Công ty cổ phần GTNfoods (mã chứng khoán GTN) vừa có nghị quyết HĐQT thông qua ý kiến thống nhất không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk.
Ngày 23/3/2018, Theo Biên bản tổng hợp ý kiến thành viên HĐQT của GTNfoods biểu quyết nội dung "Công ty cổ phần Sữa Việt Nam chào mua công khai cổ phiếu GTN", kết quả kiểm phiếu cho thấy:
-Số thành viên đồng ý: 3 thành viên tương ứng 50% thành viên HĐQT
-Số thành viên không đồng ý: 03 thành viên tương ứng 50% thành viên HĐQT
-Số thành viên không có ý kiến: 0 thành viên.
Theo quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT GTNfoods hiện hành thì "Khi biểu quyết, mỗi thành viên HĐQT có một phiếu biểu quyết, HĐQT quyết định theo đa số, trường hợp số phiếu biểu quyết ngang nhau thì bên có phiếu biểu quyết nhất trí, tán thành của Chủ tịch HĐQT hoặc thành viên được chủ tịch HĐQT uỷ nhiệm chủ toạ phiên họp là quyết định được thông qua".
Trong trường hợp này, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần GTNfoods có ý kiến không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu GTN của Vinamilk, vì thế, HĐQT công ty thông qua chủ trương không đồng ý với đề nghị chào mua công khai cổ phiếu.
Theo ý kiến của ông Tạ Văn Quyền-Chủ tịch HĐQT GTNfoods, lý do ông không đồng ý với ý kiến chào mua công khai của Vinamilk là vì: "Vinamilk đang là công ty sản xuất và kinh doanh các sản phẩm sữa lớn tại Việt Nam và đang là đơn vị cạnh tranh trực tiếp với một trong những mảng kinh doanh cốt lõi của GTNfoods là hoạt động sản xuất, chế biến và phân phối sữa của Mộc Châu Milk. Với phương án chào mua công khai mà Vinamilk đã đưa ra, mục tiêu sở hữu tại GTNfoods sau chào mua là 49% vốn điều lệ công ty và nếu chào mua hoàn tất thì Vinamilk sẽ là một trong những cổ đông lớn nhất tại GTNfoods. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chủ tịch HĐQT của GTNfoods chỉ nhận được hồ sơ đăng ký chào mua công khai chính thức của Vinamilk mà chưa nhận được thêm bất cứ thông tin trao đổi, phản hồi nào khác về định hướng, chiến lược, phương án hợp tác từ Vinamilk để Vinamilk với vai trò là cổ đông lớn sẽ đóng góp vào sự phát triển chung của GTNfoods".
Cũng theo chia sẻ của ông Tạ Văn Quyền, sau khi có thông tin Vinamilk muốn mua công khai cổ phiếu GTN, ban lãnh đạo GTNfoods cũng liên tục gặp gỡ các nhà đầu tư để hiểu thêm mong muốn, nguyện vọng của họ. Theo thông tin phản hồi của các cổ đông nắm giữ lượng lớn cổ phiếu với tổng tỷ lệ sở hữu trên 51% cổ phần Công ty, các cổ đông này cũng chia sẻ rằng chưa nhận được thông tin chào mua cụ thể từ Vinamilk. Tương tự, cho đến thời điểm họp HĐQT để đưa ra ý kiến, ban lãnh đạo GTNfoods cũng chưa nhận được thông tin trao đổi gì khác từ Vinamilk. Để đảm bảo quyền lợi của cổ đông hiện hữu, HĐQT đã đưa ra quyết định không đồng ý đề nghị chào mua công khai.
Ông Quyền cũng chia sẻ thêm, sau giai đoạn dài tái cơ cấu, GTNfoods hiện đang sở hữu 3 thương hiệu lớn là Mộc Châu Milk, Vinatea và Ladofoods. Riêng Mộc Châu Milk hiện đang có đàn bò 23.500 con với quy mô chăn thả lên đến 1.000 héc ta và công ty đã và đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm. Mỗi năm, sản lượng sữa của Mộc Châu Milk đạt khoảng 100 nghìn tấn và mô hình kinh doanh của công ty là liên kết chăn nuôi với nông dân, tổng số diện tích nuôi nông hộ liên kết đạt 3.000 héc ta.
Còn về Vinatea, ông Quyền cho biết, công ty này vẫn trong quá trình tái cấu trúc và còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, bước đầu Vinatea đã đạt được nhiều thành công như quản trị nông nghiệp và sản xuất đạt tiêu chuẩn RA, nhiều sản phẩm chè đã xuất khẩu được sang các thị trường khó tính nhất. Với thị trường nội địa, Vinatea cũng phát triển nhiều sản phẩm thương hiệu tại thị trường nội địa như: Bạch trà, Trà Quý phi, Trà ngủ ngon, Trà hoa cúc mật, Trà gừng,… hoàn toàn từ thiên nhiên, tốt cho sức khỏe. Với thương hiệu hơn 60 năm và sở hữu 4.700 ha chè tập trung, Vinatea hoàn toàn có thể phát triển trở thành một thương hiệu chè lớn tầm cỡ thế giới.
Hiện tại, cả Mộc Châu Milk và Vinatea đang hoạt động theo mô hình liên kết chăn nuôi với nông dân, mỗi một biến động đều có thể ảnh hưởng tích cực hoặc tiêu cực đến họ, vì thế, điều GTNfoods muốn biết đó là Vinamilk muốn đồng hành cùng công ty như thế nào.
Trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt, không phải GTNfoods là doanh nghiệp đầu tiên từ chối lời đề nghị chào mua công khai cổ phiếu. Hồi năm 2014, công ty Cholimex Foods cũng từng từ chối lời đề nghị chào mua công khai cổ phiếu của Masan Foods. Lúc đó, Hai cổ đông chủ chốt đang nắm giữ 60% cổ phần của Cholimex Food đã ra thông cáo chung khẳng định 2 tổ chức này sẽ không bán, dù một phần hay toàn bộ số cổ phiếu Cholimex Food đang nắm giữ cho Masan Food. Và vì thế, Masan Foods chỉ mua được 32,8% lượng cổ phần của Cholimex Foods thay vì 49% như mong muốn. |
Theo Trí thức trẻ
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy