ phần với mức giá 48.000 đồng mỗi cổ phiếu vào tháng 2/2020. Thời điểm đó, Bột giặt NET được định giá xấp xỉ 46 triệu USD. Tại thời điểm công bố thương vụ thành công, phía Masan cho biết việc mua lại Bột giặt NET nhằm tích hợp công ty này vào hệ thống phân phối gồm 300.000 điểm bán lẻ truyền thống cùng nền tảng thương mại hiện đại gồm 3.000 siêu thị và siêu thị mini trên cả nước.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu NET đang có chuỗi tăng 4 phiên liên tục để đưa thị giá lên vùng 77.500 đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Tuy nhiên, thanh khoản vẫn tương đối ảm đạm khi mỗi phiên thường có không quá 30.000 cổ phiếu được sang tay.
Tác giả: Minh Khôi
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy