Dòng sự kiện:
Hàng trăm tàu cuốc ngang nhiên giăng kín sông Đà hút cát, xã hội đen vào tận nhà đe doạ dân
24/05/2017 11:22:51
Hơn một tháng qua, khúc sông Đà chảy qua địa phận 2 xã Hợp Thành và Hợp Thịnh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) luôn có vài chục cho đến cả trăm tàu cuốc, tàu hút cát hoạt động ngày đêm, khiến dư luận bức xúc.

Hơn 1 tháng qua, người dân của 2 xã Hợp Thành và Hợp Thịnh, tỉnh Hòa Bình đã gõ cửa các cơ quan chức năng từ cấp địa phương đến cấp tỉnh để kêu cứu về tình trạng khai thác cát vô tội vạ tại địa phương.

Xã hội đen đến tận nhà đe dọa dân

Trao đổi với PV VTC News, nhiều người dân xóm Thông, xóm Tân Lâp (xã Hợp Thịnh, huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) bức xúc cho biết từ khoảng đầu tháng 4/2017, trên khúc sông Đà chảy qua địa phận xã Hợp Thịnh và Hợp Thành xuất hiện hàng trăm tàu cuốc và tàu hút cát khai thác ngày đêm.

Các tàu hút cát hoạt động ngày đêm khiến người dân bức xúc.

Trước đây, tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra nhưng không rầm rộ như bây giờ. Có thời điểm, người dân đếm được trên khúc sông dài khoảng 3km có đến cả trăm tàu cuốc và hút cát cùng hoạt động.

Chỉ trong 1 tháng khai thác, đoạn bãi ven sông của 2 xã đã bị sạt lở nghiêm trọng, nhiều diện tích canh tác và hoa màu của người dân bị lở xuống lòng sông. Con sông hiền hòa bao bọc người dân bao đời nay hiện giờ ô nhiễm vì dầu máy của các tàu xả ra loang loáng khắp mặt sông. Tàu cuốc cát đào bới thành nhiều hố sâu ăn vào bờ, nước đục ngầu, tôm cá cũng không sống nổi.

Việc khai thác ngày đêm còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân.

Anh Ngọ (thôn Tân Lâp, xã Hợp Thịnh) cho biết, từ khi hàng trăm tàu cát về tập trung khai thác ngày đêm, gần như bà con các xóm của 2 xã nằm dọc theo con sông không thể ngủ nổi. Tiếng máy móc, tiếng tàu cuốc, hút cát ầm ầm cả đêm như trống đánh bên tai không thể chịu nổi.

Video: Người dân kể lại giây phút bị cát tặc đến nhà hành hung

Nhiều người dân địa phương xác nhận, sau khi người dân phản ánh, chính quyền cũng cử đoàn công tác xuống kiểm tra nhưng rồi đâu lại vào đấy, tàu cát vẫn kín sông, nạo, hút, khai thác ngày đêm. Còn người dân thì bị một nhóm đối tượng lượn lờ, đe dọa vì dám lên tiếng.

Tàu hút cát giăng kín sông

Ghi nhận thực tế của PV VTC News, tại đoạn sông mà người dân phản ánh, mặc dù người dân đã làm đơn lên các cơ quan chức năng nhưng từ đầu và giữa tháng 5/2017, trên đoạn sông vẫn duy trì hàng chục, có hôm lên tới hàng trăm tàu hút cát.

Video: Tàu khai thác cát giăng kín khúc sông 

Tại Giấy phép số 20/QĐ-UBND ngày 21/04/2015, của UBND tỉnh Hòa Bình, do ông Bùi Văn Khánh ký đã cho phép Công ty CP Khai khoáng SHAHARA (Khu 5, Thị trấn Kỳ Sơn (Kỳ Sơn, Hòa Bình) được khai thác cát dưới lòng sông Đà làm vật liệu xây dựng tại xóm thông, xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Trong đó, diện tích khai thác là 75 ha, được giới hạn bởi các điểm D,E,G,H,K có tọa độ xác định, độ sâu khai thác là +4 m, trữ lượng địa chất 5.500.000 m3, công xuất tối đa cho phép là 230.000 m3/năm, thời hạn khai thác là 24 năm.


Một nhóm tàu đang khai thác.

Theo Văn bản số 369/ĐK ngày 04/05/2017, của Công ty CP Khai khoáng SHAHARA, do bà Nguyễn Thị Thảo, Tổng giám đốc ký, gửi Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở GTVT, UBND huyện Kỳ Sơn, UBND xã Hợp Thịnh về việc đăng ký số lượng phương tiện, giờ khai thác cát, sỏi, thể hiện rõ: DN này đăng ký 15 tàu phục vụ khai thác.

Trong đó, thường xuyên hoạt động 08 tàu, 07 tàu duy tu bảo dưỡng, khai thác trong vòng 12 tháng với thời gian khai thác từ 05h đến 19h hàng ngày; phương pháp khai thác là tàu hút, tàu quốc, cẩu cùng sản lượng khai thác cho phép là 230.000 m3/năm.

Giấy phép khai thác khoáng sản số 51/QĐ-UBND ngày 11/12/2013, do ông Trần Đăng Ninh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình ký, cho phép Công ty TNHH Xây dựng Hùng Yến được khai thác cát trên Sông Đà làm vật liệu xây dựng thông thường (tại xã Hợp Thành, Kỳ Sơn, Hòa Bình).

Giấy phép nêu rõ: Phương tiện khai thác là dùng tàu hút bùn đến định vị ở gương khai thác đầu tiên, tạo diện khai thác với kích thước rộng 20-25 m. Hút cát bằng máy bơm cao áp qua các đầu hút, khai thác cát từ phía hạ lưu lên thượng lưu, các thông số dải khai thác: rộng BK=20-25M, cao HK=3-13.5 tùy theo độ sâu ngập nước của cát.

Phương thức khai thác là dùng tàu hút, vận chuyển, tiêu thụ theo đúng thiết kế đã được phê duyệt, độ sâu khai thác là +4 m, trữ lượng địa chất: 898.000 m3, với công xuất tối đa cho phép là 27.000 m3/năm trong thời hạn 24 năm.

Thế nhưng, ghi nhận hoạt động khai thác trên khúc sông này, số lượng tàu khai thác cát đã vượt quá nhiều lần so với giấy phép. Thế nhưng, không hiểu vì lý do gì mà chính quyền làm ngơ cho sai phạm này ngang nhiên tồn tại, để ngày đêm hàng trăm tàu khai thác vẫn tận thu tài nguyên, tận diệt sông Đà và gây bức xúc cho nhân dân?.

Thủ tướng: Cấm khai thác cát trái phép, khai thác quá mức

Ngày 18/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Không phải Thủ tướng Chính phủ cấm hết việc khai thác cát, nhưng cấm ở chỗ là khai thác trái phép, khai thác quá mức".

Trước tình trạng "cát tặc" hoành hành đã gây ra nhiều bức xúc đối với người dân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Giao thông dừng cấp phép các dự án nạo vét luồng sông.

 

Theo VTC news

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến