Dòng sự kiện:
Hành vi đòi nợ thuê kiểu giang hồ của công ty luật xử phạt thế nào?
27/02/2023 08:01:07
Với việc đòi nợ bằng cách thức đe dọa giết vợ, con, người thân của người vay tiền, để buộc họ trả nợ..., luật sư Hùng cho rằng, hành vi này của các đối tượng đã có dấu hiệu của “tội cưỡng đoạt tài sản”.

Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố, bắt tạm giam 5 bị can và tạm giữ hình sự 10 nghi phạm (đều là người của Công ty luật TNHH Pháp Việt, trụ sở ở đường Lê Văn Huân, P.13, Q.Tân Bình, TP.HCM) để điều tra hành vi cưỡng đoạt tài sản. Theo Công an tỉnh Tiền Giang, hành vi của Ban Giám đốc và nhân viên Công ty luật TNHH Pháp Việt đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản; và có dấu hiệu của tội khủng bố, được quy định tại điều 299 bộ luật Hình sự. Nhóm bị can và nghi phạm khai nhận Công ty luật TNHH Pháp Việt "núp bóng" công ty tư vấn luật, có quan hệ hợp tác với một số ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa hợp đồng trợ giúp pháp lý, do Trần Văn Châu và Hồ Quốc Hùng (cùng là phó giám đốc) cầm đầu.

Pháp luật cấm đòi nợ thuê

Về hình thức một số tổ chức hành nghề luật sư (TCHNLS) thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê, luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật TNHH A&H – Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, theo quy định Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012, các tổ chức hành nghề luật sư (trong đó có các công ty luật) được phép cung cấp dịch vụ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các tổ chức, cá nhân trong việc giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện, hoặc các vấn đề pháp lý khác liên quan đến quan hệ cho vay tài sản. Đó có thể là các dịch vụ tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng hoặc tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự hoặc hình sự, hoặc các hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp cho khách hàng thực hiện các công việc khác theo quy định của pháp luật.

Lực lượng chức năng khám xét và làm việc với các đối tượng trong vụ Công ty luật TNHH Pháp Việt đòi nợ thuê

Tuy nhiên, các hoạt động này phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam, và đặc biệt là chỉ được “sử dụng các biện pháp hợp pháp để bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng” (Điều 5 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Luật sư Hùng nhấn mạnh, khi cung cấp các dịch vụ pháp lý cho khách hàng thì các tổ chức hành nghề luật sư và các luật sư không được thực hiện các hành vi trái pháp luật, không được “lợi dụng việc hành nghề luật sư, danh nghĩa luật sư để gây ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” (Khoản 1 Điều 9 Luật luật sư năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012).

“Việc Công ty Luật TNHH Pháp Việt (trụ sở trên đường Lê Văn Huân, quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng các nhân sự không phải là luật sư, không có chuyên môn pháp lý, để thực hiện hành vi đòi nợ theo kiểu “xã hội đen”, có tính chất khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản sẽ không thể coi là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư. Thực chất đây là các đối tượng “đột lốt” luật sư, lợi dụng danh nghĩa tổ chức hành nghề luật sư và hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư để lách luật, thực hiện dịch vụ đòi nợ thuê trái pháp luật”- luật sư Hùng phân tích.

Với việc đòi nợ bằng cách thức đe dọa, đe dọa giết vợ, con, người thân của người vay tiền, đưa quan tài, bình gas đến nhà họ để uy hiếp tinh thần, đe dọa cho nổ cơ quan của người vay tiền để buộc họ trả nợ, luật sư Hùng cho rằng, hành vi này của các đối tượng đã có dấu hiệu của “tội cưỡng đoạt tài sản” (Điều 170 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017). Theo đó: “Người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản”, thì sẽ bị phạt tù từ 01 năm đến 20 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Cần làm rõ vai trò của các ngân hàng trong vụ việc

Cùng với đó, thông tin do các cơ quan báo chí phản ánh Công ty Luật TNHH Pháp Việt đã hợp tác với một số tổ chức ngân hàng, công ty tài chính dưới danh nghĩa trợ giúp pháp lý để xử lý nợ xấu. Về vấn đề này, việc các ngân hàng hoặc công ty tài chính ký kết và thực hiện các hợp dồng dịch vụ pháp lý, để nhờ sự trợ giúp pháp lý của luật sư trong quá trong trình xử lý các khoản nợ là hoàn toàn hợp pháp, được pháp luật cho phép. Tuy nhiên, các hoạt động này phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Các bên không được phép lợi dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư để thực hiện các hành vi trái pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân khác.

Do đó, Cơ quan điều tra cũng cần phải làm rõ vai trò và trách nhiệm của các ngân hàng, công ty tài chính và các cá nhân (thuộc các tổ chức này) có liên quan trong vụ việc (nếu có). Nếu họ đã biết rõ hoặc có sự cấu kết, thông đồng với các đối tượng trong việc sử dụng các biện pháp trái pháp luật, có tính chất cưỡng đoạt tài sản để thu hồi nợ, thì các cá nhân có liên quan thuộc các ngân hàng và công ty tài chính này đã có dấu hiệu đồng phạm trong hành vi cưỡng đoạt tài sản, và cần phải được xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật.

Trước những tiêu cực của hoạt động đòi nợ thuê, để ngăn chặn các hoạt động đòi nợ thuê có tính chất đe dọa, khủng bố tinh thần, cưỡng đoạt tài sản, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín của bên vay, làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, thì Luật đầu tư năm 2020 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2021), tại điểm h Khoản 1 Điều 6 đã quy định “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” là ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh.

Để đối phó với quy định cấm này, các băng nhóm, đối tượng đòi nợ thuê đã tìm nhiều cách thức “lách luật”, sử dụng “vỏ bọc” là các hoạt động hợp pháp khác như: Bên cho vay sẽ bán các khoản nợ hoặc ủy quyền cho các tổ chức hoặc cá nhân khác để đòi nợ, hoặc chuyển sang kinh doanh dịch vụ cung cấp người lao động thời vụ, với hình thức bên cho vay sẽ thuê lại người lao động của các doanh nghiệp này, để thực hiện việc đòi nợ.v.v.. Trong đó, hình thức thành lập Công ty luật, để “núp bóng” các dịch vụ pháp lý của luật sư nhằm hoạt động đòi nợ thuê đã bắt đầu xuất hiện, và đây không phải là lần đầu tiên các đối tượng đòi nợ thuê dưới hình thức này bị phát hiện và triệt phá. Vào tháng 12/2022, Công an Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố vụ án "vu khống" để đòi nợ tại Công ty Luật TNHH Power Law (địa chỉ tại Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh).

Những hiện tượng biến tướng này, theo luật sư Hùng không chỉ gây khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý nhà nước, làm suy giảm hiệu lực của các quy định pháp luật mà còn ảnh hưởng rất tiêu cực đến hình ảnh và uy tín của đội ngũ luật sư và nghề luật sư, cũng như khiến cho các hình thức đòi nợ thuê trái pháp luật vẫn còn đất sống, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật, tự an toàn xã hội, gây bức xúc trong xã hội. Do đó, các cơ quan chức năng cần phải sớm có những giải pháp về cả mặt lập pháp, hoàn thiện các quy định pháp lý và siết chặt công tác quản lý, để có thể ngăn chặn, loại bỏ và xử lý nghiêm minh các hiện tượng biến tướng, “lách luật” rất tinh vi này./.

Tác giả: Nguyễn Hiền

Theo: VOV.vn
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến