Dòng sự kiện:
Hàng triệu tấn rác chôn lấp, TP HCM tìm cách xử lý ra sao?
10/08/2019 18:30:24
Hiện nay, tại TP HCM có nhiều bãi rác chôn lấp đã đóng cửa, ngưng tiếp nhận từ hơn chục năm. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến môi trường sống người dân, TP HCM khẩn trương tìm cách xử lý…

5,3 triệu tấn rác cần xử lý gấp

Ngày 10/8, tại cuộc làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP HCM và lãnh đạo UBND TP HCM với doanh nghiệp, nhà khoa học nghe đề xuất giải pháp xử lý các bãi chôn rác lâu năm, xử lý ô nhiễm môi trường và tạo quỹ đất phát triển đô thị, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho biết, đơn vị đã phối hợp với các sở ban ngành đi khảo sát tất cả các bãi rác chôn lấp trên địa bàn thành phố.

Hiện trạng bãi chôn lấp rác Gò Cát. Ảnh Văn Minh

Ông Thắng cho biết thêm, căn cứ vào tiêu chuẩn về môi trường để lập đề xuất những bãi rác nào đủ điều kiện để có thể mời gọi đầu tư và xử lý nhằm dùng quỹ đất đó để phát triển kinh tế xã hội.

Trong đó, bãi chôn lấp rác Gò Cát (Bình Tân) có diện tích 25ha (diện tích chôn lấp 17,5ha), chia là 5 hố chôn rác. Bãi rác đã đạt đến công suất thiết kế là 5,3 triệu tấn rác và đã đóng cửa từ năm 2007. Hiện nay, TP HCM đã mời gọi các nhà đầu tư tham gia đấu thầu để xử lý bãi chôn lấp rác này.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM. Ảnh Văn Minh

Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã khảo sát thành phần rác chôn lấp tại bãi. Trong đó, chất hữu cơ dễ phân hủy trên 800.000 tấn, chất hữu cơ khó phân hủy trên 700.000 tấn, nhựa chiếm gần 400.000 tấn, kim loại màu khoảng 60.000 tấn,…còn lại là các thành phần mùn đất.

Là một trong số nhiều doanh nghiệp hiến kế, đề xuất các giải pháp xử lý bãi rác chôn lấp, ông Nguyễn Công Hồng, Tổng giám đốc Cty CP Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland cho biết, do tính chất rác đã chôn lấp, hữu cơ phân hủy thành mùn đất, cộng với lượng đất phủ bãi rác…nên công nghệ đốt tất cả các thành phần trong rác là không khả thi. Nếu vận chuyển đến địa điểm mới để xử lý thì sẽ phát sinh ô nhiễm thứ cấp trong quá trình vận chuyển.

Ông Nguyễn Công Hồng (đứng). Ảnh Văn Minh

Theo ông Hồng, điểm phát sinh ô nhiễm ở đâu thì xử lý tại chỗ đó, chứ không thể vận chuyển rác đang ô nhiễm đến một nơi khác để xử lý. Phía công ty trình bày các giải pháp để xử lý rác thải đã chôn lấp tại bãi rác Gò Cát (Bình Tân). Cụ thể, ông Hồng cam kết sẽ xử lý triệt để, loại bỏ rác khỏi mặt bằng chiếm giữ. Đồng thời tái sử dụng quỹ đất để xây dựng phát triển một khu đô thị xanh.

Phía công ty đề nghị TP HCM cho phép triển khai nghiên cứu, khảo sát và đề xuất phương án, giải pháp công nghệ để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm tại bãi chôn lấp rác Gò Cát, chi phí công ty tự bỏ ra.

Mời gọi người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học hiến kế

Về vấn đề chôn lấp rác của thành phố, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, người dân thành phố nói chung, các nhà khoa học, doanh nghiệp nói riêng chính là nguồn lực đóng góp các sáng kiến cho thành phố phát triển.

“Tinh thần là thành phố không bế tắc, không để bế tắc. Có vấn đề khó khăn kéo dài nếu lãnh đạo quyết tâm lắng nghe giới khoa học, giới doanh nghiệp, cần đi nước ngoài tham khảo…”, ông Nhân nói.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP HCM. Ảnh Văn Minh

Thực tế hiện nay, TP HCM có nhiều bãi rác đang sử dụng công nghệ chôn lấp rác hợp vệ sinh. Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, có những bãi rác đã chôn hàng triệu tấn rác và đang nằm đó.

Bây giờ, nhiệm vụ TP HCM phải tìm cách xử lý những bãi rác đã chôn lấp này để không tồn tại nữa, không để ô nhiễm môi trường xung quanh nữa. Ngoài ra, xử lý các bãi chôn lấp rác còn tạo ra nguồn quỹ đất để phát triển công viên cây xanh, nhà ở…

Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân đề nghị UBND TP HCM yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM ra “đầu bài” đấu thầu xử lý bãi rác, công bố đấu thầu để mời gọi các doanh nghiệp tham gia đấu thầu xử lý bãi rác. “Thành phố lắng nghe doanh nghiệp và nên gặp lại 6 doanh nghiệp trước đó đã đề xuất xử lý bãi chôn lắp rác”, ông Nhân cho biết.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, bên cạnh cuộc gặp định kỳ để nghe khó khăn, cuộc gặp định kỳ để nghe sáng kiến của người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp…để thành phố tăng tốc phát triển một cách hiệu quả.

Gấp rút xây dựng 2 nhà máy đốt rác

Đối với các dự án môi trường thành phố trong thời gian qua, TP HCM đã có chủ trương chuyển xử lý rác từ chôn là chủ yếu sang đốt và biến thành điện là chính. Phấn đấu trong tháng 9-10/2019 khởi công xây dựng 2 nhà máy đốt rác thành điện (mỗi nhà máy đốt 2000tấn/rác). Hiện nay, lượng rác thu gom hàng ngày trên địa bàn TP HCM khoảng 9.000 tấn rác, đang tạo áp lực nặng nề về hạ tầng tiếp nhận, xử lý.

Theo Tiền phong

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến