Băng nhóm bị triệt phá từ cái chết của một nhân viên
Sau cái chết của anh Nguyễn Văn Minh (SN 1999), trú thôn Liên Tân, xã Bố Hạ, huyện Yên Thế (Bắc Giang) tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa vào ngày 19/7/2018, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa đã vào cuộc điều tra và xác định Nguyễn Văn Minh là nhân viên của Công ty Tài chính Nam Long có trụ sở tại TP HCM.
Quá trình điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã phát hiện, Công ty tài chính Nam Long thực chất là công ty "ma", không đăng ký kinh doanh, có trụ sở tại 393/5 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM do Nguyễn Đức Thành làm giám đốc. Dù vậy, chúng vươn "vòi bạch tuộc" đến khắp nơi bằng việc lập ra tới 26 chi nhánh ở 23 tỉnh, thành (các chi nhánh đều được mở dưới danh nghĩa Công ty CP Đầu tư xây dựng Thành Nam).
Các đối tượng trong băng nhóm hiện đang bị tạm giam
Nguyễn Đức Thành (30 tuổi, trú tại phường Cầu Kho, quận 1, TP HCM), quê ở huyện Kinh Môn, (Hải Dương), chưa có tiền án, tiền sự, từng tốt nghiệp Đại học Luật.
Ban đầu, Thành và Nguyễn Cao Thắng (34 tuổi, quê ở quận Kiến An, TP Hải Phòng) đã thỏa thuận mỗi bên góp 1 tỷ đồng để thành lập Công ty tài chính Nam Long, hoạt động cho vay nặng lãi. Trong tổ chức, Nguyễn Đức Thành chỉ đạo mọi hoạt động cho vay, thu nợ, lợi nhuận chia làm 2 phần, mỗi phần 50% để tái đầu tư, 50% lợi nhuận còn lại chia đôi.
Để thu hút khách vay, Thành chỉ đạo đồng bọn đăng thông tin trên mạng hoặc trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn của những người dân trên địa bàn rồi chủ động đến gặp gỡ, đề xuất việc cho vay với thủ tục nhanh gọn. Nhờ vạy, chỉ trong một thời gian ngắn, công ty đã mở rộng "chân rết" tất cả các tỉnh thành trong cả nước.
Công ty hoạt động từ tháng 9/2017 đến tháng 12/2017 thì tiếp tục mở rộng mô hình kinh doanh. Thành yêu cầu Thắng chuyển thêm 1 tỷ đồng nữa để góp vốn, đồng thời giao cho anh vợ mình là Trần Hồng Phong làm kế toán, quản lý việc chi tiêu.
Trần Hồng Phong được giao nhiệm vụ mở tài khoản để cung cấp cho khách hàng, giữ số điện thoại "đường dây nóng" để khách hàng liên hệ trả nợ; trực tiếp rút tiền giao cho Thành và Thắng. Bên cạnh đó, Phong còn theo dõi quản lý hợp đồng vay của khách hàng, quá trình nộp tiền của khách, gọi điện thoại nhắc đòi nợ.
Cách thức hoạt động tinh vi, man rợ
Các đối tượng cầm đầu đều từng tốt nghiệp đại học, có kiến thức pháp luật, ngoài ra Thành còn có kinh nghiệm từng mở tiệm cầm đồ. Vì thế chúng dễ dàng có cách thức lách luật tinh vi, qua mắt cơ quan chức năng.
Để hoạt động trôi chảy, Thành đã soạn thảo một bộ quy chế với những quy định hà khắc, chặt chẽ dành cho các nhân viên. Trong đó, hướng dẫn cặn kẽ các bước làm việc với khách hàng, thẩm định tài sản, các phương thức đòi nợ hay đối phó với công an, cả các tình huống xử lý khi khách hàng chây ì không trả nợ.
Nguyễn Đức Thành, Giám đốc công ty tài chính Nam Long làm việc với cơ quan điều tra. (Ảnh: Công an cung cấp)
Theo tài liệu, đối tượng Thành đã soạn thảo quy chế, khi đòi nợ khách hàng, nếu con nợ chống đối hoặc tự huỷ hoại tài sản thì quay phim lại để báo cáo với cơ quan công an.
Ngoài ra, chúng đề ra các bước thẩm định năng lực tài chính và thu nợ chặt chẽ không kém bất cứ một ngân hàng nào. Nhân viên thẩm định phải phân tích tình hình tài chính của khách theo tiêu chí thước đo tiền mặt bằng tổng quỹ tiền mặt cộng với tài sản hiện có phải lớn hơn tổng số nợ phải thường xuyên thanh toán.
Theo quy định, nếu khách hàng vay "lãi đứng", tức là từ 10 đến 15 hoặc 30 ngày trả lãi 1 lần thì sẽ phải trả số lãi 1%/ngày (tức 365%/năm) hoặc lãi từ 7.000 đến 15.000 đồng/ngày/triệu (từ 180% đến hơn 200%/năm).
Ví dụ cụ thể, nếu khách hàng vay 10 triệu thì 10 ngày phải trả thành 11 triệu đồng; vay 100 triệu đồng 10 ngày phải trả 110 triệu. Nếu quá hạn khách không trả được thì số nợ sẽ tự chuyển sang gói lãi kỳ hạn 41 ngày với lãi suất khoảng hơn 200%/năm. Tức là, nếu khách vay 100 triệu đồng, sau 41 ngày sẽ phải trả 123 triệu đồng cả gốc và lãi.
Khi đến kỳ hạn trả tiền, khách hàng phải tự chuyển khoản vào tài khoản của công ty để trả nợ, nếu không trả được thì ngay lập tức các đối tượng cầm đầu sẽ chỉ đạo đội xử lý nợ xấu đến để đòi.
Đầu tiên, đội "xử lý nợ xấu" trên sẽ gọi điện cho khách hàng đe dọa, sau đó có từ 2 - 4 đối tượng sẽ đến nhà khách hàng đòi nợ bằng cách khủng bố tinh thần như ăn, ngủ tại nhà, chửi bới, gây sức ép. Nếu những việc trên không hiệu quả, chúng cho người theo dõi người nhà của khách hàng để đe dọa hành hung. Vì sợ hãi trước sự côn đồ, hung hãn của các đối tượng nên đa số khách hàng đều tìm cách trả nợ bằng mọi giá.
Theo cơ quan công an, trong số các con nợ dính bẫy của nhóm tội phạm này, có trường hợp đáng thương nhất là bà N.T.X (ở huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Bà X. làm chủ một trang trại chăn nuôi, vì thiếu vốn để mua cám nên đã vay của nhóm này số tiền 70 triệu đồng với hình thức "lãi góp" 41 ngày.
Đến hạn, do bà X. chỉ trả được 20 triệu đồng, đội "xử lý nợ xấu" của Công ty Nam Long đến bắt tất cả số gia súc, gia cầm trong trại của bà này với tổng giá trị hơn 100 triệu đồng. Dù đã tịch thu toàn bộ gia sản của bà X, chúng vẫn tuyên bố bà còn nợ số tiền 5 triệu đồng nữa.
Tại cơ quan Công an, Nguyễn Đức Thành thừa nhận là Giám đốc Công ty Nam Long và đã tự mở 26 chi nhánh. Các chi nhánh của Nam Long đều đăng ký kinh doanh dưới tên chi nhánh Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng Thành Nam. Trong 26 chi nhánh, hiện mới đăng ký hoạt động 13 chi nhánh, số còn lại hoạt động "chui".
Bên cạnh đó, Thành đã đầu tư mở rộng mô hình cho vay với các bộ phận: quản lý nhân sự, tư vấn khách hàng, quản lý miền (gồm 6 miền) và đội "xử lý nợ xấu". Ngoài ra, theo hồ sơ, đối tượng Nguyễn Cao Thắng cũng đã góp 9,5 tỷ đồng vào Công ty Nam Long.
Lý giải về cách thức đối xử hà khắc với nhân viên, cụ thể vụ việc khiến Nguyễn Văn Minh tử vong vì bị hành hạ, đánh đập dã man, Thành cho rằng, việc kỷ luật nghiêm nhằm giữ uy tín cho công ty và khiến những nhân viên khác không dám vi phạm.
Được biết, mặc dù các nhân viên đều chưa tiền án, tiền sự, nhiều người có học hành tử tế, khi tuyển vào công ty này làm việc đã không biết trước tính chất công việc phức tạp và nguy hiểm như thế nhưng do đã phải nộp trước số tiền lớn để đặt cọc (từ 50 - 100 triệu đồng) nên nhiều người không rút ra được.
Nạn nhân Nguyễn Văn Minh là người có tính lì lợm, làm được việc nên được Giám đốc Thành cho vào đội "xử lý nợ xấu", có nhiệm vụ đến đòi nợ ở tất cả các địa phương có nợ xấu.
Sau cái chết của Minh, các đối tượng đã tiêu hủy tài liệu để che giấu hành vi phạm tội. Dù vậy, bằng quá trình nỗ lực điều tra, phá án của cơ quan công an, sau 4 tháng, Công an tỉnh Thanh Hoá cùng Cục Cảnh sát hình sự và các đơn vị chức năng đã đưa băng nhóm tội phạm ra ánh sáng, bắt giữ 7 đối tượng; truy nã 2 đối tượng và đang tiếp tục củng cố hồ sơ để bắt giữ các đối tượng liên quan.
Bước đầu, CQĐT đã xác định, Công ty tài chính Nam Long có 70 tài khoản tại các ngân hàng khác nhau. Qua sao kê 30 tài khoản, CQĐT Công an tỉnh Thanh Hoá xác định có trên 200 bị hại chuyển vào với tổng số tiền lên đến hơn 500 tỷ đồng.
Từ các tài liệu thu thập được, công an bước đầu xác định có 368 khách hàng làm hồ sơ vay tiền, trong số đó hiện còn 85 bị hại vay tiền. CQĐT cũng đã làm việc được với 61 bị hại ở 15 khu vực (trong đó có 3 trường hợp vay từ năm 2017), các bị hại đã vay của công ty hơn 16 tỷ đồng, trả lãi gần 3,5 tỷ đồng và gần 1 tỷ tiền phí dịch vụ.
CQĐT Công an tỉnh Thanh Hóa hiện đã bắt tạm giam 4 tháng với 7 bị can, truy nã 2 bị can Nguyễn Cao Thắng và Trần Hồng Phong. Vụ án đang tiếp tục được điều tra mở rộng.
Công an tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự Cố ý gây thương tích, giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; khởi tố 9 bị can trong ổ nhóm do Nguyễn Đức Thành (SN 1988), ngụ phường Cầu Kho, quận 1 (TP HCM) chủ mưu, cầm đầu. Trong đó, Thành bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích; cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Ngô Văn Chương (SN 1988, ngụ huyện Chương Mỹ, Hà Nội) về tội Giữ người trái pháp luật, cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Trần Văn Phiên (SN 1989, thị trấn Thịnh Long) và Đoàn Minh Cương (SN 1989, ngụ xã Hải Lý), cùng huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định về tội Cố ý gây thương tích; Nguyễn Thành Long (SN 1998), Vũ Văn Thanh (SN 1989), cùng ngụ TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh); Bùi Văn Chung (SN 1992), ngụ quận Kiến An, TP Hải Phòng về tội Bắt giữ người trái pháp luật; Nguyễn Cao Thắng (SN 1984), ngụ phường 15 và Trần Hồng Phong (SN 1985), ngụ phường 11, cùng quận 10 (TP HCM) về tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. |
Lương Thị
- 1. Australia: Khủng hoảng thiếu nguồn cung nhà ở ngày càng trầm trọng
- 2. Đất ngoại thành Hà Nội sắp tấp nập đấu giá, khởi điểm chỉ hơn 6 triệu đồng/m2
- 3. Đất rừng tỉnh ven Hà Nội bán giá bát phở mỗi m2, hé lộ mục đích phía sau
- 4. Trầy trật đòi tiền mua nhà tại dự án ‘ma’ Lancaster Lincoln
- 5. Tháo dỡ nhiều biệt phủ xây dựng trái phép trên núi
- Chỉ còn một nửa lượng dầu dự trữ, Mỹ có sẵn sàng trước một cuộc khủng hoảng?
- Các bộ ngành đồng thuận, sẽ trình phương án nghỉ Tết Âm lịch 7 ngày
- HDBank sẽ tham gia cổ phần Công ty chứng khoán
- Nước về hồ nhiều, Thuỷ điện–Điện lực 3 (DRL) báo lãi 14,4 tỷ đồng trong quý III/2023
- Truy tố người mẹ và nhân tình hành hạ, ép cháu bé 3 tuổi hút ma túy