Năm 2022 được xem là một năm bứt phá của ngành thuỷ sản Việt Nam với những thành tựu mang tính lịch sử. Điển hình trong số đó là dấu mốc kim ngạch xuất khẩu đạt 11 tỷ USD, cao nhất trong 20 năm gia nhập thị trường quốc tế.
Trong đó, tôm và cá tra nằm trong nhóm 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm có kim ngạch trên 2 tỷ USD của cả nước. Các nhóm sản phẩm thủy sản còn lại cũng có mức tăng trưởng khá tốt, nhờ vào dư địa từ các thị trường. Đặc biệt, ngành thủy sản tận dụng hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do để gia tăng kim ngạch xuất khẩu.
Tuy nhiên, ngày vui chưa bao lâu thì thuỷ sản Việt Nam cũng chịu theo cơn lốc thị trường. Tại hội nghị Tổng kết năm 2022 và triển khai kế hoạch năm 2023 của Tổng cục Thủy sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến nhận định, nền kinh tế nói chung cũng như thủy sản nói riêng đã xuất hiện những khó khăn, thách thức từ cuối quý III/2022.
Trước bối cảnh thị trường xuất khẩu có nhiều khó khăn, bất lợi do lạm phát tại nhiều quốc gia vẫn ở mức cao, để đạt được mục tiêu, ngành thủy sản vẫn phải linh hoạt, sáng tạo để quyết định tăng tốc trong thời điểm thích hợp. Chính vì vậy, ngành thủy sản chỉ đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2023 đạt 10 tỷ USD, thấp hơn so với mức thực hiện năm 2022.
Thực tế cho thấy, theo báo cáo từ VASEP, tháng 12/2022, xuất khẩu thủy sản của cả nước đạt 785 triệu USD, tiếp tục mức giảm 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Hàng nghìn tỷ đồng tồn kho của loạt DN thuỷ sản
Trước bối cảnh trên, doanh nghiệp thuỷ sản phải đối mặt với bài toán mang tên hàng tồn kho bởi sẽ gặp phải bài toán lớn liên quan đến hàng tồn kho, vì đặc thù nhạy cảm, không thể lưu trong lâu ngày.
Đứng đầu trong số các doanh nghiệp sở hữu lượng hàng tồn kho lớn nhất tính đến cuối tháng 12/2022 là Công ty Cổ phần Thuỷ sản Minh Phú (HoSE: MPC). Theo đó, lượng hàng tồn kho của Minh Phú đạt 5.045 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ. Trong đó chiếm phần lớn là thành phẩm và hàng hoá với 95,6% cơ cấu hàng tồn kho.
Nối gót Minh Phú, Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) ghi nhận chỉ số hàng tồn kho tăng 65% so với đầu năm, đạt gần 3.113 tỷ đồng. Trong đó, giá thành phẩm tăng mạnh từ 699 tỷ đồng vào đầu năm lên 1.468 tỷ đồng vào cuối năm, tương đương tăng 110%. Tuy nhiên, công ty cũng dành ra khoản dự phòng hơn 400 tỷ đồng cho số thành phẩm trên, tăng 359% so với số đầu năm.
Là một trong các doanh nghiệp lớn trong ngành thuỷ sản, Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) ghi nhận khoản tồn kho với 3.041 tỷ đồng. Nếu so với đầu năm, lượng hàng tồn kho đã tăng 20% so với đầu năm. Tăng phần lớn đến từ giá thành phẩm, nguyên vật liệu, hàng hoá và hàng mua đang đi trên đường. Bên cạnh đó, dự phòng giảm giá hàng tồn kho tính đến ngày 31/12/2022 là 91,6 tỷ đồng, tăng hơn so với 89 tỷ đồng tại cuối năm 2021.
Tương tự, xu hướng tăng trong hàng tồn kho cũng xuất hiện tại Công ty Cổ phần Nam Việt (HoSE: ANV). Theo đó, chỉ số này tại Nam Việt vào ngày 31/12/2022 là 2.342 tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng tài sản. Cũng giống các doanh nghiệp thuỷ sản khác trong ngành, Nam Việt cũng gia tăng khoản trích lập dự phòng với 8,7 tỷ đồng, trong khi con số này ở đầu năm chỉ là 3,8 tỷ đồng.
Hàng tồn kho tăng mạnh không phải là câu chuyện mới của các doanh nghiệp ngành thuỷ sản. Trước đó vào năm 2020, các doanh nghiệp này cũng từng phải “chiến đấu” với giá trị hàng tồn kho tăng do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Hàng tồn kho luân chuyển chậm trong 2023
Trong báo cáo mới đây, Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu tư của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) cho rằng năm 2023 lạm phát sẽ tiếp tục là một thách thức trong bối cảnh hàng tồn kho còn lại luân chuyển chậm.
Mặc dù các sự kiện lớn mang tính mùa vụ tại Mỹ đang đến, các chuyên gia SSI Research cho rằng những sự kiện này sẽ không làm giảm lượng hàng tồn kho đang ở mức cao.
“Chúng tôi dự báo hàng tồn kho sẽ được xử lý hoàn toàn vào khoảng quý III năm 2023, với các đơn đặt hàng bắt đầu nhận được vào thời điểm đó. Trong bối cảnh người tiêu dùng giảm mức tiêu thụ, chúng tôi cho rằng doanh thu cá tra sẽ ít bị ảnh hưởng hơn so với doanh thu tôm”, chuyên gia SSI Research nhận định.
Việc Trung Quốc mở cửa trở lại là chất xúc tác cho ngành vào năm 2023. Mặc dù cần thêm thời gian để đánh giá tác động định lượng của việc Trung Quốc mở cửa trở lại đối với hoạt động xuất khẩu cá tra, điều này sẽ có lợi cho doanh thu của ngành vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam.
Tuy nhiên, Trung Quốc là một thị trường nhạy cảm về giá và giá bán bình quân sang thị trường này luôn ở mức thấp hơn khoảng 40% so với giá bán bình quân sang thị trường Mỹ. SSI Research cho rằng doanh thu từ thị trường Trung Quốc sẽ bù đắp một phần cho sự suy giảm doanh thu từ Mỹ và EU, nhưng không đủ để mang lại cơ hội phục hồi lợi nhuận của các công ty trong nửa đầu năm 2023. Điều này có thể là do mức lợi nhuận so sánh cao vào năm 2022.
“Chúng tôi vẫn quan ngại về mức độ không chắc chắn xung quanh các chính sách mở cửa trở lại của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện tại, chúng tôi dự báo lợi nhuận của các công ty cá tra sẽ giảm trong năm 2023”, SSI Research nhận định.
Tác giả: Nguyễn Phương Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy