Năm 2021 chứng kiến nền kinh tế diễn biến ảm đạm do chịu thiệt hại nặng từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, bối cảnh mới cũng giúp một số ngành ăn nên làm ra, trong đó có khối chứng khoán.
Được hưởng lợi từ nguồn tiền nhàn rỗi lớn từ các hoạt động kinh doanh và lãi suất thấp, cùng với hoạt động được diễn ra liên tiếp đã giúp các công ty môi giới chứng khoán có một năm lãi vượt kỳ vọng.
Hàng loạt công ty lãi kỷ lục
Dẫn đầu về lợi nhuận ngành vẫn là cái tên quen thuộc Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) với mức lãi cao kỷ lục 3.810 tỷ đồng, tăng 42% so với năm 2020 và tương ứng biên lợi nhuận trước thuế đạt đến 73%.
Công ty này năm thứ 6 liên tiếp đứng đầu thị phần môi giới trái phiếu; đồng thời cũng leo nhanh chóng về thị phần môi giới cổ phiếu trên HoSE trong năm vừa qua khi chiếm 4,57% và đứng ở vị trí thứ 6 trong danh sách (năm 2020 chưa có tên trong top 10 thị phần tại HoSE);
Nhờ đó doanh thu nghiệp vụ môi giới tăng trưởng mạnh góp phần đẩy doanh thu hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty là mảng sản phẩm đầu tư đạt 3.449 tỷ đồng, tăng tới 124% so với năm 2020 và chiếm hơn 66% tổng nguồn thu, bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh.
Công ty chứng khoán được hậu thuẫn bởi Techcombank còn đứng top 3 về cho vay ký quỹ (margin). TCBS có dư nợ margin khoảng 14.700 tỷ đồng vào thời điểm cuối năm và vẫn còn tổng hạn mức cho vay ký quỹ gần 3.800 tỷ đồng sẵn sàng giải ngân, với lãi suất 0,5-10,5%/năm.
Đứng ngay ở vị trí tiếp theo là Chứng khoán SSI khi công ty mẹ đạt lợi nhuận trước thuế kỷ lục 3.327 tỷ đồng, tăng 113% so với năm liền trước và vượt 60% kế hoạch năm. Kết quả này đến khi doanh thu cũng tăng 72% lên 7.773 tỷ đồng.
Trong đó, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới chứng khoán tăng mạnh khi số tài khoản mở mới tại SSI vẫn tiếp tục đạt mức cao trong quý IV/2021, tăng 53% so với quý liền trước và tăng 379% so với quý cùng kỳ năm 2020.
Dư nợ ký quỹ cuối năm vừa qua cũng lập mức kỷ lục 22.700 tỷ đồng, tăng 4.600 tỷ đồng so với quý III và dẫn đầu toàn thị trường.
Công ty này đang có tổng tài sản vượt 50.000 tỷ đồng và có vốn chủ sở hữu 13.887 tỷ. SSI cũng đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 50% và dự kiến có mức vốn mới gần 15.000 tỷ đồng, tương đương với quy mô một ngân hàng tầm trung.
Công ty mẹ VNDirect cũng có kết quả rất tích cực khi doanh thu tăng 150% đạt 5.776 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng 220% lên mức kỷ lục 2.734 tỷ đồng, vượt 37% so với kế hoạch năm đã sửa đổi.
Tổng tài sản của doanh nghiệp cũng mở rộng nhanh chóng 146% lên 36.850 tỷ đồng và đứng vị trí thứ 2 trên toàn ngành. Giá trị vốn hóa cũng đứng thứ 2 với hơn 35.600 tỷ đồng vào cuối năm ngoái (chỉ xếp sau SSI).
VNDirect là doanh nghiệp thu hút được nhiều nhà đầu tư mới nhất trong năm vừa qua. Tổng số lượng tài khoản mở thêm tại công ty đạt hơn 304.000, đồng nghĩa trung bình năm 2021 chiếm khoảng 21% số lượng tài khoản mới trên toàn ngành. Tổng số tài khoản đang quản lý chạm ngưỡng hơn 708.000 đơn vị, tương ứng giá trị tài sản thực tế khoảng 8,4 tỷ USD.
Khối chứng khoán mở rộng
Trong khi đó Chứng khoán SHS đã vươn lên mạnh mẽ trong quý IV để giúp lợi nhuận cả năm đạt mức kỷ lục 1.753 tỷ đồng, gấp 1,9 năm liền trước và đạt 233% mức kế hoạch lợi nhuận năm 2021. Kết quả này đưa SHS vượt mặt lợi nhuận của HSC.
Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) trong năm vừa qua vẫn ghi nhận doanh thu thuần 3.368 tỷ đồng, tăng 112% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế lũy kế kỷ lục 1.430 tỷ đồng, tăng 117% so với cùng kỳ và vượt 19% so với kế hoạch năm.
Đứng ngay sau đó là 4 công ty môi giới khác cũng có mức lợi nhuận tiệm cận con số nghìn tỷ đồng là VPS, FPTS, Mirae Asset và VIX. Đây cũng là mức lợi nhuận kỷ lục của từng doanh nghiệp.
Hàng loạt công ty chứng khoán tầm trung khác cũng có mức lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng như VCBS, MBS, BSC, Agriseo, APS, VDSC, TVSI... có lợi nhuận năm đều từ 500 tỷ đồng trở lên. Một số công ty nhỏ cũng chấm dứt chu kỳ thua lỗ để chuyển sang có lãi hàng trăm tỷ đồng.
Sự thuận lợi trong hoạt động kinh doanh đang giúp quy mô các công ty chứng khoán mở rộng nhanh chóng. Vốn điều lệ các công ty liên tục tăng mạnh nhờ các đợt phát hành cổ phiếu, giúp cho vị thế trong thị trường vốn được cải thiện mạnh mẽ so với nhóm ngân hàng, tài chính.
Ngành chứng khoán năm qua tăng trưởng rất cao khi VN-Index thuộc top tăng giá hàng đầu thế giới, tăng 36% lên sát mốc 1.500 điểm.
Thanh khoản thị trường cũng cao đột biến với tổng giá trị giao dịch bình quân đạt gần 26.600 tỷ đồng/phiên (1,16 tỷ USD/phiên), gấp 3,6 lần năm liền trước. Trong đó giá trị khớp lệnh bình quân cũng gấp đến 4 lần lên gần 24.500 tỷ đồng/phiên.
Kết quả này là nhờ lượng mở mới tài khoản của nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn ở mức cao và góp phần không nhỏ trong việc giữ thị trường giao dịch sôi động.
Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), khối nhà đầu tư cá nhân trong nước đã mở mới hơn 1,5 triệu tài khoản chứng khoán, lớn gấp rưỡi tổng số tài khoản được mở mới trong giai đoạn 2017-2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1,04 triệu tài khoản).
Tính tới cuối năm 2021, tổng số tài khoản chứng khoán nhà đầu tư trong nước hiện đạt hơn 4,3 triệu, tương đương khoảng 4,4% dân số. Dù vậy, đây vẫn là tỷ lệ thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á.
Việc nhà đầu tư mới tích cực nhập cuộc đã khiến dư nợ margin tại các công ty chứng khoán liên tục lập kỷ lục trong các quý. Khối công ty chứng khoán đứng đầu về dư nợ cho vay (bao gồm cho vay margin và ứng trước) tiếp tục lập kỷ lục với trên 194.000 tỷ đồng vào cuối năm, hơn gấp đôi so với thời điểm đầu năm (chỉ 91.481 tỷ đồng).
Khối công ty chứng khoán đang mở rộng các hình thức huy động vốn. Ảnh: Thạch Thảo.
Bối cảnh đó cũng giúp nhiều công ty lớn nhận thấy cơ hội phát triển nên đã tận dụng để huy động nguồn vốn không chỉ từ cổ đông và cả nguồn vốn từ các định chế tài chính nước ngoài. Đáng chú ý là việc vay vốn chỉ bằng tín chấp cho thấy sự tin tưởng cao đối với triển vọng ngành chứng khoán Việt Nam.
Đơn cử như TCBS nhận được thêm một khoản vay tín chấp giá trị 83 triệu USD trong tháng cuối năm ngoái, dẫn dầu là ngân hàng SMBC. Theo đó, các khoản cấp tín dụng lũy kế cả năm đạt gần 200 triệu USD mà không cần tài sản đảm bảo.
Hay như VNDirect cũng mới thông báo chính thức huy động thành công khoản vay hợp vốn tín chấp tiếp theo với tổng giá trị lên tới 100 triệu USD với nhóm định chế tài chính nước ngoài. Trước đó, công ty cũng huy động lượng vốn tín chấp khoảng 100 triệu USD hồi tháng 9/2021.
Gần đây HSC và SSI đang mở rộng hoạt động thông qua việc tăng cường nguồn vốn. Trong đó HSC vừa ký hợp đồng vay hợp vốn tín chấp trị giá 104 triệu USD hay SSI hoàn tất nhận giải ngân khoản vay tín chấp nước ngoài có giá trị lớn nhất trong ngành với 118 triệu USD hồi cuối tháng 9/2021.
Sắp tới đây, Chứng khoán SSI thông qua chào bán cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 50% để tăng vốn lên mức gần 15.000 tỷ đồng hay VNDirect cũng chào bán và thưởng cổ phiếu để tăng vốn tối đa 12.178 tỷ đồng. Nếu thành công, quy mô vốn các đơn vị chứng khoán cũng tương đương với nhiều ngân hàng tầm trung tại Việt Nam.
Tác giả: Huy Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy