Ông Nguyễn Ngọc Tấn phải rửa rau ngay dưới kênh có nguồn nước dơ bẩn dùng cho mọi sinh hoạt trong gia đình. Ảnh: Bắc Bình
Dù đã đóng gần 1 triệu đồng để được đấu nối đường ống dẫn nước từ giếng khoan của DNTN Nam Anh vào nhà, nhưng khoảng 2 tháng nay, hơn 300 hộ dân ấp Tân Bường B, xã Tân Phong, H.Cai Lậy (Tiền Giang) phải dùng nước kênh dơ bẩn phục vụ sinh hoạt gia đình.
Từ tháng 3/2018 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Lộc (54 tuổi, ấp Tân Bường B, xã Tân Phong - thường gọi là cù lao Tân Phong) phải dùng nước dưới dòng kênh nhỏ đầy rác phục vụ sinh hoạt. Mỗi ngày, canh lúc thủy triều lên, ông Lộc bơm nước dưới kênh lên chứa vào hồ, sau đó dùng phèn chua khử bớt mùi tanh hôi để tắm giặt, nấu ăn…
“Lúc đầu mua nước đóng bình uống, tắm giặt bằng nước sông nhưng gần đây tôi lắng nước sông nấu uống cho đỡ tốn tiền. Biết là xài nguồn nước này không tốt cho sức khỏe nhưng cũng hết cách rồi”, ông Lộc chua chát.
Gia đình ông Lộc ở gần ống cống thông qua tuyến đê dẫn nước từ sông Tiền vào nội đồng nên nguồn nước sông tại ống xả thải của nhà ông có phần “sạch” hơn so với các hộ dân sống ở ngọn kênh. Càng sâu vào trong kênh, nước chảy yếu dần, rác tràn xuống kênh, gồm rác thải sinh hoạt xen những lọ thuốc dùng trong nông nghiệp… Mặc dù dòng nước kênh không hợp vệ sinh nhưng nhiều hộ nhà xa kênh cũng không lấy nước được, đành phải lấy nước đục ngầu từ các mương vườn của mình.
Bà Trần Thị Muộn, em ruột bà Trần Thị Tây, một hộ dân khốn khổ vì nguồn nước giếng khoan của DNTN Nam Anh, nói: “Chị tôi lớn tuổi, sống một mình và tôi đã ở đây với chị ấy hơn 10 ngày qua. Chị tôi không tự xuống kênh lấy nước được, phải xài nhờ nước hàng xóm bơm lên. Con tôi tắm bằng nguồn nước này khiến da bị mẩn ngứa, khóc suốt đêm. Sợ chị bệnh bất tử nên tôi nấn ná ở lại, ngóng có nước sạch trở lại mới an tâm về”.
Ông Lê Văn Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tân Phong, cho biết toàn xã có 3.471 hộ dân, trong đó nước sinh hoạt của hơn 2.000 hộ do 4 giếng khoan ở độ sâu trên 100 m của DNTN Nam Anh cung cấp gần 10 năm qua. Từ tháng 3/2018, giếng khoan tại ấp Tân Bường B của DN này xảy ra hiện tượng sụp tầng, nước bơm lên toàn cát đã ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của hơn 300 hộ dân tại đây.
Sau đó, DNTN Nam Anh khoan thêm một giếng khác cách vị trí cũ khoảng 1km nhưng nước bơm lên bị mặn, màu đục ngầu, bốc mùi bùn sình không sử dụng được. Sau đó, DN tiếp tục khoan thêm giếng khác nhưng nước bơm lên vẫn không sử dụng được. Hiện DNTN Nam Anh đang chuẩn bị khoan thêm giếng nữa, hy vọng nước sẽ dùng được.
“Giải pháp trước mắt là để DN khoan thăm dò thêm, nhưng chúng tôi cũng không loại trừ mỏ nước tại đây đã cạn. Thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ mời các ngành chuyên môn đánh giá chính xác hơn trữ lượng nước còn lại để có giải pháp về nước sinh hoạt mang tính hiệu quả lâu dài cho người dân”, ông Bình nói.
Trao đổi với PV ngày 19/5, ông Phan Văn Thiện, chủ DNTN Nam Anh, khẳng định nếu giếng khoan ở độ sâu gần 500m tiếp theo may mắn trúng mạch nước dùng được thì ít nhất cũng hơn 15 ngày mới bán tiếp cho người dân ấp Tân Bường B sử dụng. “Khoan không được chỗ này lại khoan thăm dò tiếp chỗ khác đến khi trúng mạch nước ngọt thì thôi, chứ đấu nối chia sẻ nguồn nước từ các giếng ở ấp khác sang đường ống ở ấp Tân Bường B sẽ bị khách hàng ở đó phản ứng ngay”, ông Thiện thông tin thêm.
Theo Thanh niên
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy