Dòng sự kiện:
HĐQT Suleco có được quyền sử dụng tiền nhà nước cho vay và đầu tư chứng khoán?
07/07/2019 08:33:12
Phần vốn nhà nước tại Suleco là 25%, nên khoản tiền cho vay có 25% của Nhà nước, liệu Hội đồng quản trị Suleco có được quyền sử dụng tiền nhà nước cho vay và đầu tư chứng khoán?

Công ty cổ phần Dịch vụ xuất khẩu lao động và chuyên gia (Suleco) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và cho thuê lại lao động. Trong 3 năm trước cổ phần hóa, Công ty đều có lãi, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn nhà nước ở mức 17 - 27%. Riêng 6 tháng đầu năm 2014, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế 39 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn nhà nước là 75%. Suleco dự kiến lợi nhuận 3 năm sau cổ phần hóa ở mức 7 - 8 tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn điều lệ khoảng 7 - 8%, trả cổ tức 5 - 6%.

Thực tế, sau cổ phần hóa (2015), lợi nhuận của Suleco giảm sút, Công ty không chia cổ tức nhiều năm. Năm 2016, doanh thu không đạt kế hoạch, lợi nhuận sau thuế âm 8,5 tỷ đồng. Năm 2017, doanh thu và lợi nhuận không đạt kế hoạch, lợi nhuận sau thuế 2,9 tỷ đồng, lỗ lũy kế 5,5 tỷ đồng. Năm 2018, doanh thu đạt 69,1 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6,5 tỷ đồng, trong khi kế hoạch là lãi 11,2 tỷ đồng. Thời điểm cuối năm 2018, Suleco có nợ phải trả 56,3 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn là 37,7%.

Báo cáo tài chính năm 2017 và 2018 của Suleco có nhiều khoản mục đáng chú ý như khoản đầu tư cổ phiếu Công ty cổ phần Chứng khoán Phương Đông, cổ phiếu Công ty cổ phần Bọc ống dầu khí, khoản góp vốn 39,5 tỷ vào Công ty cổ phần Vận tải ô tô Vĩnh Long... Ngoài ra, Suleco cho Công ty cổ phần Môi trường Công ích miền Nam vay 29,6 tỷ đồng với lãi suất 6%/năm mà không có tài sản đảm bảo. Báo cáo tài chính còn thể hiện 2 khoản phải thu ngắn hạn đối với công ty này là 16,2 tỷ đồng.

Suleco là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động ra nước ngoài. (Ảnh: Vietnambiz)

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 (ĐHĐCĐ), cổ đông đã chất vấn Ban lãnh đạo Suleco về cơ sở pháp lý của việc cho vay, nhất là các khoản vay không có tài sản bảo đảm, trong khi Công ty không có chức năng cho vay. Phần vốn nhà nước tại Suleco là 25%, nên khoản tiền cho vay có 25% của Nhà nước, liệu Hội đồng quản trị Suleco có được quyền sử dụng tiền nhà nước cho vay và đầu tư chứng khoán? Việc cho vay và góp vốn của Công ty có được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền? Trước đó, tại đại hội năm ngoái, cổ đông HFIC đã có ý kiến về các khoản nói trên và Suleco hứa sẽ thu hồi trong năm 2018, nhưng đến nay chưa thực hiện.

Tuy nhiên, Chủ tịch đoàn đã không trả lời chất vấn của cổ đông với lý do “hết thời gian thảo luận, sẽ trả lời sau bằng văn bản”.

Hội đồng quản trị Suleco đã trình đại hội biểu quyết dự án đầu tư viện dưỡng lão ở Lâm Đồng, nhưng không nêu rõ tổng vốn đầu tư, nguồn vốn tự có hay vốn vay, dự kiến doanh thu, chi phí và đề nghị đại hội ủy quyền toàn bộ cho Hội đồng quản trị quyết định cụ thể.

Ngoài ra, Suleco đề nghị ủy quyền cho Hội đồng quản trị quyết định nhiều vấn đề khác thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông như quyết định việc thuê cơ sở vật chất để mở rộng hoạt động kinh doanh; thành lập, giải thể các chi nhánh, văn phòng đại diện; đầu tư ra nước ngoài; góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng phần vốn góp, bán cổ phần thuộc sở hữu của Công ty tại các công ty con và các doanh nghiệp; đăng ký thay đổi trụ sở chính, đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp nghề Suleco trở thành cơ sở đào tạo trường trung cấp, tìm kiếm, làm việc và thương lượng với các đối tác để đầu tư, khai thác, sử dụng quỹ đất hiện có...

Được biết, Suleco đang quản lý và sử dụng một số khu “đất vàng” ở TP.HCM như lô đất 842 m2 tại 635A đường Nguyễn Trãi, Phường 11, Quận 5 và lô đất 12.305 m2 tại 165 Đại lộ 3, Phường Phước Bình, Quận 9. Khi cổ phần hóa, các lô đất này đã không được tính vào giá trị doanh nghiệp.

Cũng tại ĐHĐCĐ lần này, Suleco đã bị cổ đông chất vấn vì Họp cổ đông mà không công bố ngày chốt quyền.

Thông báo chốt danh sách cổ đông tổ chức ĐHĐCĐ trong đó quy định ngày đăng ký cuối cùng là 5/4 và ngày giao dịch không hưởng quyền là 4/4.

Tuy nhiên sau đó, Suleco lại công bố gia hạn thời gian tổ chức ĐHĐCĐ, thực hiện hủy đăng ký công ty đại chúng và hủy giao dịch trên thị trường UPCoM. Đến ngày 14/6/2019, Suleco có thư mời họp ĐHĐCĐ thường niên 2019 trong đó nêu rằng cổ đông có quyền dự họp là cổ đông có tên trong danh sách ngày 13/6.

Đáng chú ý là Suleco đã không thông báo thời gian chốt danh sách cổ đông trên các phương tiện công bố thông tin kể từ sau thông báo ngày chốt quyền 5/4.

Đây chính là vấn đề khiến một số cổ đông Suleco đặt câu hỏi về tính hợp pháp của ĐHĐCĐ tổ chức ngày 29/6 vừa qua. Cổ đông cho rằng, việc Suleco không công bố công khai ngày chốt quyền thì NĐT không thể nắm được thời gian để mua bán cổ phiếu xác định ngày giao tham dự đại hội.

Đại diện của công ty cho biết rằng, Suleco hủy đăng ký công ty đại chúng từ ngày 5/4 do không đủ số lượng cổ đông 100 người, công ty sau đó tự quản lý danh sách cổ đông nên không bắt buộc phải thực hiện thủ tục thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự ĐHĐCĐ.

Tại phần hỏi đáp, đại diện Suleco cũng tiết lộ công ty hiện có trên 130 cổ đông, và đủ điều kiện là công ty đại chúng. Do đó, công ty sẽ thực hiện thủ tục đăng ký và trở lại thị trường UPCoM theo quy định pháp luật.

Khánh Linh (T/h)

Theo: ANTT/NĐT
Thích và chia sẻ bài viết này :
Mọi góp ý tin bài cho chúng tôi vui lòng gửi vào email: antt.toasoan@gmail.com
Đang phổ biến