Dòng sự kiện:
Hàng tỉ đô vốn ngoại đổ về dồn dập khi thương vụ bán vốn cho nước ngoài thành công
16/11/2019 08:35:22
Thị trường tài chính ngân hàng của Việt Nam được coi là một miếng bánh béo bở trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài khi có đến 70% dân số chưa có tài khoản ngân hàng, theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm ngoái.

Mới đây, thêm một công ty lớn nữa của Hàn Quốc muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam không chỉ cho thấy sức hấp dẫn của chúng ta đối với nhà đầu tư nước ngoài mà còn thể hiện sự lựa chọn “Kim chi” của ngân hàng Việt. Những thương vụ bán vốn tại các ngân hàng đang thúc đẩy dòng ngoại tệ lớn chảy vào Việt Nam trong thời gian ngắn.

Theo đó, BIDV đã hoàn tất thương vụ bán 15% cổ phần, trị giá 860 triệu USD cho KEB Hana Bank của Hàn Quốc.Sau giao dịch, KEB Hana Bank trở thành cổ đông lớn của BIDV, đồng thời giúp ngân hàng tăng thêm 6.033 tỷ đồng vốn điều lệ lên 40.220 tỷ đồng - trở thành ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống ngân hàng hiện nay.

Giá trị của cuộc hôn nhân này lên tới 20.300 tỉ đồng, tương đương khoảng 882 triệu đô la mỹ, khi ngân hàng thương mại lớn nhất Việt Nam trên quy mô tổng tài sản phát hành riêng lẻ cho KEB Hana Bank hơn 603,3 triệu cổ phần, tương đương 15% cổ phần của BIDV sau khi đầu tư. Vốn điều lệ của BIDV theo đó sẽ tăng từ 34.187 tỉ đồng lên 40.220 tỉ đồng, giữ vị trí đầu bảng trong hệ thống ngân hàng Việt Nam về quy mô vốn điều lệ.

Đây là một giao dich mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất trong lịch sử ngân hàng Việt Nam, xảy ra trong bối cảnh nhiều ngân hàng đang khát vốn để nâng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) theo yêu cầu cua Basel II. Phát hành trái phiếu là kênh nhiều ngân hàng đã áp dụng trong thời gian gần đây, nhưng có lẽ tìm một cổ đông ngoại đủ tiềm lực về tài chính và năng lực chuyên môn là con đường mà nhiều ngân hàng đã và đang nhắm đến.

Nhưng không phải ngân hàng nội nào cũng đủ môn đăng hộ đối trong cuộc hôn nhân với một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Hàn Quốc như KEB Hana Bank, với tổng tài sản lên tới 308.3 tỉ đô la và lợi nhuận hoạt động kinh doanh đạt 2,5 tỉ đô la trong năm ngoái. Bởi, theo bàSung Mee Hong luật sư chuyên về M&A trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, thuộc công ty luật Lee & Ko Vietnam khi chia sẻ trên TBKTSG, các ngân hàng nội với quy mô nhỏ hơn, đặc biệt là những ngân hàng có nhiều cổ đông, theo bà Hong, hiện được đánh giá là kém hấp dẫn hơn đối với các ngân hàng Hàn Quốc đang muốn mở rộng thị trường tại Việt Nam. Thêm vào đó vấn đề giới hạn sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang là một trở ngại đối với các ngân hàng lớn trong nước khi giới hạn sở hữu nước ngoài của họ đã đạt đến mức tối đa.

Sau BIDV, một ngân hàng khác là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB Bank) cũng đang thực hiện việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn tin của Bloomberg cho biết, MB sẽ huy động khoảng 240 triệu USD từ việc bán 7,5% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Thương vụ có thể được hoàn tất trong tháng này, bao gồm việc phát hành thêm hơn 141 triệu cổ phiếu mới và chuyển nhượng hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ của MB Bank. Hiện có khoảng 100 nhà đầu tư với khoảng 40 nhà đầu tư của Nhật Bản, Hong Kong, Singapore và Hàn Quốc đang quan tâm tham gia vào giao dịch này.

Trên thị trường, MBBank là một trong những ngân hàng kinh doanh tốt nhất. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2019, MBBank báo lãi ròng 6.142 tỷ đồng, tăng gần 28% so với cùng kỳ. BVSC dự báo, MBBank có thể hoàn thành vượt kế hoạch lợi nhuận đã đề ra và dự báo ngân hàng này có thể đạt lợi nhuận trước thuế 9.793 tỷ đồng cho cả năm 2019.

Đầu năm nay Vietcombank đã thu về khoảng 265 triệu USD từ việc bán cổ phần cho GIC (quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore) và cổ đông hiện hữu Mizuho Bank. Mới đây, ngân hàng này đã ký một hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm kéo dài 15 năm với tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á FWD.

Theo thoả thuận này, Vietcombank sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ của FWD trên hệ thống của ngân hàng. Như một phần trong giao dịch, FWD cũng sẽ mua lại Liên doanh bảo hiểm nhân thọ Vietcombank - Cardif (VCLI- Công ty liên doanh bảo giữa Vietcombank và BNP Paribas Cardif) và giao dịch này đang chờ sự chấp thuận của cơ quan chức năng. FWD có kế hoạch hợp nhất VCLI vào hoạt động kinh doanh hiện có tại Việt Nam sau khi giao dịch hoàn tất.

Chi tiết giá trị thương vụ không được tiết lộ, song 2 bên cho biết giao dịch hợp tác bảo hiểm của Vietcombank với FWD là giao dịch lớn nhất trên thị trường bảo hiểm ngân hàng từ trước tới nay.

Trước đó, nguồn tin từ Bloomberg cho biết, giá trị thỏa thuận phân phối bảo hiểm độc quyền giữa Vietcombank và FWD có thể lên tới 1 tỷ USD, phía Vietcombank có thể nhận được một khoản thanh toán ban đầu lên tới 400 triệu USD và có thể cao hơn tùy vào tình hình kinh doanh cụ thể.

FWD là Tập đoàn bảo hiểm nhân thọ trực thuộc Tập đoàn Pacific Century của Richard Li, tỷ phú đứng thứ 413 thế giới với giá trị tài sản ròng 4,6 tỷ USD.  

Trong 6 năm qua, Tập đoàn này chi hàng tỷ USD để mở rộng thị trường bảo hiểm ở các nước châu Á. Vào tháng 7/2019, FWD chi 3 tỉ USD để mua Công ty bảo hiểm nhân thọ SCB (SCB Life) thuộc Ngân hàng Siam (Thái Lan) đồng thời ký thỏa thuận hợp tác phân phối bảo hiểm dài hạn với ngân hàng này. Trước đó, Tập đoàn FWD cũng đã công bố đạt được thỏa thuận mua lại MetLife Hồng Kông.

Việc hợp tác giữa ngân hàng mạnh nhất Việt Nam với Tập đoàn bảo hiểm hàng đầu châu Á được dự báo sẽ làm thay đổi thị phần của FWD ở Việt Nam, đồng thời sẽ giúp lợi nhuận của Vietcombank tăng vọt.  

Trong báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, nguồn cung ngoại tệ trên thị trường hiện vẫn đang ở trạng thái dồi dào nhờ hiệu ứng tích cực từ các thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài của ngân hàng. Điểm nhấn thị trường đầu tư còn nằm ở thị trường chứng khoán, được nhiều chuyên gia nhận xét là một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực. Theo đó, chỉ số VN-Index tăng 4,9% trong quí 3-2019 và tăng 11,7% trong 9 tháng đầu năm, theo Công ty quản lý quỹ Vietcombank (VCBF). Chỉ số này cũng phá vỡ mốc 1.000 điểm, là mốc tâm lý kéo dài trong khoảng thời gian qua.

Báo cáo cuối tháng 10 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia vào cuối tháng 10 cho biết, lũy kế từ đầu năm, khối ngoại mua ròng 1,88 tỉ đô trên thị trường chứng khoán, bao gồm 1,23 tỉ đô cổ phiếu và 650,4 triệu đô trái phiếu.

Dung Hoàng (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến