Bị cáo Nguyễn Văn Tứ (cựu Chánh Văn phòng Thành ủy Hà Nội, cựu Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội) tại phiên xét xử ngày 27/12. (Ảnh: TTXVN)
Trong phần thẩm vấn tại phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng 6 bị cáo trong vụ án can thiệp trái pháp luật, tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường trúng thầu, giữa các bị cáo có nhiều lời khai mâu thuẫn nhau.
Mặc dù bị cáo Chung không thừa nhận đã chỉ đạo cấp dưới “ưu ái” cho Công ty Nhật Cường, nhưng lời khai của các bị cáo khác đã khẳng định cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhiều lần chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện giúp Công ty Nhật Cường trúng thầu.
Chỉ đạo dừng thầu trái pháp luật
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ (nguyên Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) khai đầu năm 2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội phê duyệt kế hoạch thực hiện gói thầu số hóa với kinh phí dự toán hơn 42 tỷ đồng.
Sở tổ chức đấu thầu rộng rãi và dự kiến tổ chức mở thầu, xét thầu vào ngày 16/5/2016. Đến trước thời điểm đóng thầu, 4 nhà thầu nộp hồ sơ tham dự, không có Công ty Nhật Cường.
Tối 15/5/2016, gần một ngày trước khi đóng thầu, bị cáo Chung hai lần gọi điện thoại cho bị cáo Tứ yêu cầu đình chỉ gói thầu số hóa năm 2016. Đến đầu giờ sáng 16/5/2016, trong khi Sở Kế hoạch và Đầu tư đang họp giao ban, có sự tham gia của ban giám đốc, các trưởng phòng, giám đốc trung tâm, bị cáo Chung tiếp tục gọi điện cho bị cáo Tứ chỉ đạo, đình chỉ, dừng thực hiện đấu thầu gói thầu số hóa năm 2016.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, bị cáo Tứ đã giao cho cấp dưới dừng thực hiện gói thầu trên. Sau đó, bị cáo Nguyễn Tiến Học ký Thông báo số 2109 ngày 16/5/2016 gửi các nhà thầu về việc tạm dừng triển khai lựa chọn nhà thầu gói thầu, với căn cứ dựa vào Điều 73, 74 Luật Đấu thầu và “chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.”
Bị cáo Tứ đã ký văn bản số 641 gửi bị cáo Nguyễn Đức Chung, nêu rõ việc triển khai thực hiện gói thầu số hóa năm 2016 đủ các điều kiện để mở thầu theo quy định. Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc tạm dừng đối với gói thầu trên, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo tới các nhà thầu về việc tạm dừng triển khai lựa chọn nhà thầu gói thầu số hóa năm 2016.
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ cho rằng bị cáo Chung chỉ đạo rất quyết liệt nên bị cáo nghĩ nếu không cho dừng thì bị cáo sẽ phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố còn là Trưởng ban Ban Chỉ đạo Công nghệ thông tin của thành phố; bị cáo Tứ là thành viên của Ủy ban Nhân dân thành phố, chịu sự chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố.
Bị cáo Tứ thừa nhận việc cho dừng thầu là không đúng nhưng không nghĩ là có thể gây hậu quả nghiêm trọng, có nguy cơ gây thiệt hại. “Nếu biết có thiệt hại như hôm nay, tôi sẽ không bao giờ thực hiện," bị cáo Tứ nói.
Chưa có cơ sở dữ liệu dùng chung đã yêu cầu tích hợp
Tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Tứ khai ngày 25/5/2016, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội có Thông báo số 145/TB-UBND về kết luận của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố tại cuộc họp giao ban chuyên đề về công nghệ thông tin, trong đó có nội dung “Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công nghệ số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp đảm bảo tích hợp với hệ thống chung của thành phố.”
Cựu Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khai báo trước tòa. (Ảnh: TTXVN)
Tuy nhiên, trên thực tế, vào thời điểm đó chưa có Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, song bị cáo Chung lại yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn công nghệ để tích hợp được với hệ thống này.
Để tích hợp cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp và hộ kinh doanh vào Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng Hệ thống phần mềm quản lý toàn bộ các doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn thành phố Hà Nội để lưu trữ tài liệu đã scan với mục đích đáp ứng được yêu cầu tích hợp vào “Hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung của thành phố khi được xây dựng.”
Mặt khác, tại Văn bản số 79 ngày 12/1/2021 của Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội xác định hiện tại Sở Thông tin và Truyền thông đang trong quá trình rà soát để trình Ủy ban Nhân dân thành phố ban hành quy định theo Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 9/4/2020 của Chính phủ nên thành phố Hà Nội “chưa hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung.”
Thí điểm không đạt vẫn được “tạo lợi thế”
Ngày 30/7/2016, Bùi Quang Huy tiếp tục gửi email cho bị cáo Chung đề xuất dừng tất cả gói thầu số hóa trên địa bàn Hà Nội để giao cho Công ty Nhật Cường thực hiện. Việc này sẽ "mang lại một khoản thu nhập cho công ty."
Huy còn cho rằng Hà Nội làm đơn lẻ sẽ không tích hợp được vào hệ thống dùng chung của thành phố. Hiện Công ty Nhật Cường đã làm xong thủ tục độc quyền phân phối công nghệ số hóa ABBYY của Cộng hòa Liên bang Nga.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc đưa công nghệ mới hiện đại trong việc số hóa cơ sở dữ liệu doanh nghiệp, ngày 1/8/2016, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cùng đại diện Nhật Cường Software (một Công ty trong hệ thống Nhật Cường của Bùi Quang Huy) trao đổi, làm việc về thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và giải pháp về đăng ký doanh nghiệp qua mạng. Nhật Cường Software đã đồng ý thực hiện thí điểm.
Ngay sau đó, bị cáo Tứ đã ký văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố và cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Nguyễn Đức Chung, trong đó nêu rõ thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã làm việc với Nhật Cường Software và đề nghị chấp thuận Công ty Nhật Cường thực hiện thí điểm số hóa hồ sơ đăng ký doanh nghiệp theo giải pháp kỹ thuật công nghệ mà doanh nghiệp đề xuất và thực hiện miễn phí...
Sau ba tháng thí điểm, bị cáo Tứ đã báo cáo thành phố và kết luận Nhật Cường Software mới hoàn thành được việc scan văn bản, vẫn chưa hoàn thành xây dựng công cụ đồng bộ tự động để cập nhật số hồ sơ sau khi được scan lên Hệ thống thông tin đăng ký kinh doanh quốc gia theo quy định.
Mặc dù kết quả thí điểm không đạt yêu cầu, nhưng bị cáo Tứ vẫn đề xuất hoàn thiện hồ sơ lựa chọn nhà thầu (có bổ sung cập nhật thêm vào hồ sơ mời thầu những yêu cầu về giải pháp, tiêu chuẩn kỹ thuật số hóa tài liệu đã thực hiện thí điểm thời gian qua), thêm yêu cầu phải cập nhật hệ thống dữ liệu dùng chung thành phố trong khi thành phố chưa có hệ thống dữ liệu dùng chung để sửa đổi hồ sơ mời thầu, tạo lợi thế cho Liên danh Nhật Cường-Đông Kinh trúng thầu gói thầu số hóa năm 2016, vi phạm quy định về lập hồ sơ mời thầu.
Bị cáo Nguyễn Văn Tứ thừa nhận thực hiện hành vi nêu trên với mục đích là để thực hiện theo chỉ đạo của bị cáo Nguyễn Đức Chung, đồng thời để Công ty Nhật Cường tham gia, trúng thầu vì qua giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố thì Công ty Nhật Cường là đối tác tin cậy, có mối quan hệ mật thiết với Ủy ban Nhân dân thành phố. Ngoài ra, bị cáo Tứ còn khai, quá trình thực hiện gói thầu, bị cáo Chung đã chỉ đạo cho chỉ định thầu nhưng bị cáo Tứ không đồng ý.
Dùng công ty gia đình lập khống hợp đồng
Tại phiên tòa, Lê Duy Tuấn (Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư và phát triển Đông Kinh) khai đã được Bùi Quang Huy chỉ đạo phối hợp với các nhân viên của Công ty Nhật Cường lập “khống” Hợp đồng cung cấp và triển khai phần mềm ERP số 06-2015/HĐPM/NC-MH ngày 28/12/2015 giữa Công ty Nhật Cường với Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Minh Hoa (Công ty Minh Hoa, do bà Nguyễn Thị Trúc Chi Hoa, vợ bị cáo Nguyễn Đức Chung, làm giám đốc ) để đưa vào hồ sơ năng lực, tham gia đấu thầu.
Các bị cáo tại phiên xét xử. (Ảnh: TTXVN)
Trước đó, tại cơ quan điều tra, lời khai của một số nhân viên của Nhật Cường Software cũng khẳng định việc đã giúp sức cho bản hợp đồng khống này.
Võ Minh Hiếu (nguyên Giám đốc Nhật Cường Software) là người trực tiếp cài đặt miễn phí phần mềm ERP cho Công ty Minh Hoa theo chỉ đạo của Huy. Ngoài ra, Lê Duy Tuấn còn gửi mail, kèm theo 3 file đính kèm: “Hợp đồng NC-MH” “Biên bản thanh lý hợp đồng.doc,” “Biên bản xác nhận công việc.doc,” “Biên bản hoàn thành UAT.doc” cho một số nhân viên của Nhật Cường Software để kiểm tra lại thể thức, nội dung, sửa lỗi và hoàn thiện văn bản trình Bùi Quang Huy ký, sau đó mang sang cho đại diện Công ty Minh Hoa ký.
Sau khi Sở Kế hoạch và Đầu tư ký hợp đồng với Liên danh Nhật Cường-Đông Kinh, Bùi Quang Huy đã chuyển nhượng 100% công việc theo nội dung hợp đồng đã ký kết cho Công ty Đông Kinh thực hiện với giá hơn 29 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng số tiền Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thanh toán cho Công ty Nhật Cường là gần 43 tỷ đồng.
Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát, hành vi vi phạm các quy định về đấu thầu của các bị cáo đã làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, dẫn đến hiệu quả, mục đích, yêu cầu gói thầu không đạt được (chỉ có 45% tài liệu hồ sơ được đẩy lên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp), gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng./.
Tác giả: Kim Anh
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy