Dòng sự kiện:
Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng
23/02/2023 15:01:50
Việc các ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất cho vay và đưa ra các gói tín dụng ưu đãi là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề để hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất trong thời gian tới.

Hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động. (Ảnh: Vietnam+)

Lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm từ 1%-2%/năm so với giai đoạn cao điểm, tạo điều kiện quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay.

Đồng loạt giảm lãi suất huy động

Kể từ sau Tết đến nay, một loạt ngân hàng có động thái hạ lãi suất tiết kiệm, đáng chú ý nhiều ngân hàng đã có sự điều chỉnh giảm lần thứ 2. LienVietPostBank vừa có sự điều chỉnh lãi suất ở kỳ hạn 12 tháng, giảm xuống 9,2%. Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm xuống 9,1%.

Trong tuần trước, Sacombank đã áp dụng biểu lãi suất mới và đồng loạt giảm mạnh ở nhiều kỳ hạn. Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, kỳ hạn 6, 12 và 36 tháng hiện ở mức 8%-8,4%-8,65% tương đương mức giảm 0,3%-0,5%-0,35% so với trước.

Đối với hình thức gửi tiết kiệm online, lãi suất cũng giảm khoảng 0,3%-0,5% so với trước khi thay đổi. Trong đó, tại kỳ hạn 15-36 tháng, lãi suất giảm từ 9,2%/năm xuống còn 8,7%-8,85%/năm. Kỳ hạn 12 tháng điều chỉnh 0,5% xuống 8,6%/năm. Kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3% xuống 8,2%/năm.

Tương tự, Techcombank tiếp tục giảm mạnh lãi suất kể từ ngày 18/2. Ở kỳ hạn 12 tháng và 24 tháng đối với khách hàng VIP 1, lãi suất cao nhất giảm từ 9,2% xuống còn 8,7% (tương đương mức giảm 0,5%). Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất giảm từ 9% xuống 8,7% (tương đương mức giảm 0,3%).

Đáng chú ý, sự thay đổi diễn ra không chỉ nhóm ngân hàng tư nhân mà cả ở cả nhóm ngân hàng quốc doanh. Trong đó, lãi suất tiết kiệm trực tuyến (online) đã giảm về bằng mức niêm yết tại quầy thay vì cao hơn như trước đó. Theo khảo sát, hiện lãi suất huy động của các ngân hàng thương mại niêm yết cao nhất là khoảng 9,45%/năm.

Như vậy tính đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng đã giảm lãi suất huy động với mức giảm từ khoảng 1%-2%/năm so với giai đoạn cao điểm (tháng 11-12/2022), ngoại trừ VietABank tăng lãi suất huy động từ ngày 9/2. Phía VietABank cho hay lý do của việc tăng này là bởi do lãi suất trước đó của ngân hàng khá thấp so với mặt bằng chung nên đợt điều chỉnh này nhằm nâng lãi suất lên ngang với thị trường.

Không chỉ trên thị trường, lãi suất liên ngân hàng cũng giảm sâu trong 2 tuần qua. Số liệu được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm 90%-95% doanh số giao dịch) đã giảm về còn 3,64%/năm - mức thấp nhất kể từ cuối năm 2022. So với trung tuần tháng Một, lãi suất qua đêm liên ngân hàng đã giảm 2,8%. Trong bối cảnh đó, Ngân hàng Nhà nước đã có động thái hút ròng thanh khoản trong tuần qua (khoảng hơn 30.000 tỷ đồng) thông qua kênh tín phiếu và qua thị trường mở (OMO).

Lãi suất cho vay sẽ giảm trên diện rộng

Việc các ngân hàng liên tục giảm lãi suất huy động từ đầu năm đến nay là điều kiện quan trọng cho việc giảm lãi suất cho vay.

Trong tuần qua, hàng loạt ngân hàng như Agribank, Techcombank, VietinBank, Sacombank, MB, SeABank… đã công bố các chương trình giảm lãi suất, các gói tín dụng ưu đãi với mức lãi suất thấp hơn khoảng 1%-3%/năm. Đặc biệt, Agribank còn thông báo giảm lãi suất tối đa 3%/năm cho các dư nợ vay kinh doanh bất động sản tại thời điểm 31/1/2023 đang gặp khó khăn.

Bên cạnh đó các ngân hàng thương mại cũng đang triển khai nhiều gói vay ưu đãi với quy mô từ vài nghìn đến cả trăm tỷ đồng để ngỏ khả năng giảm lãi suất trên diện rộng.

Sản xuất tại một doanh nghiệp. (Ảnh: Vietnam+)

Cụ thể, BIDV triển khai gói cho vay ngắn hạn (từ nay 30/4/2023) với quy mô 30.000 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng trong đầu năm 2023. Theo đó, khách hàng tham gia gói vay phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 8%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 9%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng.

Ngoài ra BIDV cũng triển khai gói vay tín dụng năm 2023 (với gói vay trên 12 tháng) lên tới 100.000 tỷ đồng phục vụ vay nhu cầu đời sống và sản xuất kinh doanh với lãi suất linh hoạt chỉ từ 10,3%/năm.

VietinBank công bố triển khai gói ưu đãi lãi suất có quy mô 10.000 tỷ đồng, áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa lần đầu vay vốn tại VietinBank. Vietcombank cam kết giảm 0,5%/năm lãi suất cho tất cả khách hàng có dư nợ hiện hữu và phát sinh mới ngay từ đầu năm 2023.

Như vậy đến nay, cả 4 ngân hàng quốc doanh đều có chương trình vay ưu đãi, giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng.

Ở nhóm tư nhân, nhiều ngân hàng đã tiên phong giảm lãi suất. Sacombank vừa triển khai ưu đãi lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp trên toàn quốc với mức lãi suất tối thiểu chỉ từ 8,99%/năm. Bên cạnh đó Sacombank áp dụng mức lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm đối với khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vốn để thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP theo chính sách khách hàng Sacombank Sapphire.

Một số ngân hàng khác như Techcombank tung ra gói tín dụng 30.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất 2% dành cho doanh nghiệp sản xuất, thương mại có hoạt động xuất nhập khẩu; VPBank dành 7.000 tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ với lãi suất giảm từ 0,5%-1,5%; SeABank tung gói ưu đãi 3.000 tỷ đồng, giảm lãi suất cho vay tối đa 1%/năm cho các khoản vay ngắn hạn phục vụ mục đích kinh doanh; từ ngày 10/2, MB giảm 1% lãi suất vay cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.

Động thái giảm lãi suất của các ngân hàng được đánh giá sẽ giúp các doanh nghiệp giảm được chi phí.

Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh cho biết thành phố thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, để qua chương trình này đưa cơ chế chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Cũng theo ông Lệnh, chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp sẽ được tổ chức theo từng địa bàn với mức lãi suất thấp hơn thông thường từ 2%-3%.

Sản xuất dệt may tại một doanh nghiệp. (Ảnh: Hồng Kiều/Vietnam+)

Đặc biệt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh phải triển khai ngay Hội nghị kết nối ngân hàng-doanh nghiệp trên địa bàn theo hình thức phù hợp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng nhằm nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.

Nhận định về triển vọng kinh doanh năm 2023, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng họ hiện đang gặp nhiều khó khăn do đơn đặt hàng giảm rõ rệt trong khi chi phí đầu vào chưa giảm tương ứng. Bởi vậy, sự vào cuộc của các ngân hàng thương mại và sự quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước sẽ là tín hiệu tích cực, tạo tiền đề để hỗ trợ thiết thực cho các các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong thời gian tới./.

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến