Dòng sự kiện:
Hàng tỷ USD của Nga bị mắc kẹt trong các ngân hàng Ấn Độ
20/09/2023 16:48:14
Các nhà phân tích đánh giá lựa chọn duy nhất của Nga lúc này là sử dụng số tiền đang "mắc kẹt" tại các ngân hàng của Ấn Độ để chi tiêu hoặc đầu tư vào chính Ấn Độ.

Hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc bán dầu của Nga đang "mắc kẹt " trong các ngân hàng Ấn Độ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Hãng Bloomberg đưa tin hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc bán dầu của Nga đang "mắc kẹt " trong các ngân hàng Ấn Độ. Vấn đề này có thể gây ảnh hưởng bất lợi cho Chính phủ Nga khi đang nỗ lực ngừng sử dụng đồng USD trong thương mại quốc tế.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Nga, như dầu thô, vàng và lúa mì thường được giao dịch trên toàn cầu bằng USD - đồng tiền dự trữ của thế giới.

Tuy nhiên, hệ thống tài chính của Nga về cơ bản bị cô lập bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây, khiến Nga không thể thực hiện các giao dịch bằng "đồng bạc xanh", dẫn đến những hạn chế thương mại quốc tế.

Bloomberg cho biết Nga đã cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách bán dầu cho các nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ, bằng đồng nội tệ của chính các nước này - đồng nhân dân tệ và rupee.

Động thái của Nga làm dấy lên lo ngại về việc sức mạnh của đồng USD có khả năng suy yếu trên trường quốc tế. Nhưng bất chấp những nỗ lực của Nga nhằm phi đô la hóa trong thương mại song phương với Ấn Độ, mọi việc đã diễn ra không suôn sẻ.

Khoảng hai năm gần đây, Nga đã trở thành một trong những nhà cung cấp dầu hàng đầu cho Ấn Độ và đạt doanh thu hàng tỷ USD. Điều này dẫn đến việc tích lũy tài sản bằng đồng rupee của Nga lên tới 1 tỷ USD mỗi tháng tại các ngân hàng Ấn Độ.

Tuy nhiên, khó khăn là Nga không thể tiếp cận được khoản tiền này do Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI tức ngân hàng trung ương) ra quy định hạn chế việc chuyển toàn bộ đồng rupee được lưu trữ trong các tài khoản ngân hàng ở Ấn Độ sang Nga, cũng như hạn chế cho phép chuyển chúng thành đồng ruble.

Chuyên gia Aditya Bhan của Tổ chức Nghiên cứu Observer - một tổ chức tư vấn toàn cầu - cho biết Ấn Độ vận hành một tài khoản vốn có thể chuyển đổi một phần, nghĩa là đồng rupee có thể được hoán đổi một phần thành ngoại tệ và ngược lại. Tuy nhiên, mức hoán đổi sẽ bị hạn chế bởi một vài lý do nhất định.

Theo vị chuyên gia này, những lo ngại về sự ổn định của tỷ giá hối đoái là trở ngại chính đằng sau sự hạn chế của Chính phủ Ấn Độ trong việc cho phép chuyển đổi tiền tệ. Ông nhấn mạnh giá cả ổn định là điều kiện tiên quyết quan trọng nhất để quốc tế hóa một loại tiền tệ.

Hơn nữa, việc quốc tế hóa đồng rupee có thể làm hạn chế khả năng quản lý nguồn cung tiền trong nước của RBI và gây ảnh hưởng đến lãi suất trong nước trong bối cảnh kinh tế vĩ mô hiện tại.

Hãng tin Reuters nhận định quy định giới hạn chuyển đổi tiền tệ của Ấn Độ có thể dẫn tới việc 39 tỷ USD của Nga đang bị “mắc kẹt” tại nước này.

Các nhà phân tích đánh giá lựa chọn duy nhất của Nga lúc này là sử dụng số tiền đang "mắc kẹt" tại các ngân hàng của Ấn Độ để chi tiêu hoặc đầu tư vào chính Ấn Độ.

Nhưng có một mối quan hệ thương mại bất cân xứng giữa New Delhi và Moskva - hàng hóa xuất khẩu từ Ấn Độ vào Nga thấp và thường là các mặt hàng ít giá trị - khiến Nga khó có thể nâng chi tiêu tại thị trường đông dân nhất châu Á.

Tháng 8/2023, cựu Bộ trưởng Tài chính Nga Mikhail Zadornov phàn nàn rằng việc không thể hoàn trả các khoản thu từ hoạt động xuất khẩu sang Ấn Độ là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự mất giá của đồng ruble trong những tháng gần đây.

Ông Zadornov nói Nga đã cung cấp dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ trị giá 30 tỷ USD cho Ấn Độ trong nửa đầu năm 2023 và nhập khẩu từ Ấn Độ ước tính khoảng 6-7 tỷ USD mỗi năm. Thâm hụt thương mại quá cao, đi kèm với việc doanh thu bằng đồng rupee của Nga “mắc kẹt” tại Ấn Độ đã khiến đồng ruble suy yếu./.

Tác giả: Diệu Linh

Theo: TTXVN
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến