Dòng sự kiện:
Hàng không tăng phụ phí vé máy bay: Khách hàng thêm thiệt?
10/05/2021 18:36:53
Các hàng hàng không Bamboo Airways, Vietnam Airlines Group đều tăng phí quản trị hệ thống lên 90 - 100 nghìn đồng trên mỗi chặng bay nội địa. Khách hàng sẽ là người gánh chịu khoản phí này.

Từ ngày 9/5, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VASCO) sẽ tăng phí quản trị hệ thống với các chặng bay nội địa từ 350 nghìn đồng lên 450 nghìn đồng (đã bao gồm VAT). Như vậy, giá mỗi vé máy bay đến tay khách hàng sẽ tăng thêm 100 nghìn đồng so với trước kia.

Ảnh minh họa.

Bamboo Airways cũng thông báo, hãng sẽ tăng phí quản trị hệ thống theo mức tăng so với vé lẻ và vé đoàn, áp dụng đối với xác nhận đặt chỗ từ ngày 10/5.

Theo đó, vé đoàn sẽ áp dụng phí từ 370 nghìn đồng lên 460 nghìn đồng, tăng 90 nghìn đồng/chặng. Đối với khách lẻ tăng 90 nghìn đồng/chặng, từ mức 320 nghìn đồng lên 410 nghìn đồng. Tuy nhiên một số giá đoàn kích cầu, đoàn đặc biệt có thể không áp dụng phụ thu quản trị hệ thống.

Theo lý giải của các hãng hàng không, việc tăng phí quản trị hệ thống nhằm điều chỉnh phù hợp với thị trường hiện nay, giúp hãng nâng cao chất lượng phục vụ, đặc biệt là hệ thống bán vé được vận hành tốt hơn.

Về vấn đề này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng các hãng hàng không tăng phụ phí vé máy bay trong bối cảnh dịch COVID-19 nhằm bù trừ khó khăn sau một thời gian chống chọi với dịch bệnh. Tăng phụ phí vé máy bay ở mức độ như hiện tại tạm thời vẫn chấp nhận được.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay thì hầu hết các hãng hàng không đều muốn có được lượng khách nhiều, việc tăng phí như vậy sẽ khiến tâm lý khách hàng e ngại lựa chọn di chuyển bằng máy bay.

Giải sử, một hãng bay có giá vé rẻ hơn, không tăng phụ phí vé nhưng chất lượng dịch vụ vẫn nâng cao so với hãng tăng phí, đương nhiên khách sẽ lựa chọn hãng không tăng phí. Nếu các hàng đồng loạt tăng phí chắc chắn khách sẽ lựa chọn ít đi máy bay vì khoản phí họ phải gánh chịu, thiệt thòi.

Trong quý 1/2021, Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.460 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ. Việc kinh doanh dưới giá vốn khiến hãng hàng không với biểu tượng sen vàng lỗ gộp 3.869 tỷ đồng, trong khi quý 1 năm trước chỉ lỗ 632 tỷ đồng.

Trong khi đó, các khoản chi phí tuy giảm nhưng không thể bù đắp tình trạng doanh thu ảm đạm của Vietnam Airlines. Kết quả là Vietnam Airlines ghi nhận lỗ ròng 4.890 tỷ đồng trong quý 1, đánh dấu quý lỗ nặng nhất từ trước đến nay.

Khoản lỗ này khiến cho lỗ lũy kế tính đến 31/3/2021 ghi nhận đến 14,219 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn điều lệ.

Tác giả: Khánh Hoài

Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến