100 dự án tỷ lệ giải ngân bằng 0
Những ngày cuối tháng 8/2022, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công là nội dung Thường trực HĐND TP HCM tiến hành phiên họp giải trình với UBND TP HCM. Buổi họp diễn ra trong bối cảnh gần hết quý III/2022 nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đối với hàng loạt dự án trên địa bàn TP HCM vẫn chưa đạt được mục tiêu và tiến độ dự kiến.
Từ đầu tháng này, tại cuộc họp kinh tế - xã hội trên địa bàn 7 tháng đầu năm, ngày 4/8, ông Lê Trương Hải Hiếu, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TP HCM chỉ ra, trong 7 tháng qua có đến 100 dự án đầu tư công tại Thành phố này có tỷ lệ giải ngân bằng 0, trong đó hầu hết công trình này đều vốn trên 200 tỷ đồng.
Tỷ lệ giải ngân của TP HCM hiện chỉ đạt 26%, thấp hơn 5% so với bình quân cả nước, trong khi mục tiêu giải ngân cả năm của địa phương này là 95%.
Trong khi đó, Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP HCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết, việc giải ngân chậm nằm ở nhóm dự án được bố trí vốn lớn, trên 200 tỷ đồng. Các dự án giải ngân 0 đồng chủ yếu do Ban Quản lý Dự án Công trình dân dụng và công nghiệp làm chủ đầu tư.
Cụ thể, dự án xây Bệnh viện Nhi đồng TP HCM được bố trí vốn 1.000 tỷ đồng nhưng kéo dài từ 2019 đến nay chưa giải ngân được đồng nào. Dự án đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật cụm y tế xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (277 tỷ đồng). Hay Trung tâm triển lãm TP HCM (350 tỷ đồng)... cũng tương tự.
Nhiều dự án lớn của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông có tỷ lệ giải ngân dưới 10% như: hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, vốn bố trí 200 tỷ, mới giải ngân 9,3 tỷ (5%); nút giao An Phú 375 tỷ, giải ngân 14 tỷ (4%); vệ sinh môi trường TP HCM giai đoạn 2 bố trí 1.990 tỷ, giải ngân 73 tỷ (4%)...
Theo ông Hải, hàng tháng, hàng quý, Kho bạc Nhà nước đều có văn bản nhắc nhở các chủ đầu tư, yêu cầu nộp hồ sơ thanh toán từng phần theo quy định. Tất cả hồ sơ gửi đến Kho bạc được giải quyết đúng hạn 100%, tuy nhiên, đến nay số hồ sơ hoàn thành gửi về vẫn rất ít.
Vướng mắc chủ yếu là giải phóng mặt bằng
Cũng trong cuộc họp kinh tế - xã hội đầu tháng 8/2022, ông Trần Văn Bảy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM báo cáo, trong lĩnh vực của ngành tài nguyên – môi trường, có 2 nguyên nhân ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công gồm công tác thẩm định giá và chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư.
Theo ông Bảy, báo cáo đầu tư công trước đây thường nói nguyên nhân chậm trễ giải ngân là do sự chậm trễ trong công tác thẩm định giá bồi thường. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết thẩm định giá.
Đến nay Sở TN&MT đã giải quyết dứt điểm tất cả các hồ sơ thẩm định giá của quận, huyện. Qua 7 tháng năm 2022, TP HCM đã thông qua 52 dự án về giá bồi thường, không còn hồ sơ tồn đọng.
Ông Bảy phân tích: “Vấn đề pháp lý dự án hoàn thiện rất chậm, chưa kể khâu quận, huyện thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá có nhiều vướng mắc. Các đơn vị tư vấn trên địa bàn TP HCM nhiều nhưng chất lượng không đồng đều và họ ngại tham gia thẩm định các dự án bồi thường bởi thù lao không nhiều nhưng trách nhiệm rất lớn. Trong khi đó, không thể ép buộc các công ty này phải thực hiện. Do đó, quận, huyện loay hoay tìm đơn vị tư vấn”.
Dự án nút giao An Phú, Tp.Thủ Đức, TP HCM rất cấp bách để chống ùn tắc giao thông nhưng quá trình giải ngân không đạt tiến độ dự kiến.
Phó Giám đốc Sở TN&MT TP HCM cũng nhìn nhận, sau khi TP HCM có quyết định phê duyệt dự án thì lẽ ra quận, huyện phải chuẩn bị các khâu cần thiết để tiến hành phương án bồi thường, tái định cư. Nhưng nhiều trường hợp quận, huyện chậm trễ cả nửa năm, một năm khiến người dân phản ứng với giá bồi thường đã thông qua.
Về chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, ông Bảy cho biết, hiện nay một số địa phương nhầm giữa giá bồi thường và chính sách bồi thường. Có những khu đất nông nghiệp ở ngoại thành xác minh nguồn gốc gặp khó khăn, gây kéo dài.
Do đó, Sở TN&MT đề nghị Sở Tài chính quan tâm cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của các Ban bồi thường giải phóng mặt bằng ở quận, huyện vì nếu không củng cố cơ quan này thì khi có dự án sẽ không thực hiện được.
Tìm giải pháp từ nguồn lực ngoài ngân sách
Theo báo cáo của UBND TP HCM gửi đến HĐND TP HCM, công tác đầu tư công trên địa bàn TP HCM gặp không ít khó khăn, vướng mắc và hạn chế. Một là công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nhiều dự án còn chậm, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư để tiến hành thi công.
Tiếp đó, công tác phối hợp trong giải ngân đầu tư công và triển khai thực hiện dự án còn hạn chế. Thứ ba, TP HCM còn bị động trong công tác huy động các nguồn lực khác và sự tham gia của các thành phần kinh tế (thông qua hình thức hợp tác công tư) để bổ sung, hỗ trợ cho cho đầu tư công.
Cuối cùng, các dự án sử dụng vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA) đang triển khai thực hiện đầu tư chậm tiến độ phải gia hạn thời gian thực hiện, điều chỉnh tổng mức đầu tư…
Tại phiên họp về tình hình đầu tư công trên địa bàn của Thường trực HĐND TP HCM ngày 24/8, Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, trách nhiệm việc giải ngân chậm vốn đầu tư công trước hết là của UBND và Chủ tịch UBND TP HCM, tiếp đó là Sở ngành.
Tuy nhiên, người đứng đầu chính quyền TP HCM cũng thừa nhận tình hình chưa có nhiều chuyển biến. Nguyên nhân là do có những vấn đề phức tạp, tồn tại lâu, cần thời gian để tạo sự thay đổi. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề TP HCM đã kết luận, nhưng Sở, ngành, địa phương còn ngại, chưa triển khai.
Theo ông Mãi, Sở Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị thường trực trong quản lý đầu tư công nên cũng có trách nhiệm. Hàng tháng, Thành phố này đều họp giao ban, kiểm điểm, chỉ ra vấn đề của từng người, từng cơ quan, nhắc nhở bằng văn bản.
"Cuối năm, dựa trên kết quả giải ngân để đánh giá từng cá nhân, cơ quan, kể cả trách nhiệm của tôi với tư cách là Chủ tịch UBND TP HCM", ông Mãi nói.
Nhóm đơn vị tiếp theo được lãnh đạo UBND TP HCM điểm danh là các chủ đầu tư, vì "đây là nơi chịu trách nhiệm chính đối với các dự án". Cuối cùng, quận huyện là nơi sử dụng dự án, nhưng nhiều địa phương chưa quan tâm đúng mức nên việc giải phóng mặt bằng chưa tốt.
Chủ tịch TP HCM Phan Văn Mãi cho biết, giai đoạn 2021-2025, nhu cầu vốn đầu tư công của thành phố là 672.000 tỷ đồng, song chỉ được Thủ tướng duyệt 142.000 tỷ đồng (21%). Do đó, Thành phố này đang đề xuất tăng thêm 118.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với tỷ lệ giải ngân như hiện nay khó thuyết phục Trung ương đồng ý.
Để chuẩn bị kế hoạch vốn năm 2023, ông Mãi nói, Thành phố này sẽ phân tích kỹ, chấn chỉnh và có giải pháp cụ thể để thuyết phục Trung ương.
Trong đó, TP HCM đặc biệt chú trọng giải pháp huy động nguồn lực ngoài ngân sách, thông qua đẩy mạnh hợp tác công - tư để làm các công trình giao thông, chỉnh trang đô thị như rạch Xuyên Tâm, cao tốc TP HCM - Mộc Bài...
Tác giả: Nguyễn Thành Nhân
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy