Tăng vốn lên ngàn tỷ, dồn vốn cho Bệnh viện Green
HĐQT CTCP Tập đoàn Hapaco (mã HAP) vừa thông qua chi tiết một số nội dung liên quan đến phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Theo đó, công ty dự kiến chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ thực hiện quyền là 1:1, giá khởi điểm bằng mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Như vậy, Hapaco dự kiến thu về 554,7 tỷ đồng nếu thuận lợi, nâng tổng vốn điều lệ công ty lên hơn 1.109 tỷ đồng.
Theo kế hoạch giải ngân vốn huy động từ đợt phát hành này, Hapaco dự định giải ngân 480 tỷ đồng để đầu tư mua cổ phần CTCP Bệnh viên Quốc tế Green (BVG) từ các cổ đông hiện hữu của BVG. Bên cạnh đó, công ty có kế hoạch giải ngân 74 tỷ đồng để mua 7,4 triệu cổ phần phát hành thêm của BVG.
Phần còn lại, Hapaco sẽ giải ngân gần 712 triệu đồng để bổ sung vốn lưu động. Cụ thể, Hapaco đang có khoản phải trả đối với Công ty TNHH Hapaco Yên Sơn 5,9 tỷ đồng và số tiền 712 triệu đồng này sẽ được dùng để thanh toán khoản phải trả cho Hapaco Yên Sơn.
Trước đó, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, Hapaco đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ thêm 69,3 triệu cổ phần chào bán cho cổ đông hiện hữu, tăng vốn điều lệ lên đến gần 1.250 tỷ đồng.
Mức giá cho mỗi cổ phần mà Hapaco chào bán cho cổ đông là khá hấp dẫn, khi cổ phiếu này đang giao dịch quanh ngưỡng 15.000 đồng/cổ phần.
Hôm nay (27/8) cũng là ngày cuối cùng cổ phiếu HAP giao dịch trên sàn HNX kể từ khi tạm chuyển nhà từ HoSE sang hồi tháng 6 vừa qua. Theo kế hoạch, ngày giao dịch đầu tiên khi về lại “nhà cũ” của cổ phiếu HAP là ngày 6/9.
Dự kiến ngày 13/9, Hapaco sẽ chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng tiền theo tỷ lệ 6%.
Đa dạng hóa danh mục đầu tư với 6 dự án lớn
Cần nhắc lại, cùng thời điểm này năm ngoái, cổ phiếu HAP đã trải qua quãng tăng điểm ấn tượng. Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/8/2020, cổ phiếu HAP tăng trần12 phiên liên tục, lên mức 6.770 đồng/cổ phiếu, với khối lượng khớp lệnh và dư mua trần ngày một tăng. Cổ phiếu HAP tăng mạnh sau khi HĐQT Hapaco công bố kế hoạch đầu tư 4 dự án, với tổng giá trị gần 2.800 tỷ đồng, dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông bất thường vào cuối năm 2020.
Dự án lớn nhất, chiếm phần lớn giá trị trong tổng số 4 dự án trên của Hapaco là Dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Việt - Hàn, tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng với quy mô 800 giường, dự kiến thực hiện trên khu đất 5 ha tại trung tâm đô thị Bắc Sông Cấm, TP. Hải Phòng. Đây là bệnh viện thứ hai do Hapaco và Tập đoàn Hàn Quốc Yuil Trading Corporation hợp tác đầu tư, sau Bệnh viện Quốc tế Green. Ngoài ra là các dự án bất động sản như xây trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và dây chuyền sản xuất giấy tissue công suất 17.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, tại kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021, các cổ đông đã thông qua chủ trương đầu tư dự án trong nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó chỉ còn duy nhất dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Việt - Hàn nói trên là nằm trong danh sách này. 5 dự án mới được thay thế so với kế hoạch công bố năm 2020 thuộc các lĩnh vực đa dạng hơn, bao gồm chế biến cafe, điện gió, viện dưỡng lão, nhà ở thương mại, nhà máy giấy Kraft.
6 dự án mà Hapaco sẽ đầu tư trong 5 năm tới
Phải thu tăng mạnh, đối mặt với dòng tiền âm
Về kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính hợp nhất bán niên năm 2021 vừa được Hapaco công bố cho thấy, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2021 của công ty đạt đạt 209,4 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ. Mặc dù các chi phí bán hàng, quản lý doanh nghiệp đều tăng, nhưng nhờ doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh 555% lên 11,8 tỷ đồng, nên sau khi trừ đi các chi phí và thuế, lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt được là 12,6 tỷ đồng, tăng trưởng gần 45% so với nửa đầu năm ngoái.
Trong văn bản giải trình về nguyên nhân lợi nhuận tăng mạnh, Hapaco cho biết, trong quý II/2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của tập đoàn, nhưng các công ty thành viên đã cố gắng duy trì sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước, tối giản các chi phí.
Năm 2021, công ty đề ra mục tiêu doanh thu đạt 470 tỷ đồng, tăng 41% và lợi nhuận trước thuế đạt 80 tỷ đồng, gấp 2,2 lần thực hiện năm 2020. Với lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm ghi nhận là 16 tỷ đồng, Hapaco mới hoàn thành được 20% kế hoạch.
Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng, nhưng dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Hapaco âm hơn 43 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ dương hơn 27 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty tăng mạnh các khoản phải thu và tăng chi cho các khoản phải trả.
Tại thời điểm 30/6/2021, tổng tài sản của Hapaco đạt 815,4 tỷ đồng, tăng không đáng kể so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng 24% lên 315,8 tỷ đồng. Công ty cũng đang có các khoản đầu tư dài hạn với tổng giá trị là 236,5 tỷ đồng.
Các khoản đầu tư tài chính dài hạn của Hapaco.
Nợ phải trả của công ty giảm nhẹ 6% xuống còn 84,8 tỷ đồng. Công ty không có vay nợ tài chính dài hạn, vay nợ tài chính ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2021 là 27 tỷ đồng.
Tác giả: Kỳ Thành
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy