Dòng sự kiện:
Hành vi đưa, nhận hối lộ trong đăng kiểm đường thuỷ diễn ra thế nào?
17/02/2023 18:24:25
Công an TP.HCM chưa thông tin chi tiết về khoản tiền đưa - nhận hối lộ khi kiểm định phương tiện đường thuỷ nhưng nhấn mạnh sai phạm nghiêm trọng và có từ rất lâu.

Ngày 17/2, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM tiếp tục thông tin về quá trình mở rộng điều tra tiêu cực trong ngành đăng kiểm. Theo đó, diễn biến mới là làm rõ việc chung chi trong công tác đăng kiểm phương tiện đường thuỷ nội địa.

Công an đã khởi tố 14 người liên quan đến tiêu cực trong công tác đăng kiểm phương tiện đường thuỷ nội địa, xảy ra tại Chi cục Đăng kiểm số 6 và số 9. Ảnh: CA

Trong đó có cả ông Hoàng Văn Duy - Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9 đóng ở Vũng Tàu. Ảnh: CA

Thượng tá Trần Thị Kim Lý – Chánh văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM thông tin, bước đầu xác định có những vi phạm pháp luật xảy ra tại Chi cục Đăng kiểm số 6 (số 130 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM) và Chi cục Đăng kiểm số 9 (số 102 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường Thắng Tam, TP. Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu). Đây là 2 đơn vị trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, chuyên trách đăng kiểm phương tiện đường thuỷ nội địa tại khu vực phía Nam.

Công an TP.HCM đã khởi tố 14 bị can tại 2 đơn vị trên. Cụ thể, khởi tố Thái Việt Anh, Bùi Long Khương, Phạm Mạnh Hùng, Dương Xuân Chế (là đối tượng môi giới) về tội “Đưa hối lộ” theo quy định tại Điều 364 Bộ luật Hình sự.

Công an tống đạt lệnh khởi tố đối với các bị can. Ảnh: CA

Cơ quan Công an khởi tố Hoàng Văn Duy (Giám đốc Chi cục Đăng kiểm số 9), Lê Hải Hòa, Vũ Phương Huy, Nguyễn Văn Hiển (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 9); Phạm Việt Dũng, Phạm Tiến Bình, Phạm Văn Dương, Nguyễn Văn Duẩn, Mai Ngọc Cường, Nguyễn Văn Đồng (Đăng kiểm viên Chi cục Đăng kiểm số 6) về tội “Nhận hối lộ” theo quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Thượng tá Kim Lý nói rõ, quá trình điều tra đã xác định, các đăng kiểm viên tại Chi cục Đăng kiểm số 6, số 9 đã nhận tiền từ chủ các phương tiện đường thuỷ nội địa hoặc thông qua các đối tượng môi giới, để bỏ qua sai phạm, khiếm khuyết của các ghe, tàu.

Cụ thể, khi đăng kiểm phương tiện thì các đăng kiểm viên đã không đưa ghe, tàu lên đà để kiểm tra từ bên dưới; thiếu trang thiết bị theo quy định, thiếu thiết bị PCCC, không chạy thử máy… từ đó cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện để phương tiện hoạt động.

Công an xác định, tiêu cực trong đăng kiểm phương tiện đường thuỷ cũng rất nghiêm trọng, có tổ chức và từ rất lâu. Ảnh: CA

Đại diện Công an TP.HCM không thông tin chi tiết về khoản tiền đưa - nhận hối lộ khi kiểm định phương tiện đường thuỷ nhưng nhấn mạnh sai phạm nghiêm trọng và từ rất lâu.

Tuy nhiên, có nguồn thông tin cho hay, việc chung chi trong lĩnh vực đăng kiểm phương tiện đường thuỷ cũng diễn ra lâu nay theo kiểu "luật bất thành văn", tuỳ vào từng loại phương tiện mà có những mức giá khác nhau. 

Theo thiếu tá Nguyễn Thành Hưng – Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP.HCM, việc khởi tố các cá nhân và điều tra sai phạm đang diễn ra, tuy nhiên hai đơn vị là Chi cục Đăng kiểm số 6 và số 9 vẫn tiếp tục hoạt động như bình thường. Người dân vẫn có thể đưa phương tiện đến đăng kiểm.

Công an khám xét, thu giữ nhiều tài liệu đăng kiểm phương tiện đường thuỷ. Ảnh: CA

Thượng tá Kim Lý thông tin thêm, Công an TP.HCM và các quận, huyện, TP. Thủ Đức đang cùng lúc điều tra nhiều vụ án liên quan đến tiêu cực ngành đăng kiểm đường bộ lẫn đường thuỷ. Tính đến ngày 17/2 Công an TP.HCM đã khởi tố 128 bị can và đang tiếp tục mở rộng điều tra.

Trong phạm vi cả nước, Công an TP.HCM và các tỉnh thành hiện đã khởi tố khoảng 300 bị can.

Cơ quan công an xác định, tiêu cực trong ngành đăng kiểm là có hệ thống, xảy ra từ lâu, có phạm vi rất rộng và ảnh hưởng đến đời sống dân sinh. Do đó, vụ án tiêu cực trong ngành đăng kiểm được đưa vào diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi và chỉ đạo.

 Tác giả: Đàm Đệ

Theo: Vietnamnet
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến