Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HDB) sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2023 vào ngày mai (26/4) với nhiều nội dung quan trọng. Trong đó có trình kế hoạch xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng (TCTD), kế hoạch mua công ty chứng khoán và chia cổ tức 25%.
Theo đó, ngân hàng cho rằng, việc tham gia tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD không chỉ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, mà còn tạo cơ hội mang lại giá trị gia tăng cho HDBank và cổ đông.
Đồng thời, HDBank cũng xin ý kiến cổ đông thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.
Trên thực tế, hồi tháng 8/2022, ĐHCĐ HDBank đã cho ý kiến bằng văn bản, thông qua toàn bộ các tờ trình của Hội đồng quản trị với tỷ lệ tán thành cao. Trong đó, cổ đông đã thông qua chủ trương tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một TCTD theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt, với tỷ lệ tán thành 81,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Hiện có 5 ngân hàng thương mại thuộc diện tái cơ cấu, gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank), Ngân hàng Xây dựng (CBBank), Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Dầu khí toàn cầu (GPBank); riêng Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank) thuộc diện tái cơ cấu theo hướng chuyển giao phần vốn hay sáp nhập.
Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM - HDBank (HDB) sẽ tham gia chương trình tái cơ cấu TCTD trong năm 2023. (Ảnh: CP)
Trước đó, trong một thời gian dài HDBank luôn theo đuổi chiến lược M&A, HDBank có kế hoạch tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Trong đó, có phương án nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex - PGBank (PGB). Tuy nhiên, cổ đông PGBank đã thông qua việc chấm dứt kế hoạch sáp nhập vào HDBank tại phiên họp thường niên 2021 ngày 30/3/2021.
HDBank được biết đến là ngân hàng thực hiện thành công nhiều dự án M&A, bao gồm việc sáp nhập một ngân hàng thương mại và mua lại một công ty tài chính.
Trong năm 2013, HDBank đã sáp nhập Đại Á Bank và hoàn tất quá trình kết nối, hợp nhất hệ thống công nghệ thông tin trong thời gian kỷ lục 4 tháng.
Cũng trong năm 2013, HDBank là đơn vị trong nước đầu tiên mua lại một định chế tài chính có 100% vốn nước ngoài là công ty tài chính Societe Viet Finance - SGVF (công ty con của tập đoàn ngân hàng Societe Generale, cộng hòa Pháp), tiền thân của Công ty tài chính TNHH HD SAISON.
Cũng tại Đại hội, Ngân hàng HDBank cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc mua lại một công ty chứng khoán.
Theo tờ trình, HDBank cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Đây là tiền đề rất tốt cho thị trường chứng khoán phát triển. Bên cạnh đó, số lượng tài khoản chứng khoán của Việt Nam mới đạt tỉ lệ hơn 6% dân số, còn rất thấp so với mức 10%-15% của các nước khác trong khu vực và trên thế giới. Tiềm năng tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam còn rất lớn.
Ngoài ra, HDBank sẽ trình cổ đông thông qua phương án chia cổ tức bằng tiền và cổ phiếu với tổng tỷ lệ 25%, từ đó tăng vốn điều lệ lên 29.276 tỷ đồng.
Gần đây, việc nhận sáp nhập một số tổ chức tín dụng cũng được nhắc đến. Ngay trước thềm ĐHCĐ năm 2023, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đã hé lộ khả năng sáp nhập PGBank. Tuy nhiên, tại ĐHCĐ của MSB được tổ chức hôm 21/4 vừa qua, cổ đông đã không thông qua kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác.
Trong khi đó, hôm 7/4, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã thoái vốn thành công 120 triệu cổ phiếu PGBank (40%) thu về hơn 2.500 tỷ đồng với mức giá bình quân là 21.400 đồng/cp (thấp hơn khá nhiều so với mức giá cao nhất 25.600 đồng/cp được giao dịch trong sáng 7/4 trên sàn Upcom). Ba nhà đầu tư tổ chức mua gần trọn 120 triệu cổ phần PGBank.
Một số kế hoạch kinh doanh năm 2023 và phân phối lợi nhuận 2022 HDBank công bố kế hoạch kinh doanh năm 2023, với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022. Mục tiêu hiệu quả hoạt động lợi nhuận trên vốn (ROE) và lợi nhuận trên tài sản (ROA) lần lượt ở mức 24,5% và 2,3%. Tổng tài sản dự kiến nâng từ 416.300 tỷ đồng lên hơn 520.000 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 25%. Dư nợ tín dụng dự kiến sẽ tăng 24%, đạt mức 333.500 tỷ đồng. Nợ xấu khống chế dưới 2%. Về nguồn vốn, HDBank dự kiến tổng huy động sẽ cán mốc 459.300 tỷ đồng vào cuối năm 2023, tăng 25% so với năm trước. Vốn điều lệ dự kiến tăng từ 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng, tăng 16%. Về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2022, ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10% và bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15%. Trong năm 2022, HDBank ghi nhận tổng tài sản đạt hơn 416.000 tỷ đồng, gấp 7,8 lần năm 2012. Tiền gửi khách hàng đạt gần 260.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt gần 39.000 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt trên 10.268 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và gấp 24 lần thời điểm 10 năm trước. |
Tác giả: Mạnh Hà
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy