Hậu M&A, HDBank đã thành một khối thống nhất
13/08/2014 10:51:44
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, với sức mạnh hội nhập, HDBank đã chính thức trở thành một khối thống nhất, hoàn chỉnh, vững chắc với nền tảng công nghệ hiện đại; nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm; mạng lưới rộng khắp, hoạt động an toàn, hiệu quả, cung ứng vốn cho doanh nghiệp và người dân.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank cho rằng, với sức mạnh hội nhập, HDBank đã chính thức trở thành một khối thống nhất, hoàn chỉnh, vững chắc với nền tảng công nghệ hiện đại; nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm; mạng lưới rộng khắp, hoạt động an toàn, hiệu quả, cung ứng vốn cho doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, việc tăng quy mô, năng lực phát triển giúp HDBank đảm bảo lợi ích tốt hơn cho khách hàng, đối tác, cổ đông, cũng như cán bộ nhân viên.
 

 
 Ông Trần Hoài Nam, Phó tổng giám đốc HDBank       

Thưa ông, với việc sáp nhập DaiA Bank vào HDBank, HDBank sau sáp nhập có quá khó khăn trong vận hành, cũng như phát triển bền vững?
 
Thực tế, giữa 2 ngân hàng không có sự khác biệt nhiều về văn hóa. Bởi HDBank và DaiA Bank đều là hai ngân hàng cổ phần đã vận hành trên thị trường tài chính - ngân hàng rất nhiều năm.
 
Cán bộ của hai ngân hàng đã có nhiều năm kinh nghiệm trong quá trình hoạt động và làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. HDBank đang trong giai đoạn phát triển, còn DaiA Bank là ngân hàng không nằm trong danh sách ngân hàng tái cơ cấu theo yêu cầu bắt buộc của Ngân hàng Nhà nước.
 
Tất nhiên, do mỗi ngân hàng có một định hướng kinh doanh và phân khúc khách hàng khác nhau, nên cũng không thể nói là hoàn toàn không có khác biệt. Nhưng sau một thời gian chuẩn bị kỹ cho quá trình sáp nhập, cũng như sau sáp nhập, HDBank tạo được môi trường rất tốt để các cán bộ nhân viên yên tâm làm việc, phục vụ tốt hơn cho khách hàng, hoạt động ổn định, tăng trưởng bền vững.
 
Quy mô ngân hàng sau sáp nhập lớn hơn về vốn, tổng tài sản, cũng như số lượng cán bộ nhân viên, cơ sở khách hàng. Với quy mô như vậy, cùng với định hướng phát triển của HĐQT, Ban điều hành có tác động rất lớn đến hoạt động HDBank, giúp Ngân hàng phát triển ổn định và bền vững, khách hàng hưởng nhiều lợi ích hơn so với trước khi sáp nhập.
 
Cùng với việc triển khai tái cấu trúc mạnh mẽ, HDBank duy trì tốc độ phát triển khả quan, đảm bảo mục tiêu an toàn, bền vững, phát triển. Sau sáp nhập, vốn điều lệ của HDBank đến cuối năm 2013 đạt 8.100 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 86.227 tỷ đồng, tăng 21,76%; tổng vốn huy động đạt 76.304 tỷ đồng, tăng 25,91%; dư nợ tín dụng tăng 34,4%; tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,2%.
 
Trong quá trình mua bán, sáp nhập (M&A), HDBank đã gặp những khó khăn nào, thưa ông?
 
Đối với việc sáp nhập DaiA Bank vào HDBank, HĐQT cũng như Ban điều hành của HDBank đã có sự chuẩn bị kỹ càng để quá trình sáp nhập được thành công. Trước khi thương vụ được công bố chính thức, lãnh đạo HDBank đã khảo sát trực tiếp đối với tất cả cán bộ nhân viên tại từng chi nhánh DaiA Bank để chia sẻ, trình bày, giới thiệu HDBank, đồng thời có những cuộc thi để cán bộ nhân viên DaiA Bank tìm hiểu rõ về HDBank. Với động tác này, theo tôi, sự chuẩn bị rất thuận lợi trước khi công bố chính thức về thương vụ sáp nhập DaiA  Bank vào HDBank.
 
Hơn nữa, chính sách về nhân sự, đối với cán bộ nhân viên của DaiA Bank, chúng tôi cũng giữ nguyên chế độ và vị trí... Từ đó, các cán bộ nhân viên của DaiA Bank có thể an tâm làm việc và phục vụ khách hàng trong một môi trường lớn hơn, do sau sáp nhập HDBank trở thành một trong 10 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam.
 
Về chính sách phát triển đối với khách hàng của DaiA Bank, chúng tôi vẫn duy trì, đồng thời gia tăng thêm quyền lợi để phục vụ tốt hơn khách hàng. Vì thế, đã tạo nên sức mạnh hội nhập rất tốt trong định hướng phát triển của HDBank.
 
Định hướng của HDBank sau sáp nhập có thay đổi so với trước đó không?
 
Sau sáp nhập DaiA Bank vào HDBank và mua lại Công ty Tài chính Việt Société Générale (SGVF), HDBank tập trung phát triển để trở thành một tập đoàn tài chính hàng đầu với cốt lõi là ngân hàng thương mại, có sản phẩm dịch vụ ngân hàng vượt trội, mạng lưới rộng khắp trong nước và quốc tế, hoạt động và phát triển an toàn hiệu quả, có thương hiệu được khách hàng tự hào và tin dùng.
 
HDBank sẽ xem mảng ngân hàng cá nhân và ngân hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi để đạt được tăng trưởng bền vững trong tương lai. Ngân hàng cũng sẽ phát triển mảng ngân hàng cho doanh nghiệp lớn để thúc đẩy tăng trưởng.
 
Ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì và phát triển chích sách cam kết mang lại lợi ích cao nhất cho khách hàng và đối tác thông qua các giải pháp tài chính, dịch vụ ngân hàng trọn gói và sáng tạo, đáp ứng được nhu cầu đa dạng và luôn thay đổi dựa trên sự thấu hiểu khách hàng.
 
Ông có thể chia sẻ những thuận lợi sau khi HDBank mua lại SGVF đẩy mạnh bán lẻ?
 
Việc mua lại SGVF cũng là định hướng và chiến lược của HDBank về phát triển mạng lưới và phục vụ khách hàng cá nhân trong quá trình đẩy mạnh chiến lược bán lẻ. Vì bản thân SGVF là cho vay tiêu dùng, nên sau khi mua lại, công ty này sẽ giúp HDBank mở rộng được mạng lưới phục vụ khách hàng cá nhân.
 
Tiền thân, SGVF đã có mạng lưới trên 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với 1.200 điểm giao dịch tài chính. Vì thế, khi mua lại SGVF sẽ tạo được sự cộng hưởng rất lớn cho HDBank, gia tăng được lượng khách hàng rất lớn.
 
Mặt khác, bản thân HDBank cũng là một định chế tài chính tốt, hỗ trợ thêm các hoạt động của SGVF (nay đã được đổi tên thành HDFinance). Chính việc tận dụng cùng sự cộng hưởng về sức mạnh, cũng như kỹ thuật, công nghệ và việc quản lý của một ngân hàng tiên tiến để từ đó phục vụ tốt hơn cho khách hàng, đẩy mạnh hoạt động tài chính bán lẻ trên thị trường Việt Nam.
 
Thùy Vinh – baodautu.vn

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Tags :
Tin liên quan
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến