Dòng sự kiện:
“Hàng mới” cho thị trường chứng khoán: sẽ còn chờ lâu!
01/07/2014 08:27:02
Từ đầu năm nay, các cơ quan quản lý đưa ra một loạt những tuyên bố, những giải pháp, bày tỏ quyết tâm kêu gọi, bắt buộc các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, tăng tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, và thêm “hàng” mới cho thị trường chứng khoán. Nhưng tới nay có vẻ như mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu.

Từ đầu năm nay, các cơ quan quản lý đưa ra một loạt những tuyên bố, những giải pháp, bày tỏ quyết tâm kêu gọi, bắt buộc các doanh nghiệp lên sàn chứng khoán, tăng tính minh bạch trong hoạt động của doanh nghiệp, và thêm “hàng” mới cho thị trường chứng khoán. Nhưng tới nay có vẻ như mọi việc vẫn chưa đâu vào đâu.

 

Hàng mới cho thị trường chứng khoán là một trong những tiêu chí quan trọng nếu muốn mở rộng thị trường, gọi thêm vốn. Ảnh: Thành Hoa

 

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vừa công bố số liệu 6 tháng đầu năm cho thấy số doanh nghiệp mới niêm yết tăng rất chậm chạp, với chỉ 7 doanh nghiệp đăng ký trên cả hai sàn chứng khoán, trong khi số doanh nghiệp hủy niêm yết lại cao hơn gấp 3 lần với  22 doanh nghiệp.

 

Vì vậy, đến cuối tháng 6-2014, số doanh nghiệp niêm yết và giao dịch cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán tiếp tục giảm sút, chỉ còn 662 doanh nghiệp, lùi xa mốc 700 doanh nghiệp của năm 2011.

 

Sắp tới, tại sàn TPHCM sẽ có hai doanh nghiệp chào sàn vì hồ sơ đã được Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM chấp thuận; đó là Công ty cổ phần Thế giới Di động và Công ty Thủy điện Miền Nam, còn hai công ty nữa chỉ mới nộp hồ sơ là Công ty Đầu tư và Sản xuất Thống Nhất, Công ty Phân lân nung chảy Văn Điển.

 

Còn với các ngân hàng, việc lên sàn đã được lùi sang các năm tới do hiện tại mục tiêu lớn nhất vẫn là xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hoạt động, mặc dù từ cuối năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các ngân hàng lên sàn để minh bạch hoạt động.

 

Với các doanh nghiệp nhà nước đang chuẩn bị bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) như Vinatex, hay Vietnam Airlines, và xa nữa là Mobifone thì việc niêm yết phải đợi đến sang năm vì đến giờ chưa doanh nghiệp nào cho biết sẽ lên sàn chứng khoán ngay sau khi đấu giá bán cổ phần thành công, và họ có 1 năm ngày IPO để xem xét và chuẩn bị niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán.

 

Thực tế, từ cuối năm ngoái, các cơ quan quản lý và thành viên thị trường đều kỳ vọng, với các quy định mới tại Nghị định 108/NĐ-CP về xử phạt vi pham hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán có hiệu lực thì các doanh nghiệp và ngân hàng sẽ "lên sàn" nhiều hơn.

 

Nghị định này tác động lớn đến khối doanh nghiệp đại chúng chưa niêm yết do các chế tài xử phạt đối với việc chậm đưa cổ phiếu lên sàn sẽ được áp dụng. Cụ thể, trong vòng một năm sau khi chào bán cổ phần ra công chúng (IPO), nếu doanh nghiệp không đưa chứng khoán vào giao dịch trên thị trường có tổ chức thì sẽ bị phạt từ 100-150 triệu đồng; các cá nhân, tổ chức vi phạm phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc cộng thêm tiền lãi khi nhà đầu tư có yêu cầu.

 

Nhưng đã hết 6 tháng đầu năm và 7,5 tháng từ khi Nghị định trên có hiệu lực mà tình hình cũng chưa có gì khả quan hơn. Và nhìn thử đến cuối năm thì số doanh nghiệp lên niêm yết vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay.

 

“Cho dù khả năng bị phạt là có, thì các doanh nghiệp cũng sẽ cân nhắc kỹ trước khi niêm yết, bởi nếu giá cổ phiếu tăng, thanh khoản cải thiện, việc huy động vốn thuận lợi,  doanh nghiệp sẽ không ngần ngại, nhưng đến nay, rất nhiều cổ phiếu trên sàn thanh khoản và giá đều rất thấp. Trong khi nếu lên sàn thì nội chuyện công bố thông tin cũng tốn thời gian và công sức, tiền bạc (vì phải thuê kiểm toán và soát xét báo cáo tài chính…) nên doanh nghiệp còn đắn đo”, một cán bộ quản lý tại Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM cho biết.

 

Ở góc độ nhà đầu tư, có lẽ khối nhà đầu tư nước ngoài là những người sốt ruột nhất; họ rất muốn có thêm hàng tốt trên sàn để có cơ hội bỏ vốn, vì với các doanh nghiệp “xịn”, tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài đã hết trong khi họ không thể bỏ vốn vào các cổ phiếu thiếu thanh khoản, hay vốn quá thấp, không hấp dẫn để đầu tư.

 

Giám đốc một quỹ đầu tư cho rằng sự chờ đợi đã kéo dài quá lâu, chuyện IPO các tập đoàn lớn đã được nhắc đi nhắc lại trong mấy năm qua, nhưng đến giờ vẫn chưa nhà đầu tư nước ngoài nào được chạm tay vào các cổ phiếu đó. Ông này cho rằng, để các quỹ, hay các tổ chức mời gọi thêm nhà đầu tư các nước tham gia, nhất thiết thị trường chứng khoán Việt Nam phải tăng trưởng về quy mô vốn hóa, và tăng số lượng doanh nghiệp đầu ngành tham gia niêm yết. Hai năm gần đây, lượng vốn mới vào thị trường không tăng trưởng là mấy, chủ yếu là các quỹ đã có mặt ở đây từ lâu.

 

VN-Index đã có mức tăng trưởng khá mạnh trong 6 tháng qua với khoảng 14,6%, HNX-Index cũng tăng 14,9%, trong khi cả năm 2013, chỉ số chính của sàn TPHCM tăng 22,2%, còn của sàn Hà Nội tăng 18,9%.

 

Thảo Nguyên

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến