Hàng ngàn tấn đường nhập lậu vào Việt Nam mỗi tháng
19/10/2014 11:16:04
Trong khi người trồng mía ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước nguy cơ thua lỗ thì mỗi tháng hàng ngàn tấn đường vẫn ồ ạt nhập lậu vào Việt Nam.

Nông dân Hậu Giang thu hoạch mía đầu vụ

Mía “đắng”

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, khu vực ĐBSCL có khoảng 44.506ha trồng mía, giảm 6.714ha so với vụ trước. Tại Hậu Giang, diện tích trồng mía giảm tương đương 10% (chỉ còn 12.559ha) so với mùa vụ vừa qua; trong đó huyện Phụng Hiệp giảm gần 1.039ha để chuyển sang trồng những cây khác đạt hiệu quả hơn. Nguyên nhân vẫn là "điệp khúc" được mùa mất giá! Người dân Phụng Hiệp cho biết, giá mía 10 chữ đường (CCS) tại cầu cảng Nhà máy đường Phụng Hiệp là 880 đồng/kg (đã bao gồm hỗ trợ phí vận chuyển từ hộ dân tới nhà máy) và ở cầu cảng của Nhà máy đường Vị Thanh là 905 đồng/kg (cũng hỗ trợ phí vận chuyển), so với mức công ty bao tiêu ban đầu cao hơn từ 50 - 75 đồng/kg. Theo ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó tổng giám đốc Công ty mía đường Cần Thơ: "So với quy định của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, mức 800 đồng/kg tại ruộng chúng tôi đã thu mua cao hơn từ 90 - 115 đồng/kg. Nếu mía lớn hơn 10 CCS với mức tăng 0,1 CCS sẽ hơn 10 đồng/kg ngược lại thì giảm 7 đồng/kg".

Ông Ngoan khẳng định chính giá mía sụt giảm khiến một bộ phận không nhỏ người trồng mía không quan tâm chăm sóc cho cây nên năng suất không cao. Việc cơ giới hóa ở các khâu trồng mía nhằm kéo giảm giá thành sản xuất vẫn chưa được nhân rộng...

Đường ngoại ồ ạt “lấn sân”

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam, cho biết năm nay mới đầu vụ nhưng giá đường liên tục sụt giảm, hiện giá bán sỉ tại kho khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ 2.500 đồng/kg. Niên vụ đường 2013 - 2014, sản lượng cả nước đạt mức kỷ lục với 1.590.470 tấn (cao hơn vụ trước 60.470 tấn), nhưng việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn nên lượng tồn kho của các công ty hiện còn rất lớn (khoảng 356.000 tấn). Toàn vùng có hàng chục nhà máy với tổng công suất 22.000 tấn mía nguyên liệu ngày đêm, chủ động được thời vụ - sản xuất, chế biến, nhưng ở đầu ra các doanh nghiệp (DN) tại ĐBSCL đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, đặc biệt là sản xuất nhưng không nơi tiêu thụ. Trước đây, mỗi tháng DN có thể tiêu thụ từ 130.000 - 140.000 tấn đường nhưng hiện giảm hơn phân nửa, còn lại là đường lậu.

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, ngành này đang gặp thảm cảnh: đường nội tồn kho, bị ép giá thì đường ngoại ồ ạt nhập lậu qua biên giới, nhất là tuyến Tây Nam, tăng dần qua các năm, có lúc lên đến 500.000 tấn/năm, chiếm khoảng 30% so với lượng đường sản xuất trong nước.

Theo thống kê của Tổ chức đường Thế giới, các nước xuất khẩu vào Việt Nam có nguồn gốc là đường Thái Lan qua ngả Campuchia. Đây là loại được hỗ trợ để bán giá thấp. Bên cạnh đó còn do lậu thuế nên giá đường nhập lậu vào thị trường nội địa Việt Nam luôn thấp hơn giá sản xuất trong nước. Ông Long cảnh báo, nếu không có biện pháp xử lý đường lậu triệt để thì chẳng bao lâu nữa người trồng mía sẽ chuyển sang trồng cây khác, gây không ít khó khăn cho ngành mía đường nước ta.

Theo Congan.com.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến