Đà tăng phi mã đã đưa “ông lớn” ngành hàng hải từng bước trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá tỷ USD và lập kỷ lục mới trong lịch sử niêm yết.
Trái ngược với sự rung lắc mạnh của thị trường chứng khoán thời gian gần đây, trên sàn UPCoM, cổ phiếu MVN của Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) liên tục “phi nước đại”. Đóng cửa phiên giao dịch ngày 19/6/2024, mã này đã tăng hết biên độ để chinh phục mức đỉnh lịch sử 54.300 đồng/cp. Tím trần tới 6 trong tổng số 10 phiên giao dịch gần nhất, thị giá MVN bứt phá hơn 185%.
Cổ phiếu MVN tím trần 6 trong tổng số 10 phiên giao dịch gần nhất
Tương ứng, vốn hoá thị trường có thêm 42.381 tỷ đồng, đạt 65.192 tỷ đồng (~2,5 tỷ USD). Đây cũng là mức cao kỷ lục trong lịch sử niêm yết của VIMC.
Thanh khoản của cổ phiếu MVN cũng tăng đột biến khi có tới hàng chục, hàng trăm nghìn đơn vị được khớp lệnh mỗi phiên. Riêng phiên giao dịch 19/6, mã này ghi nhận hơn 91.720 cổ phiếu được “trao tay” và vẫn còn dư trần 96.180 đơn vị.
Cổ phiếu MVN đã có hơn 1 năm loanh quanh trong vùng giá 16.000 - 21.000 đồng/cp. Xét trên góc độ kỹ thuật, trước khi bước vào giai đoạn tăng giá, cổ phiếu này cũng không hề phát tín hiệu cảnh báo khi tổng khối lượng giao dịch trung bình một ngày chỉ vỏn vẹn ở mức vài nghìn đơn vị.
Lên cùng ‘sóng ngành’
Sự tăng trưởng tích cực của cổ phiếu MVN đồng pha với diễn biến chung của nhóm cảng biển trong thời gian gần đây, với kỳ vọng giá cước vận tải thế giới tăng cao sẽ giúp các doanh nghiệp vận tải nội địa hưởng lợi như giai đoạn năm 2021 - 2022. Tính đến ngày 13/6, chỉ số World Container Index (8 tuyến vận tải chính trên thế giới) đã lên đến 4.801 USD/container 40 feet, tăng mạnh 73% trong một tháng và tăng 181% so với cùng kỳ.
Diễn biến giá cước vận tải thời gian gần đây
Trong bối cảnh xung đột tại khu vực Biển Đỏ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, nhu cầu hàng hoá phục hồi và tình trạng thiếu container chưa được cải thiện, các chuyên gia cho rằng, cước phí có thể đạt tới 20.000 USD/container 40 feet, thậm chí có thể chạm mức đỉnh 30.000 USD như giai đoạn Covid và duy trì ở mức đó cho đến năm 2025.
Điều này được các tổ chức tài chính đánh giá là tác động tích cực đến các doanh nghiệp vận tải biển, trong đó có VIMC – đơn vị sở hữu đội tàu lớn nhất cả nước.
Đội tàu của VIMC hiện đang chiếm tới 25% tổng dung tích đội tàu trong cả nước, trong đó có những loại tàu hàng rời cỡ lớn đến 73.000 DWT, hàng năm chuyên chở 60% hàng hóa xuất và nhập khẩu vào Việt Nam.
Ông lớn ngành hàng hải hiện có 34 doanh nghiệp thành viên, trong đó sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000m cầu bến (chiếm khoảng 30% tổng số m cầu bến quốc gia). Một số cảng trọng điểm của cả nước có thể kể đến như cảng Hải Phòng, cảng Sài Gòn, cảng Đà Nẵng và cảng Quy Nhơn.
Xoá lỗ luỹ kế, ông lớn ngành hàng hải đã trở lại
Bên cạnh xu thế chung của ngành, diễn biến tích cực của cổ phiếu MVN còn được hỗ trợ bởi câu chuyện riêng tích cực của doanh nghiệp.
Trước kia, khi còn mang tên cũ “Vinalines”, VIMC đã có nhiều năm kinh doanh kém hiệu quả dẫn đến lỗ luỹ kế hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, kể từ năm 2021 - một năm sau khi đổi tên, cũng là lúc ngành vận tải biển phục hồi mạnh, hoạt động kinh doanh của VIMC bắt đầu cải thiện đáng kể với doanh thu ghi nhận trong khoảng 13.000 – 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận ròng trong khoảng 1.000 – 2.000 tỷ đồng.
Xoá lỗ luỹ kế, VIMC đang trở lại mạnh mẽ hơn
Kết thúc quý đầu năm nay, doanh nghiệp mang về 3.596 tỷ đồng doanh thu và 576 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 26% và 19% so với cùng kỳ 2023. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế đạt 479 tỷ đồng, tăng 21% so với quý 1/2023, trong đó lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là hơn 342 tỷ đồng. Nhờ duy trì kết quả kinh doanh khả quan, tính đến cuối quý I, VIMC đã chuyển trạng thái từ lỗ lũy kế sang có lãi tích lũy hơn 60 tỷ đồng.
Đây được xem là tiền đề quan trọng để VIMC triển khai kế hoạch tăng vốn điều lệ đã được ĐHĐCĐ thường niên 2024 thông qua. Theo chủ trương, doanh nghiệp sẽ ưu tiên phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, phát hành cho các đối tác chuyên về vận tải container để hợp tác phát triển loại hình vận tải hàng hoá đặc thù này, đồng thời hạ tỷ lệ sở hữu cổ phần của Nhà nước xuống 65%.
Bên cạnh hoạt động khai thác cảng và vận tải biển, VIMC cũng đang tích cực thoái vốn theo đề án tái cơ cấu. Trong năm nay, VIMC lên kế hoạch thoái vốn/giảm vốn tại 9 doanh nghiệp gồm 3 doanh nghiệp chuyển tiếp và 6 doanh nghiệp theo kế hoạch mới. Tổng công ty đã hoàn thành thoái vốn Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu (Sesco) trong tháng 2, tiếp tục đấu giá Công ty cổ phần Hàng hải Sài Gòn (SHC) trong quý II và tiếp tục thực hiện thủ tục thoái vốn tại Công ty TNHH Hàng công nghệ cao (Transvina), Vinabridge... Việc này sẽ đem lại nguồn thu tài chính, bổ trợ kết quả kinh doanh.
Được biết, năm 2024, VIMC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất đạt 13.450 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.730 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 28% so với thực hiện 2023. Như vậy, kết thúc quý đầu năm, doanh nghiệp đầu ngành cảng và vận tải biển đã thực hiện được 26% chỉ tiêu doanh thu và 21% chỉ tiêu lợi nhuận.
Tác giả: Hà Lê
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy