Công ty CP Tập đoàn Casper Việt Nam vừa công bố tình hình tài chính năm 2022 với lợi nhuận sau thuế bất ngờ lao dốc xuống mức âm 467 tỷ đồng. Cùng kỳ năm trước, công ty này vẫn có lãi 61 tỷ đồng.
Với khoản lỗ đậm, vốn chủ sở hữu của Casper Việt Nam sau một năm giảm gần một nửa, còn 531 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) giảm mạnh từ 6% xuống -87,9% và hệ số nợ phải trả trên vốn chủ tăng từ 2,3 lần lên 5,64 lần.
Dư nợ trái phiếu trên vốn chủ từ 0 tăng lên 0,56 lần do vào tháng 6/2022, Casper Việt Nam phát hành lô trái phiếu CPGCH2225001 có giá trị 300 tỷ đồng với kỳ hạn 36 tháng. Trái phiếu có lãi suất phát hành là 11%/năm, kỳ hạn trả lãi là 6 tháng/lần. Trong năm ngoái, công ty đã chi hơn 16 tỷ đồng để trả lãi.
Casper là thương hiệu điện máy đến từ Thái Lan, có mặt ở Việt Nam từ năm 2016. Công ty có mạng lưới chi nhánh và hệ thống phân phối tại nhiều thị trường Đông Nam Á như Malaysia, Brunei, Campuchia, Lào.
Thời gian đầu, công ty tập trung đánh mạnh thị trường máy điều hòa không khí (máy lạnh), có mặt tại các chuỗi bán lẻ điện máy lớn như Điện Máy Xanh, Nguyễn Kim, Điện Máy Chợ Lớn. Casper dùng chiến lược giá rẻ, thời gian bảo hành lâu, áp dụng nhiều khuyến mãi để nhắm tới phân khúc khách hàng bình dân.
Hiện các sản phẩm công ty phân phối ở Việt Nam gồm điều hoà, máy lọc không khí, tủ lạnh, tivi, máy lọc không khí, máy giặt, máy sấy, nồi cơm điện.
Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu thị trường GfK công bố hồi tháng 2 cho thấy Casper chiếm 16% thị phần máy điều hòa ở Việt Nam, đứng thứ ba chỉ sau Panasonic và Daikin. Ở mảng tivi, thương hiệu đứng thứ 5.
Kết quả kinh doanh của Casper ảm đạm trong bối cảnh ngành điện máy không mấy tươi sáng trong năm 2022, nhất là giai đoạn nửa cuối năm.
Do ảnh hưởng của lạm phát khiến sức mua giảm, các doanh nghiệp bán lẻ đầu ngành điện máy, công nghệ như Thế Giới Di Động, FPT Retail, Digiworld, Petrosetco đều ghi nhận kết quả kinh doanh ảm đạm trong quý IV/2022 và những tháng đầu năm 2023.
Các chuyên gia từ SSI Research ước tính chi tiêu cho điện thoại và điện máy sẽ giảm 10% so với năm 2022 trong giả định lạm phát sẽ đạt đỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 và sau đó giảm tốc trong 6 tháng cuối năm.
Theo SSI Research, lạm phát gia tăng sẽ làm tăng chi phí cho các nhà bán lẻ, vì khó có thể chuyển phần chi phí tăng lên sang giá bán cho khách hàng. Trong khi đó, người tiêu dùng đang tìm kiếm các đợt giảm giá sâu và xu hướng mua hàng giá rẻ có thể kéo dài đến năm 2023.
Tác giả: Diệu Thanh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy